Việt Nam đang có chiến lược xanh hoá môi trường từ nay đến 2015 và từng bước thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin xanh. Tạp chí PC World Việt Nam đã trao đổi với ông Ivan Habovcik, Phó Tổng GĐ, phụ trách Bộ phận Giải pháp Công nghệ Thông tin (CNTT) của Schneider Electric Việt Nam về năng lượng xanh, CNTT xanh… Ông Ivan Habovcik, Phó Tổng GĐ, phụ trách Bộ phận Giải pháp Công nghệ Thông tin (CNTT) của Schneider Electric Việt Nam Là nhà cung cấp giải pháp quản lý năng lượng, ông định nghĩa thế nào là hệ thống CNTT xanh? Khi nhắc đến CNTT xanh, chúng ta phải nói đến môi trường trung tâm dữ liệu (Data Center). Hiện nay, có tới hơn 50% chi phí vận hành các trung tâm dữ liệu là chi phí năng lượng, cụ thể là điện. Tiêu thụ điện chính trong trung tâm dữ liệu ngoài các thiết bị như máy chủ, hệ thống lưu trữ, còn rất nhiều các thiết bị phụ trợ thuộc phần hạ tầng như chiếu sáng, làm mát, cấp nguồn… vốn tiêu hao nhiều năng lượng. Đơn vị cung cấp giải pháp quản lý năng lượng phải làm sao để giảm thiểu mức tiêu thụ điện của các thiết bị phụ trợ để nâng cao hiệu suất sử dụng điện. Thách thức là ở chỗ phần tiêu thụ điện của các thiết bị phụ trợ đôi khi còn nhiều hơn của thiết bị CNTT. Rõ ràng đây là một bài toán khó. Bài toán giảm tiêu thụ điện của nhóm thiết bị hạ tầng có thể ảnh hưởng đến tính liên tục của hệ thống CNTT. Các nhà quản trị CNTT sẽ không đồng ý cắt giảm lượng tiêu thụ cho thiết bị phụ trợ nếu điều đó ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ hệ thống. Một hệ thống CNTT xanh, một mặt phải đảm bảo tính sẵn sàng của trung tâm dữ liệu nhưng đồng thời đưa ra giải pháp tiết kiệm năng lượng. Và đây cũng là xu hướng tất yếu vì tiết kiệm chi phí cũng có nghĩa là nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, vì lẽ đó mà trong 3 năm trở lại đây, các doanh nghiệp (DN) nhắc đến nhiều về hệ thống CNTT xanh. Trong khi trước kia, họ chủ yếu nhắc đến công suất hoạt động, khả năng lưu trữ dữ liệu… Ông đánh giá về tình trạng sử dụng năng lượng cho hệ thống CNTT ở Việt Nam? Giải pháp quản lý năng lượng phù hợp cho doanh nghiệp? Người Việt Nam thường tính toán lâu dài khi xác định quy mô đầu tư ban đầu cho hệ thống CNTT. Ví dụ: một hệ thống có khả năng tiếp nhận 100 khách hàng nhưng trên thực tế chỉ sử dụng 60 đến 80. Theo thuật ngữ chuyên môn là Over Sizing, tức xây dựng hệ thống CNTT vượt quá mức sử dụng thực tế, dẫn đến lãng phí tài nguyên và lãng phí điện. DN có thể đầu tư dần dần theo mức độ tăng tải của hệ thống CNTT - cứ tăng nhu cầu đến đâu thì đầu tư đến đấy. Các DN có thể thiết kế một hệ thống CNTT có khả năng nâng cấp - thay đổi linh hoạt theo kiểu module (lắp đặt từng khối). Về mặt hạ tầng, giải pháp làm mát hoặc cấp điện dự phòng (UPS) theo kiểu module này hoàn toàn có thể áp dụng cho tất cả doanh nghiệp. Các DN vừa và nhỏ cũng có thể thiết lập hệ thống module giống như các trung tâm dữ liệu lớn. Ví dụ một doanh nghiệp có quy mô khoảng vài chục người và họ không có một không gian chuyên biệt cho hệ thống CNTT mà tận dung khoảng không sẵn có như nhà kho hoặc tầng hầm. Nhu cầu của họ hiện tại chỉ cần lắp đặt một tủ rack để gắn server và UPS để phục vụ cho toàn bộ hoạt động của công ty. Khi nhu cầu tăng lên họ sẽ lắp thêm tủ rack, máy chủ và UPS. Và vì diện tích giới hạn nên thay vì gắn điều hoà âm trần hoặc thổi sàn, DN vừa và nhỏ có thể gắn điều hoà chính xác cục bộ (In-Row Cooling) để làm mát ngay tại chỗ và cân chỉnh độ làm mát tự động, tiết kiệm rất nhiều năng lượng tiêu thụ. Đây là một giải pháp linh hoạt thích hợp với phòng thiết bị CNTT có diện tích nhỏ hoặc lớn và hoàn toàn mở rộng được khi nhu cầu tăng lên Ông có thể nói về mô hình năng lượng xanh trên toàn cầu? Đến năm 2050, nhu cầu về năng lượng trên toàn cầu dự kiến tăng gấp đôi, còn nhu cầu sử dụng điện đến năm 2030 cũng có mức tương tự. Tỷ trọng tiêu thụ điện cao nhất vẫn đến từ các Data Center trên toàn cầu. Việc tiết kiệm