Nhiều người đến Trung tâm tế bào gốc thuộc Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đề nghị hiến tế bào cứu Joon, cô gái gốc Việt mắc bệnh bạch cầu. Tuy nhiên chi phí xét nghiệm 10 triệu mỗi người để tìm tế bào tương thích là khó khăn lớn. Tiến sĩ Trần Ngọc Quế, Phó giám đốc Trung tâm tế bào gốc, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, có rất nhiều người đã gọi điện đến Viện để đăng ký hiến tế bào gốc. Tuy nhiên, việc tìm kiếm người hiến tế bào gốc trong trường hợp này chưa thực hiện được bởi chưa có cơ chế và nguồn kinh phí. "Giả sử xét nghiệm 10-20 người thì Viện sẵn sàng thực hiện. Nhưng có khi phải xét nghiệm hàng trăm, hàng nghìn người mới tìm được người cho tế bào phù hợp thì lấy kinh phí ở đâu ra", tiến sĩ Quế nói. Dự kiến chi phí khám tuyển, xét nghiệm và sàng lọc các bệnh nhiễm trùng cho một người hiến tặng tế bào gốc mất khoảng 10 triệu đồng. Có hàng trăm, nghìn người xin hiến cần phải xét nghiệm, Viện không có kinh phí để thực hiện, trong khi tỷ lệ người có tế bào phù hợp rất thấp. Trước đó, lá thư điện tử "cầu cứu" của giáo sư Siegfried Wenig, đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu vật lý nguyên tử châu Âu (CERN) gây xúc động trên cộng đồng mạng. Theo đó, Joon gốc Việt sống tại Pháp, con gái nuôi một người bạn của ông bị bệnh bạch cầu và đang cần một người hiến tặng tế bào gấp. Thông điệp cầu cứu được truyền đi bằng nhiều cách. Joon có khỏi bệnh hay không, phụ thuộc nhiều vào cơ hội tìm được người hiến tặng tương hợp trước tháng 9. Joon xuất thân từ miền Bắc Việt Nam đang sống tại Pháp bị bạch cầu, cần người hiến tặng tế bào gốc. Ảnh: Gia đình cung cấp. Theo tiến sĩ Quế, ở từng chủng tộc khả năng tìm người cho phù hợp dễ hơn, như người Nhật là dễ nhất, thuần nhất, tỷ lệ tìm được rất cao. Chỉ cần 5.000 mẫu thử tế bào là có thể tìm được người phù hợp. Trong khi đó, người Mỹ cùng với số mẫu tương tự thì chỉ có khả năng 50% tìm được, vì thế, họ phải thành lập ngân hàng tế bào gốc cho từng chủng tộc. Việt Nam chưa có nghiên cứu đầy đủ về vấn đề này. Cô gái gốc Việt Joon muốn tìm được người cho tế bào gốc phù hợp dễ nhất thì phải tìm chủng tộc châu Á, gần hơn nữa là người Việt Nam. Tuy nhiên, nước ta chưa có ngân hàng người hiến tế bào gốc. Vì thế, muốn tìm được người hiến phù hợp, Joon có thể vào website của các ngân hàng tế bào gốc lớn trên thế giới, nhập chỉ số cân nặng, giới, chỉ số HLA (kháng nguyên bạch cầu người, yếu tố quan trọng để xác định tế bào gốc nào phù hợp để ghép)... Theo tiến sĩ Quế, tế bào gốc nói một cách đơn giản là từ đó sinh ra nhiều tế bào khác, có thể cùng giống hoặc biệt hóa hơn thành các tế bào chức năng. Chẳng hạn, từ đó sinh ra tế bào gốc tạo máu, tạo giác mạc, gan, tụy... Tế bào gốc đầu tiên chính là phôi khi trứng gặp tinh trùng, đây là tế bào gốc toàn năng sinh ra cả cơ thể con người. “Ứng dụng tế bào gốc trong y học được coi là giải pháp cho rất nhiều bệnh nan y như ung thư, di truyền, Parkinson, suy tim... Hiện nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam đang sử dụng tế bào gốc có sẵn, tiêm hoặc ghép vào vi môi trường trong cơ thể để tự tăng sinh", tiến sĩ Quế nói. Tương lai, từ tế bào gốc, con người có thể tạo ra ngân hàng mô, tế bào gốc tăng sinh tái tạo thành các bộ phận cơ thể người như tai, mắt... Thế giới đã nuôi cấy tạo thành mũi, tai, họng từ tế bào gốc. Mẫu máu dây rốn được xử lý để chiết tách lấy tế bào gốc. Ảnh: Viện cung cấp. Các bệnh lý huyết học như ung thư máu, u