Rác thải công nghệ: Mặt trái xấu xí & nguy hiểm

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Jul 18, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 394)

    Những thiết bị công nghệ cao mang lại cho bạn tiện ích tuyệt vời trong cuộc sống hiện đại. Nhưng phía sau sự hào nhoáng và năng động đó, là một mặt trái xấu xí và vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe con người và môi trường.


    [​IMG]

    Thời nay thì nhà nhà ở đâu cũng đều có một chiếc máy tính để bàn, và phần lớn chúng ta cũng đều đã sở hữu riêng máy tính xách tay, máy tính bảng hay smartphone. Những thiết bị cá nhân này đang từng ngày “phủ sóng” lên đời sống. Nhưng nếu được hỏi rằng “trong thiết bị của bạn có những gì”, chắc chắn 100% người dùng sẽ nói đến những ổ cứng, RAM, ổ lưu trữ flash hay bộ vi xử lý và hầu như sẽ chẳng có ai nói gì đến chì, thủy ngân hay asen… Thiết bị mà chúng ta đang sử dụng có thể mang lại vô vàn tiện ích, nhưng cũng chứa trong nó không ít những thành phần và hợp chất hóa học gây nguy hiểm đến con người và môi trường.

    Bài viết này không mang tính chất “ném đá” bởi công nghệ hiện đang là một phần tất yếu và hầu hết chúng ta đều yêu cái cách mà một chiếc laptop mạnh mẽ, chiếc smartphone hoặc máy tính bảng đầy năng động, hay một HDTV màn hình lớn và nét mang lại những tiện ích trong cuộc sống. Mặt khác, bài viết sẽ mang lại một cái nhìn khác cho bạn, xa hơn những thứ mà bạn thường thấy khi cầm thiết bị trên tay: Những vật dụng công nghệ cao đã và đang mang lại những ảnh hưởng xấu đến môi trường “trước” và “sau” khi nó được sử dụng. Chúng ta thường mua máy tính, smartphone và HDTV chỉ với những ý nghĩ về tính năng, về sức mạnh, về giá tiền… Nhưng thật ra những thiết bị đó, trực tiếp hay gián tiếp đều gây ra những tác động nguy hại đến sức khỏe và môi trường trong quá trình khai khoáng, sản xuất và tiêu hủy.

    [​IMG]


    Quá trình sản xuất các thiết bị công nghệ là khâu có thể tạo ra nhiều tác hại nhất đến môi trường. Vì vậy, ở một số nước, điển hình như các nước thuộc Liên minh châu Âu, có những quy định rất nghiêm ngặt đối với các loại vật liệu, thành phần, hợp chất hóa học có liên quan đến quy trình sản xuất. Những quy định này đã giảm thiểu đáng kể việc sử dụng các nguyên liệu độc hại trong quá trình sản xuất, bởi hầu như chẳng có công ty nào lại chấp nhận chia quy trình sản xuất ra nhiều phần và đặt ở nhiều nơi (để có thể né tránh các quy định của quốc gia đó). Tuy nhiên, đối với nhiều người thì đây cũng chẳng phải là tin hoàn toàn tốt. Một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường chia sẻ ý kiến: “Những nhà sản xuất đã ngừng sử dụng các chất bị cấm cụ thể, nhưng ai biết được họ đã dùng thứ gì để thay thế chúng. Người ta chỉ quy định những điều cấm, nhưng không có quy định thứ dùng để thay thế phải tốt hơn”.

    Vậy bạn làm được những gì trong trường hợp này? Đừng nghĩ đến chuyện bán hết các thiết bị điện tử và công nghệ, tự trồng trọt cây trái hay cúp hết điện để trở về thời tiền sử. Đầu tiên, hãy suy nghĩ kỹ càng hơn mỗi khi muốn mua một thiết bị mới. Hay nói đúng hơn, là hãy cố trì hoãn “sự sung sướng” trong cuộc chạy đua công nghệ. Nếu bạn mua smartphone mới sau 3 năm, thay vì 2 năm như bạn vẫn thường để đua theo sự ra đời nhanh đến chóng mặt của các mẫu mã mới, đó là bạn đã giảm thiểu đến 1/3 tác động đối với môi trường.