năng lượng cũng đồng thời với việc phải tiết giảm lượng phát thải CO2. Việt Nam đang tích cực giảm lượng phát thải CO2 từ nay đến 2015 thông qua Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm & Hiệu quả. Các DN phải có trách nhiệm với cộng đồng trong việc giảm phát thải CO2 ra môi trường. Đây cũng là chiến lược xây dựng môi trường xanh trên tinh thần chung của chính phủ các nước. Thống kê hiện nay cho thấy 80% Data Center tại châu Á đang hoạt động khoảng 90% công suất và các DN đang phải tính đến việc xây dựng mới hoặc mở rộng trung tâm dữ liệu... Lĩnh vực này sẽ còn tăng trưởng mạnh với hàng loạt các dự án xây dựng Data Center mới ở Thái Lan, Singapore… và tất nhiên cả Việt Nam. Các dự án này hoàn toàn có thể được xây dựng theo tiêu chí “Xanh” nếu các doanh nghiệp và chủ đầu tư dự án có những tính toán ngay từ ban đầu cho bài toán năng lượng. Tối ưu việc sử dụng năng lượng Giảm chỉ số PUE đối với các Data Center là một yếu tố quan trọng. Khi chỉ số này giảm xuống thì Data Center hay doanh nghiệp có thể điều chỉnh giá dịch vụ xuống thấp hơn. Chỉ cần giảm 0,1 – 0,2% cũng giúp cho DN có lợi thế cạnh tranh. Việc giảm chỉ số PUE trở nên quan trọng hơn trong thời điểm hiện tại khi năng lượng trở nên đắt đỏ. Nếu có thể giảm chỉ số PUE xuống 1,3 là DN có thể giảm được tới 70% chi phí vận hành hệ thống thiết bị phụ trợ (hạ tầng) và 35% chi phí tiêu thụ năng lượng cho toàn bộ trung tâm dữ liệu. Lợi ích của việc tiết kiệm - quản lý năng lượng hiệu quả? Ông có thể đưa ra một vài ví dụ cụ thể? Hệ thống CNTT là một cỗ máy ngốn điện. Có thể đưa ra ví dụ: suốt vòng đời của một Data Center có công suất 1 Megawatts (khoảng 15-20 năm) sẽ ngốn đến 20 triệu USD cho việc tiêu thụ điện. Trên thế giới, chỉ số PUE (Power Usage Effectiveness) đã được công nhận trên toàn cầu nhằm đo hiệu suất sử dụng năng lượng. Hiệu suất PUE lý tưởng là bằng 1 nhưng các Data Center hiện chỉ đạt tới chỉ số PUE 1,15 – 2,5. Để thấy rõ lợi ích của việc tiết kiệm điện, hãy lấy ví dụ của các nhà cung cấp dịch vụ cho thuê chỗ đặt máy chủ (Co-location). Nếu có thể giảm chỉ số PUE xuống, có nghĩa là chi phí tiêu thụ điện giảm, khách hàng của họ sẽ được hưởng lợi ngay lập tức khi mà do đặc thù của dịch vụ này, 100% chi phí điện tiêu thụ trong trung tâm dữ liệu sẽ được tính cho khách hàng thuê chỗ đặt máy chủ. Đối với bản thân doanh nghiệp, đây cũng chính là lợi thế cạnh tranh của họ khi có thể giúp khách hàng tiết kiệm chi phí năng lượng. Data Center cần được chuẩn bị kế hoạch thiết kế ngay từ đầu nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng về phát triển lâu dài. Ước tính, một trung tâm dữ liệu có chỉ số PUE 2.0 sẽ có 50% tiêu thụ điện vào thiết bị CNTT, thiết bị lưu trữ… còn 50% còn lại sử dụng cho các thiết bị phụ trợ. Khi giảm chi phí tiêu thụ điện xuống sẽ nhắm đến giảm lượng điện tiêu thụ cho các thiết bị phụ trợ. Với các giải pháp của Schneider Electric (trước đây được biết đến với thương hiệu APC), chúng tôi có thể giúp khách hàng tiết kiệm tới 30% chi phí năng lượng cho phần thiết bị này. Đánh giá của ông về nhận thức tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam? Chính phủ Việt Nam đã xây dựng lộ trình tiết kiệm năng lượng trong nhiều năm. Về phía DN, họ cũng đã nhận thức rõ ràng hơn về vấn đề này và phải tính toán đến việc đầu tư hệ thống CNTT hoặc đầu tư cho hệ thống CNTT "xanh" để tiết kiệm năng lượng hoặc áp dụng giải pháp/ứng dụng để giảm mức tiêu thụ năng lượng. Muốn có được hệ thống CNTT xanh thì DN phải tính đến khả năng đáp ứng của hệ thống này trong tương lai. Không thể cứ tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng mãi mà không tính đến việc giảm chi phí. Các hệ thống CNTT già cỗi hiện tại sẽ khiến cho hiệu suất sử dụng năng lượng tăng lên (tiêu hao nhiều). DN sẽ phải đối diện với yêu cầu xây dựng hệ thống mới hoặc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Chí Thịnh (Thực hiện) Nguồn PC World VN