Em nghe nói virus HIV dễ bị tiêu diệt. Sau khi quan hệ, để tránh lây nhiễm bệnh, em thụt rửa kỹ bằng thuốc sát trùng có đảm bảo an toàn 100%? - (Thanh). Ảnh minh họa: News. Trả lời: Chào bạn, Về nhận định đầu tiên, HIV rất dễ bị tiêu diệt khi ở ngoài cơ thể, điều này là không sai. Do cấu tạo của nó, virus nói chung và HIV nói riêng cần sống trong môi trường tế bào. Khi ra khỏi tế bào, chúng có thời gian lưu hành khá ngắn trước khi xâm nhậo vào một tế bào khác, cần thiết cho sự sống của mình. HIV cũng không có lớp vỏ bao bọc dày, do vậy dễ bị hủy hoại bởi các tác nhân lý hóa như nhiệt độ, hóa chất… Tuy nhiên, hành vi thụt rửa như cách mà bạn đề xuất không những không giúp ích mà còn có thể gây ra những tác hại to lớn đến sức khỏe. Thứ nhất, việc thụt rửa (ở đây tôi hiểu ý bạn là thụt rửa âm đạo), hiệu quả là có nhưng không đảm bảo sẽ gột rửa được hoàn toàn dịch tiết sinh hoạt của bạn tình. Mặt khác, thụt rửa âm đạo vô tình lại tạo ra thêm nhiều vết trầy xước trên bề mặt niêm mạc, tạo thêm cửa ngõ cho virus xâm nhập vào cơ thể. Bạn thụt rửa càng kỹ lại càng tăng thêm vi tổn thương cho vùng niêm mạc vốn khá mỏng manh này. Nói một cách khác, hành vi này là “lợi bất cập hại”. Thứ hai, bệnh lây truyền qua đường tình dục là một tập hợp rất nhiều bệnh, trong đó HIV không phải duy nhất, và cũng chưa hẳn nguy hiểm nhất. Thụt rửa không những không cho bằng chứng bảo vệ khỏi HIV mà còn “bó tay” trước hàng loạt các bệnh lây nhiễm khác qua đường quan hệ tình dục như giang mai, lậu, mồng gà, viêm gan siêu vi B,C… Cuối cùng, hành vi thụt rửa một cách vô tội vạ có thể làm xáo trộn sự cân bằng vi sinh của đường âm đạo. Trong âm đạo phụ nữ, trên niêm mạc lót bởi một lớp vi khuẩn thường trú lành tính, lớp vi khuẩn này sẽ cạnh tranh với các tác nhân gây bệnh sẵn sàng xâm nhập từ bên ngoài, và nhờ vậy, chúng bảo vệ cấu trúc âm đạo phụ nữ khỏi viêm nhiễm. Cũng giống như vi khuẩn thường trú trong đường tiêu hóa góp phần phân giải thức ăn, lớp vi khuẩn thường trú vùng âm đạo là vô cùng quan trọng. Một điểm cần lưu ý nữa là, lớp vi khuẩn này dễ bị hủy hoại nhưng lại rất khó hồi phục. Thiếu mất chúng, chị em sẽ phải kêu trời vì tình trạng viêm âm đạo âm hộ tái diễn liên tục. Đấy là chưa kể đến sự kích ứng do sử dụng dung dịch thụt rửa âm đạo không phù hợp. Nói tóm lại, thụt rửa âm đạo chưa bao giờ, và không nên xem là một biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Để bảo vệ mình, bạn nên xem xét đến việc áp dụng các biện pháp tình dục an toàn, bao gồm: - Kiêng giao hợp (Abstinence): Không phát sinh hành vi quan hệ tình dục xâm nhập (giao hợp). - Chung thủy (Be faithful): Chỉ quan hệ tình dục với một người, một vợ một chồng. Khi áp dụng biện pháp này, cả hai cần chung thủy với nhau và tốt nhất là nên tầm soát các bệnh lây truyền qua đường quan hệ tình dục. - Sử dụng bao cao su đúng cách trong mọi lần quan hệ tình dục xâm nhập. Tuân thủ theo tình dục an toàn A - B - C mới là biện pháp đúng đắn và an toàn trong dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục. BS Nguyễn Tấn Thủ Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Sức khỏe Nam giới Nguồn VNExpress