lympho, suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, đa u tủy xương, Thalassemia..., có thể dùng tế bào gốc để chữa trị. Một số bệnh ung thư như gan, dạ dày, phổi, xương… khi sử dụng phương pháp trị liệu hóa chất, tia xạ để tiêu diệt hoàn toàn tế bào ung thư thì cần ứng dụng tế bào gốc như một biện pháp hỗ trợ sinh máu, miễn dịch. Ngoài ra, nó còn được ứng dụng trong các bệnh lý về xương khớp, gãy xương không liền, mạch máu, suy tim, nội tiết... Hiện nay, trong điều trị bệnh lý huyết học và bệnh lý tế bào nguồn tạo máu, có 3 nguồn chính tế bào gốc gồm dịch tủy xương; tế bào gốc máu ngoại vi; máu dây rốn được sử dụng để ghép. Đồng thời, có hai phương pháp ghép tế bào gốc là ghép tự thân - lấy tế bào gốc từ bệnh nhân ghép cho chính họ; và ghép đồng loại, tức lấy tế bào gốc từ người hiến để ghép cho bệnh nhân, đây là cái khó nhất. Trong một số trường hợp, tế bào gốc của người bệnh cũng có thể có yếu tố bị bệnh (như các bệnh máu di truyền) vì thế thường ghép tự thân không giải quyết hết được vấn đề. Khi đó bắt buộc phải dùng tế bào gốc của người khác. Tiến sĩ Quế cho biết, giống như máu muốn truyền được thì phải phù hợp. Tế bào gốc để ghép được, người ta căn cứ vào sự phù hợp của kháng nguyên bạch cầu người hay HLA, với 6 yếu tố. Trường hợp HLA không giống nhau rất khó khăn trong ghép, vì sẽ xảy ra tình trạng thải loại mảnh ghép hoặc mảnh ghép chống lại cơ thể người nhận. Vì những lợi ích to lớn mà tế bào gốc có thể đem lại nên nhiều nước trên thế giới đã có chương trình tế bào gốc quốc gia. Trong đó xây dựng ngân hàng tế bào gốc từ máu dây rốn và ngân hàng người đăng ký hiến. Tại Nhật Bản, các ngân hàng máu dây rốn hiện lưu giữ hơn 30.000 mẫu và người bệnh có nhu cầu thì đến 90-95% tìm được nguồn tế bào gốc phù hợp cần ghép. Nhật cũng có ngân hàng người đăng ký hiến, với 430.000 người. Họ được làm tất cả các xét nghiệm liên quan các bệnh nhiễm trùng, HLA... Khi một bệnh nhân có nhu cầu ghép, chỉ cần đưa thông tin vào hệ thống phần mềm về cân nặng, giới và HLA của bệnh nhân thì đã có thể tìm được ít nhất 3 người cho phù hợp. “Nhu cầu ghép tế bào gốc cho bệnh nhân của Việt Nam rất nhiều nhưng hiện không có nguồn trong khi ta có đủ trình độ chuyên môn kỹ thuật để ghép thành công", tiến sĩ Quế nói. Việt Nam bắt đầu ghép ca đầu tiên vào năm 1995, đến giờ gần 20 năm mới ghép được gần 250 ca, gồm cả ghép đồng loại và tự thân. Tại Nhật Bản, chỉ tính riêng ghép đồng loại, một năm ghép 3.500 ca. Ở Viện Huyết học truyền máu Trung ương mỗi năm có gần 100 ca ghép, thì chỉ hơn 30 ca ghép đồng loại. Nguồn tế bào gốc là từ anh chị em ruột bệnh nhân với tỷ lệ tìm được người cho phù hợp là khoảng 20-25% nếu có một anh chị em ruột, 40% nếu có 2 anh chị em ruột, 50-60% nếu có 3 anh chị em ruột... Tiến sĩ Quế cho biết, hiện trong nước cũng có một số nơi nhận lưu giữ mẫu máu dây rốn nhưng chỉ phục vụ nghiên cứu và giữ hộ cho cá nhân, chưa có gửi cho cộng đồng. Việt Nam rất cần phải có Chương trình tế bào gốc quốc gia, trong đó sẽ xây dựng ngân hàng người hiến tế bào gốc và ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cho cộng đồng, để có nguồn kinh phí chi cho làm các xét nghiệm sàng lọc bệnh nhiễm trùng và yếu tố phù hợp ghép (HLA khá đắt). “Lấy một ví dụ đơn giản muốn có một hệ thống ngân hàng với ít nhất 10.000 người, tối thiểu các chi phí xét nghiệm mất khoảng 100 tỷ đồng. Nhờ ngân hàng này mà một năm ít nhất 50 bệnh nhân được ghép đồng loại, nhiều người không phải ra nước ngoài để ghép”, tiến sĩ Quế nói. Nam Phương Nguồn VNExpress