Phiền toái vì thiết bị thông minh

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Jul 19, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 405)

    Các thiết bị công nghệ cao như smartphone, smart TV, smart camera… lần lượt xuất hiện với nhiều tính năng hữu ích và mới lạ. Nhưng, không phải ai cũng có thể làm chủ được các thiết bị thông minh này một cách dễ dàng, và đôi khi không thông minh như chúng ta nghĩ. PC World Việt Nam tổng hợp một số tình huống rắc rối, phiền toái khi sử dụng các thiết bị thông minh trong đời sống.


    [​IMG]

    Thông minh nhưng chưa thuận tiện
    Anh Nhật Thanh, thành viên của diễn đàn Tinh Tế nhận xét rằng dùng smart camera “sướng tay” vì có thể chụp ảnh và post ảnh ngay lên Facebook, hoặc lướt web ngay trên máy ảnh như đang dùng smartphone. Nhưng cũng có vài chỗ chưa thuận tiện như mau hết pin do tiêu tốn nhiều năng lượng cho kết nối Wi-Fi/3G, màn hình lớn…
    Do đó, thông thường chỉ có những người thực sự đam mê công nghệ mới chịu bỏ tiền ra mua các thiết bị thông minh. Do ưu tiên cho các tính năng thông minh nên nhà sản xuất cũng phải gia giảm một vài điều kiện sử dụng cơ bản cho thiết bị (pin, tốc độ...).
    Khi sử dụng các thiết bị như smartphone, smart TV…, người dùng cũng phải “tự nâng cấp” mình để làm chủ các thiết bị này. Ví dụ như thói quen trả lời điện thoại bằng phím cứng xem như không còn – phải tập quẹt nhẹ ngón tay trên màn hình.
    Rồi nếu như trên smartphone cài đặt quá nhiều ứng dụng thoại VoIP như Skype, Viber, Google Talk… thì mỗi lần gọi điện thoại (mạng di động) lại phải mất thời gian chọn lựa giữa Dialer (thoại bình thường) hay sử dụng Skype, Viber… Điều này sẽ không có nếu bạn dùng một chiếc điện thoại thông thường (feature phone).
    Việc tương tác với máy chơi game bằng cử chỉ cơ thể cũng không phải đơn giản. Người chơi game phải định hướng góc quan sát của camera để hệ thống nhận diện đầy đủ các động tác vung chân, vung tay của mình.
    Như Kinect – một thiết bị thông minh sử dụng cảm biến công nghệ cao cũng không thể lường hết các động tác phức tạp trong game PC “nặng ký”. Có vẻ như sản phẩm này chỉ có dữ liệu về các động tác cơ bản như nhảy, đập tay, đá chân lên cao…


    [​IMG]



    “Trượt tuyết” trên màn hình
    Anh Nguyễn Lâm, du học sinh ở Úc than thở về chiếc máy tính bảng của mình: “Đôi lúc cũng nhức đầu với mấy cái máy tính bảng. Khi mình lỡ tay cầm vào màn hình đang lướt web thế là mấy trang web đang xem văng đâu mất tiêu”.
    Một số tính năng trên smartphone cũng gây rắc rối cho người dùng, như tính năng nhận diện cử chỉ lắc tay (motion) của smartphone rắc rối lắm; cứ cầm điện thoại lắc nhẹ là màn hình game đang chạy thoát luôn ra ngoài.
    Một số máy tính bảng do không nhận biết các cú chạm tay vào màn hình là “chọn icon” hay “kéo rê icon/màn hình” nên thường thoát hẳn màn hình cũ để trở ra menu hoặc nhảy sang ứng dụng khác. Chỉ có máy tính bảng cao cấp mới có khả năng nhận diện tốt đâu là “chạm để chọn” và đâu là “chạm để kéo rê”.
    Có người thì đến khổ khi cần chụp ảnh hoặc ghi âm bằng smartphone. Cô Ngọc Châu, nhân viên văn phòng ở Q.3 cho biết là trước đó khi dùng N95 thì chỉ cần bấm nút máy ảnh bên hông điện thoại là chụp ảnh rồi. Từ ngày chuyển qua dùng con smartphone Android lại phải vào tận bên trong nhóm ứng dụng mới có thể chụp ảnh!
    Có thể nói, nhà sản xuất gần như lược bỏ gần hết phím cứng trên smartphone. Các thao tác ghi âm, chụp ảnh, quay video… thông thường đều phải chạm tay trên màn hình. Đối với những người dùng smartphone lâu năm sẽ biết cách đưa các ứng dụng này ra màn hình chính, còn người mới xài smartphone thì chịu thua!


