Mẹ tôi năm nay 60 tuổi, năm ngoái bà bị đau các khớp ngón tay, cổ tay, đầu gối và được chẩn đoán thoái hóa khớp. Xin cho hỏi có thể chữa bệnh này tại bệnh viện nào, chế độ ăn uống, tập luyện ra sao? (Tuân) Trả lời: Theo mô tả của bạn, tôi nghĩ mẹ của bạn bị thoái hóa khớp gối. Thoái hóa khớp gối tức là tình trạng sụn mặt khớp bị hư. Đây là bệnh lý có liên quan đến tuổi và hay xảy ra khi chúng ta bước vào tuổi 40-50. Tổn thương của loại bệnh này biểu hiện từ tình trạng nhuyễn sụn tức là mặt sụn khớp của khớp gối bị mềm, tiếp đến lớp sụn này sẽ bị hư tạo các đường nứt và lan sâu xuống tận vùng xương. Nặng hơn nữa là các mảng sụn bị bong tróc ra để lộ lớp xương dưới sụn, bao hoạt mạc khớp gối sẽ bị viêm và tiết ra nhiều loại men làm hư thêm lớp sụn này. Cơ thể phản ứng bằng cách tạo xương sữa chữa nhưng không thành công và tạo ra các hình ảnh gai xương trong khớp gối khi chụp phim X-quang. Biểu hiện của bệnh là tình trạng đau khớp gối và đặc biệt là đau khe khớp gối bên trong vì phần lớn khớp gối của chúng ta bị vẹo vào trong (gối varus). Đau tăng khi đi lại nhiều và giảm khi nghỉ ngơi. Chụp phim với tư thế đứng trên một chân bị đau sẽ thấy hình ảnh xơ đặc xương vùng khe khớp bên trong, nặng hơn có thể thấy hẹp khe khớp và các gai xương. Tiến triển lâu dài khớp gối sẽ bị hư hoàn toàn và biến dạng vẹo vào trong gây đau đớn khi đi lại, sụn hư hoàn toàn gây tàn phế. Về Tây y sẽ điều trị bằng việc dùng thuốc kháng viêm giảm đau và chế độ tập luyện thích hợp. Việc điều trị bằng thuốc nếu sau 2 hoặc 3 tháng không hiệu quả sẽ phải sử dụng đến biện pháp mổ xẻ, hiện tại có nhiều cách như làm nội soi cắt hoặc mạc và làm sạch sụn hư bằng sóng radio cao tần, khoan xương cho chảy máu với hy vọng sụn sẽ mọc ra. Ghép xương sụn tự thân qua nội soi tức là lấy sụn lành từ nơi không phải chịu lực ghép vào nơi hư. Đục xương sửa trục khớp gối cho thẳng trở lại hoặc hơi vẹo ra ngoài một chút vì phần sụn bên ngoài thường còn tốt. Và biện pháp cuối cùng khi sụn hư hoàn toàn là thay khớp gối nhân tạo toàn phần hoặc bán phần. hiện tại một số bệnh viện đã có triển khai hầu hết các loại phẫu thuật kể trên. Mẹ của bạn đã điều trị thuốc lâu nhưng không giảm điều này chứng tỏ thuốc đã không còn tác dụng. việc mẹ bạn bị đầy bụng thường xuyên có thể do tác dụng phụ của thuốc kháng viêm giảm đau. Việc dùng thuốc này lâu dài có thể bị loét đường tiêu hóa với biến chứng nguy hiểm là chảy máu đường tiêu hóa có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Hiện tại chúng tôi đã thực hiện các thành công các phẫu thuật như nội soi làm sạch khớp, bơm chất nhầy, ghép sụn xương tự thân, bơm huyết tương giàu tiểu cầu để kích thích mọc sụn, thay khớp toàn phần ở các bệnh viện có chuyên khoa cơ xương khớp. Bạn có thể đưa mẹ đến để chúng tôi khám và tư vấn kỹ cụ thể hơn. Thạc sĩ - Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Nguyễn Tri Phương Nguồn VNExpress