Đối với giải trí tại gia thì những công nghệ truyền nội dung không dây như AirPlay của Apple thực sự hữu ích và tiện dụng với người sử dụng. Tuy nhiên, khai thác hiệu quả tính năng này không phải là điều dễ dàng với đại đa số người dùng. AirPlay (trước đây gọi là AirTunes) là chuẩn truyền nội dung giải trí qua mạng nội bộ được tích hợp trên các thiết bị của Apple. Với chuẩn này, bạn có thể truyền nhạc hay video từ máy tính Mac hay thiết bị iOS đến các hệ thống âm thanh hay Apple TV. AirPlay có thể hoạt động trên mọi kết nối mạng có dây hay Wi-Fi, tuy nhiên nếu muốn có được chất lượng tốt nhất khi truyền video thì bạn nên sử dụng chuẩn kết nối không dây có tốc độ nhanh như 802.11n. Tất nhiên, những thiết bị gửi và nhận đều phải thỏa mãn yêu cầu là tương thích với AirPlay. Ưu điểm của AirPlay so với Bluetooth Nói một cách đơn giản nhất, thực chất AirPlay là một phương thức để những chiếc loa hay thiết bị trình chiếu trong nhà có thể “lấy” được âm thanh và video dễ dàng từ máy Mac hay thiết bị iOS như iPhone, iPad hay iPod Touch. Nếu so với Bluetooth thì AirPlay có nhiều ưu điểm hơn trong việc truyền tải âm thanh không dây. Cụ thể hơn, Bluetooth sử dụng phương thức nén nội dung (giảm chất lượng) để truyền tải đi trong khi đó AirPlay lại dùng cách thức truyền tải mà không làm mất đi bản chất nội dung ban đầu (lossless). Do vậy, nếu truyền nhạc chất lượng cao thì AirPlay sẽ cho chất lượng âm thanh tốt hơn. Ngoài ra, Bluetooth giới hạn việc truyền âm thanh ở khoảng cách không quá 30 mét, trong khi đó AirPlay cho phép truyền nội dung đến bất cứ đâu miễn có kết nối Wi-Fi hoặc một mạng có dây bất kỳ. Ưu điểm cuối cùng là nếu Bluetooth chỉ cho phép bạn chuyển âm thanh đến một thiết bị nhận duy nhất thì AirPlay có thể chuyển âm thanh đến nhiều dàn loa hoặc thiết bị nhận riêng lẻ khác. Mặc dù vậy, AirPlay cũng có một số hạn chế như chỉ có thể sử dụng tính năng này trên một số dòng thiết bị nhất định như máy tính dùng OS X, thiết bị di động dùng iOS hay rất ít những thiết bị hỗ trợ của hãng khác. Đó là chưa nói nói đến một số thiết bị sẽ cần đến việc cài thêm ứng dụng bổ sung hay bẻ khóa mới dùng được AirPlay. Bên cạnh đó, những thiết bị hỗ trợ AirPlay thường có mức giá đắt hơn so với các sản phẩm tích hợp kết nối Bluetooth. Sử dụng AirPlay để truyền âm thanh Yêu cầu đầu tiên để có thể truyền âm thanh qua AirPlay là bạn sẽ cần đến một máy tính Mac hay thiết bị iOS và một thiết bị nhận tín hiệu âm thanh tương thích AirPlay, chẳng hạn như hệ thống loa được gắn nhãn “AirPlay compatibility” và hỗ trợ kết nối mạng Wi-Fi hoặc Ethernet. Hiện tại, một số hệ thống giải trí tại gia cũng hỗ trợ đầy đủ tính năng AirPlay. Sử dụng Apple AirPort Express để làm bộ phận thu tín hiệu AirPlay Ngoài ra, bạn có thể sử dụng bộ AirPort Express của Apple để làm bộ phận thu AirPlay. AirPort Express này sẽ tiếp nhận những tín hiệu AirPlay và chuyển ra những thiết bị phát khác thông qua các cổng kết nối tích hợp như USB, LAN hay khe cắm âm thanh 3,5mm. Lưu ý rằng, khe âm thanh 3,5mm của AirPort Express có thể xuất tín hiệu âm thanh analog lẫn kỹ thuật số (digital), nên bạn có thể cắm trực tiếp dàn loa của hệ thống tại gia vào thẳng khe 3,5mm của