    [​IMG]



    Luyện giọng cùng TV!
    Khi những TV thông minh với giá bán 75 – 80 triệu đồng trưng bày ngoài các siêu thị điện máy, một số khách hàng cứ loay hoay mãi vẫn không kéo được cây ná để bắn trong trò chơi Angry Bird; được nhân viên siêu thị hướng dẫn nhiều lần mới hiểu là phải quơ tay trước camera mới có thể điều khiển.
    Còn việc ra lệnh cho TV mới là một cực hình. Không phải ai cũng có thể ra lệnh cho TV ngay từ những lần đầu tiên, phải nói cho TV quen với giọng của mình nhiều lần mới có thể dùng tính năng này.

    [​IMG]


    Cô Thiên Hà, phóng viên một tạp chí gia đình cho biết: “Dùng tay điều khiển TV thông minh không khó lắm, làm chừng vài lần là được. Nhưng ra lệnh cho TV bằng giọng nói thì không đơn giản, phải nói đúng giọng (tone) người setup (cài đặt) cho TV lúc đầu. Mấy bé ở nhà không ra lệnh cho TV được, chỉ quơ tay chơi game và chuyển kênh.
    Với cô Thu Hương, nhân viên một công ty truyền thông ở Q.4 thì “Ở nhà có chiếc TV thông minh có thể ra lệnh chuyển kênh, chơi game… bằng cử chỉ, giọng nói. Nhưng từ ngày có nó thì cả nhà phải vật lộn với việc “làm quen” với TV. Giống như học ngoại ngữ vậy, phải nói tiếng Anh cho đúng thì TV mới làm theo.
    Trước đây, khi một số điện thoại di động có tính năng ra lệnh bằng giọng nói, việc sử dụng cũng không mấy đơn giản. Người sử dụng phải nói nhiều lần để điện thoại ghi nhớ “khẩu lệnh” và sau này phải nói đúng “khẩu lệnh” đã lưu trong bộ nhớ thì thiết bị mới chịu nghe.


    [​IMG]

    Thông minh nhưng chưa dễ xài
    Đó là lời than phiền của một số thành viên trên diễn đàn HD Việt Nam cùng một số box HD trên các diễn đàn khác. Phần lớn than phiền về khả năng tương thích bàn phím, chuột không dây… khi gắn vào cổng USB trên TV thông minh.
    Một số TV thông minh còn chập chờn khi lúc nhận, lúc không nhận bàn phím không dây. Một số khác gần như không cho phép gắn thêm thiết bị ngoại vi (bàn phím/chuột…). Một vài nhà sản xuất lại chỉ cho phép sử dụng các thiết bị như webcam, bàn phím, chuột không dây… do đại lý của họ cung cấp.
    Theo anh Minh Thành, nhân viên một công ty máy tính ở Q.1 thì nhu cầu sử dụng bàn phím/chuột để lướt web trên TV thông minh cần thiết vì việc nhập liệu từ remote cực kỳ khó khăn và tốn thời gian. Nếu đã tích hợp tính năng lướt web, xem video YouTube, ZingTV… nhưng lại không hỗ trợ bàn phím không dây thì thiệt thòi cho người dùng.
    Nếu đã mua TV có kết nối Internet mà người dùng phải gắn laptop hoặc đầu HD vào TV để gõ chữ thì thật là lãng phí. Có lẽ, nhà sản xuất nên tạo điều kiện cho người dùng gắn thêm các thiết bị ngoại vi để tận dụng sức mạnh của TV thông minh.

    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - Phiền toái vì thiết bị thông minh

Share This Page