thiết bị này. Nếu bạn đang dùng Apple TV (thế hệ thứ 2 trở lên) thì có thể tận dụng thiết bị này để làm thiết bị thu tín hiệu AirPlay. Tuy nhiên, Apple TV chỉ có thể xuất âm thanh kỹ thuật số mà thôi. Cách kết nối để truyền âm thanh với AirPlay Để có thể truyền âm thanh đến những thiết bị hỗ trợ AirPlay, bạn cần thiết lập thiết bị nhận tín hiệu AirPlay. Cách thiết lập có phần khác nhau tùy loại thiết bị AirPlay Receiver. - Đối với hệ thống loa hỗ trợ AirPlay: Hầu hết bộ phận này đều có cách thiết lập khá đơn giản. Thông thường, bạn chỉ cần kết nối thiết bị iOS vào loa qua cổng USB, sau đó sử dụng các ứng dụng (có thể được hãng sản xuất loa phát triển) trên iOS để thiết lập loa kết nối với mạng nội bộ. Một số dòng loa hỗ trợ việc tạo riêng một mạng Wi-Fi để thiết bị iOS hay máy tính kết nối vào. Với trường hợp này, bạn nên đặt lại tên mạng Wi-Fi để dễ nhận diện khi sử dụng, chẳng hạn: Home Speakers, He Thong Loa… Tất nhiên, đi kèm sản phẩm luôn có hướng dẫn thiết lập và sử dụng khá chi tiết. - Đối với AirPort Express: Cách thiết lập AirPort Express để trở thành một thiết bị AirPlay Receiver tương đối đơn giản. Nếu AirPort Express đã được kết nối với mạng nội bộ, thì bạn hãy khởi động AirPort Utility lên > chọn Express và nhấn Edit. Tiếp tục, bạn chuyển sang thẻ AirPlay > đánh dấu chọn trước Enable AirPlay và nhập tên cho Express ở mục AirPlay Speaker Name và nhấn Update để lưu lại. Nếu bạn muốn cài đặt mới một AirPort Express, trước hết hãy làm theo các bước của trình thuật sĩ (widget) để thiết lập thiết bị này kết nối với mạng nội bộ. Sau đó, thực hiện các bước như trên để kích hoạt AirPlay. Bạn nên đặt một mật khẩu để nếu ai muốn dùng AirPort Express để truyền nhạc thì phải nhập mã mới có thể sử dụng được. Cách phát âm thanh qua AirPlay Để truyền âm thanh qua tính năng AirPlay, bạn cần thực hiện các thiết lập sau: Trên thiết bị iOS: Bạn khởi động chương trình nghe nhạc và nhấn vào biểu tượng AirPlay (thường nằm bên cạnh thanh trượt chỉnh âm lượng – Volume). Chọn thiết bị hoặc loa muốn chuyển đến trong danh sách hiện ra là xong. Lưu ý rằng, khi truyền âm thanh từ một ứng dụng nào đó trên iOS, bạn chỉ có thể chọn duy nhất một thiết bị phát tại một thời điểm mà thôi. Trên máy Mac dùng OS X Để truyền nhạc đang nghe từ iTunes, bạn cũng nhấn vào biểu tượng AirPlay trên góc trái ứng dụng và chọn loa hoặc thiết bị muốn phát. Bạn có thể chọn cùng lúc nhiều thiết bị phát cùng lúc tại đây, điều này thích hợp để bạn muốn chuyển nhạc đến nhiều hệ thống loa từ nhiều phòng khác nhau trong nhà. Trên Mac, bạn có thể truyền mọi âm thanh trên máy (âm báo, nhạc online, các trình xem phim, nghe nhạc khác…) thì có thể thiết lập trong System Preferences > Sound > Output. Nếu bạn muốn thiết lập các ứng dụng được cài trên Mac để truyền âm thanh đến những thiết bị phát trong nhà đơn giản hơn thì có thể cài thêm tiện ích Airfoil for Mac (tải tại http://www.rogueamoeba.com/airfoil/mac/, giá 25 USD). Thiết lập để truyền video qua AirPlay Nếu bạn đang dùng Apple TV thì có thể truyền video từ Mac hay iOS đến những thiết bị khác dễ dàng. Tuy nhiên, chỉ Apple TV từ thế hệ 2 trở lên mới sử dụng được tính năng này. Để kích hoạt AirPlay truyền video và âm thanh trên Apple TV, bạn chuyển đến mục Settings > AirPlay và chuyển tùy chọn này sang On. Bạn cần đặt Onscreen Code và mật khẩu để tránh bị những người tò mò kết nối vào thiết bị của mình. Truyền video đến TV qua AirPlay - Với các ứng dụng video trên iOS: Từ các ứng dụng hỗ trợ xem video trên iOS như YouTube, Videos hay các tiện ích xem phim cài thêm trên App Store đa số đều hỗ trợ truyền video đến Apple TV. Từ màn hình xem video, bạn chỉ việc nhấn vào biểu tượng Air Play và chọn thiết bị phát là xong. Nếu đang dùng iPhone 4S trở lên, iPad 2 trở lên hay iPod Touch thế hệ thứ 5 trở lên và dùng iOS 5 trở lên, bạn có thể sử dụng tính năng chuyển tín hiệu màn hình (Mirroring) sang TV nhờ AirPlay. Khi dùng tính năng Mirroring, những gì bạn thực hiện trên màn hình thiết bị iOS sẽ được hiển thị đầy đủ trên TV màn hình lớn bao gồm cả Home Screen hay các ứng dụng đang thao tác. Tính năng này khá hữu ích khi thiết bị iOS đang ở phương ngang vì tỉ lệ rất khớp với các màn hình TV Widecsreen hiện nay. Để kích hoạt Mirroring trên các thiết bị hỗ trợ, bạn nhấn đôi nút Home để vào chế độ đa tác vụ, chuyển ứng dụng sau đó chuyển sang bên trái > nhấn vào biểu tượng AirPlay > chuyển tùy chọn Mirroring sang ON. - Truyền video từ iTunes trên Mac: Hầu hết các máy tính Mac đều chạy iTunes 10.2 trở lên nên bạn có thể sử dụng tính năng truyền video iTunes-hosted đến Apple TV dễ dàng. Thao tác đơn giản bằng cách nhấn vào biểu tượng AirPlay cạnh nút chỉnh âm lượng và chọn tên Apple TV muốn trình chiếu hình ảnh là xong. - Truyền video ngoài iTunes trên máy Mac: iTunes hiện chỉ hỗ trợ các định dạng audio, video như MP3, AIFF, WAV, MPEG-4, AAC và Apple Lossless (.m4a) nên nếu bạn muốn truyền video qua AirPlay với nhiều định dạng hơn trên Mac thì có thể cài thêm Beamer (tải tại: http://beamer-app.com, giá 15 USD). Khi chạy Beamer, ứng dụng sẽ hỏi bạn truyền video đến Apple TV hay thiết bị trình chiếu nào, sau đó bạn chỉ việc kéo thả những định dạng video hỗ trợ vào giao diện Beamer để bắt đầu chơi. Beamer hiện hỗ trợ các định dạng video như AVI, FLV, M4V, MKV, MOV, MP4, WMV và VOB. Bên cạnh đó, ứng dụng này còn hỗ trợ phụ đề và âm thanh 5.1. - Tính năng Mirroring trên Mac Tính năng truyền màn hình làm việc của máy tính Mac thuộc các dòng iMac, Mac Mini hay MacBook Air đời giữa năm 2011 hay mới hơn, MacBook Pro đầu năm 2011 trở lên dùng OS X 10.8 sang TV qua AirPlay. Cách sử dụng khá đơn giản, bạn vào System Preferences > Display và thiết lập đầu ra trình chiếu ở AirPlay mirroring. Nếu máy tính Mac của bạn không hỗ trợ tính năng này, bạn có thể cài thêm tiện ích AirParrot (http://www.airsquirrels.com/airparrot, giá 10 USD) để làm việc này. Ngừng truyền nội dung qua AirPlay Nếu không muốn truyền nội dung qua AirPlay nữa, từ thiết bị iOS bạn chỉ việc nhấn vào biểu tượng AirPlay và chọn nguồn phát là tên thiết bị, chẳng hạn iPhone hoặc iPad. Nếu không muốn dùng Mirroring trên máy tính Mac, bạn hãy chọn Turn Off AirPlay Mirroring trong mục Display của System Preferences. Còn nếu bạn truyền nội dung đến Apple TV, khi muốn tắt thì chỉ cần chọn Stop streaming hay Stop mirroring trong Menu trên remote của Apple TV. Nguồn PC World VN