    [​IMG]


    Thứ hai, mỗi khi đến lúc mua một thiết bị mới, hãy nghiên cứu thêm về vấn đề “xanh và sạch” của sản phẩm. Hiện tại, các tổ chức như Ecology Center hay iFixIt - vốn rất nổi tiếng với các màn “xẻ thịt” thiết bị “hot” trên thị trường - đều có những bản thống kê và xếp hạng các loại thiết bị điện tử dựa trên mức độ độc hại của nó và bạn có thể tìm thấy tại website www.healthystuff.org. Với sản phẩm PC, hãy tham khảo trên website của EPEAT - tổ chức cung cấp cho người dùng cuối công cụ đánh giá tác động của thiết bị điện tử đối với môi trường. Hiện nay ở Việt Nam không hề có bất cứ báo cáo nào về vấn đề “xanh” của thiết bị điện tử, nhưng các sản phẩm công nghệ này đều mang tính quốc tế, vì vậy bạn vẫn có thể dựa vào các công cụ đánh giá vừa đề cập ở trên.

    Thứ ba, hãy hiểu về những gì mà mình đang phải đối mặt: Thứ gì là nguy hiểm nhất đang nằm trong thiết bị mà bạn đang sử dụng. Chuyên mục này sẽ phân tích về 9 nguyên vật liệu độc hại thường có trong đồ chơi công nghệ - thứ mà bạn chỉ cần với tay là tới, thậm chí còn kê gối ngủ với chúng hằng đêm. Máy tính để bàn, laptop, smartphone, máy tính bản, TV và các món đồ công nghệ khác đều có chứa những chất như asen, beryllium (hợp kim nhôm), cadmium, chì, thủy ngân, hợp chất phthalates, polyvinyl clorua, hợp chất brom chống cháy và các khoáng sản hiếm. Tuy nhiên, hiểu và biết đến vẫn còn chưa đủ. Nếu thiết bị của bạn gặp trục trặc, hãy tích cực sửa chúng trước khi nghĩ đến việc thay mới; hãy bán lại hoặc cho thiết bị cũ nếu muốn mua thứ mới hơn; hãy mua thứ có bao bì, hộp đựng càng nhỏ càng tốt; tránh mua những thứ rẻ và kém bền.


    Khoáng sản hiếm
    Europium, prometium, thulium, yttrium… Chắn chắn có rất ít người từng nghe đến những cái tên kim loại hiếm này. Chúng rất hiếm, khó lấy được, nhưng lại vô cùng cần thiết. Chúng hiện diện trong smartphone, nam châm, HDTV và cả những công nghệ “xanh” như turbin năng lượng gió, xe điện và các bóng đèn compact.

    Hiện tại, trung tâm khai thác các loại kim loại hiếm này là thành phố Baotou khu vực Nội Mông Cổ, nơi mà theo mô tả của tờ báo Anh Guardian Weekly là “nguồn nước không chỉ chứa tất cả các chất độc hóa học mà còn có các chất phóng xạ như thorium - là chất gây ung thư phổi và tuyến tụy và bệnh bạch cầu”.

    Hợp chất brôm chống cháy

    Khi chúng mới lần đầu xuất hiện, hợp chất chống cháy là một ý tưởng rất tuyệt vời bởi bạn sẽ chẳng bao giờ muốn thiết bị của mình quá nhạy cảm với lửa và nhiệt. Brôm chống cháy (BFR) vốn là một hợp chất phức tạp được thêm sử dụng trong các thiết bị điện tử (và với các đồng vật khác, như đồ nội thất chẳng hạn) để giảm tối đa khả năng bắt lửa. Rất nhiều trong số các chất này, trong đó có chất ê-te phenyl poly-brôm (PBDE), là chất vĩnh cửu, và một khi đã lọt vào cơ thể người, chúng sẽ nằm đó và tích tụ dần dần.

    Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất PBDE này có ảnh hưởng tới sự phát triển của não, gây ra dị tật bẩm sinh, ảnh hưởng đến hệ hormon của cơ thể người và gây ung thư. Mối nguy hiểm lớn nhất mà những thứ này mang lại, chính là lên những người tham gia vào quá trình sản xuất và xử lý tái chế các sản phẩm - linh kiện có liên quan đến chúng. Điện thoại của bạn có thể chứa các chất BFR này, nhưng thường thấy hơn là trong các loại màn hình hay TV, trong bàn ghế nội thất hoặc quần áo trẻ em.

    [​IMG]


    Polyvinyl Clorua

    Thường được biết đến với cái tên viết tắt PVC, polyvinyl clorua là loại nhựa tổng hợp ứng dụng trong hầu hết mọi thứ. PCV chính là lớp nhựa phủ ngoài các loại thiết bị, cáp, hoặc adaptor sạc pin. Chúng làm nên lớp vỏ của chiếc điều khiển từ xa của HDTV, là các loại ống nước trong nhà bạn, và hiện diện trong cả quần áo. Chúng rẻ, bền, và hiện diện ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, chúng cũng là thứ “xấu xí nhất trong các loại nhựa” bởi các thể gây ra mất cân bằng hormone, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và có mối liên hệ với nhiều loại ung thư.

    Tệ hơn nữa, PVC là thứ không thể tự phân hủy trong môi trường tự nhiên và công đoạn tái chế đòi hỏi công nghệ rất cao. Loại vật liệu này khi bị đốt cháy sẽ sản sinh chất dioxin gây ung thư. Tin tốt là một vài hãng công nghệ, như Apple chẳng hạn, đã ngưng ứng dụng loại vật liệu này.

    Phthalate

    Nếu chỉ có một mình, nhựa PVC sẽ rất cứng - đó chính là lí do chất Phthalate xuất hiện và kết hợp với PVC tạo thành một “cặp đôi hoàn hảo”. Phthalate giúp cho PVC trở nên mềm dẻo mà vẫn không mất đi độ bền chắc. Hãy thử tượng tượng, nếu không có Phthalate, cọng dây cáp màn hình của bạn sẽ cứng đơ như ống nước.

    Không chỉ trong lĩnh vực công nghệ, Phthalate còn được sử dụng vô cùng vô biến, ví dụ như ứng dụng vào các loại tủ quần áo, màn phòng tắm, ống nối vòi sen hay đồ chơi trẻ em… Hiện tại, chất này chưa bị cấm tại Mỹ nhưng đã bị Liên minh châu Âu cấm sử dụng trong sản xuất đồ chơi trẻ em. Theo HealthyStuff.org, chất phthalate ảnh hưởng đến hormone, gây ra dị tật bẩm sinh và ung thư vú. Theo một nghiên cứu do các tổ chức chính phủ Mỹ thực hiện thì chất phthalate này hiện diện trong hầu hết dân số nước này, với mức độ cao nhất ở trẻ em 6 - 11 tuổi và phụ nữ.

    Beryllium

    Ưu điểm của loại hợp kim này nghe qua cứ như siêu anh hùng - cứng hơn thép, nhẹ hơn nhôm và dẫn điện rất tốt. Chỉ cần pha trộn một ít beryllium này vào đồng là bạn đã có một vật liệu dẫn điện tốt hơn gấp 6 lần so với đồng thông thường. Những ưu điểm đó khiến hợp chất này trở thành thứ rất tốt để tạo thành các loại jack kết nối và mạch điện.
    Tuy nhiên, loại hợp kim này lại cực kỳ nguy hiểm đối với những người làm việc để tạo ra chúng. Quá trình mài, băm và các công đoạn sản xuất khác tạo ra bụi thâm nhập vào phổi qua đường hô hấp. Ngoài ra, loại bụi này còn có thể bám trên cơ thể, quần áo, giày dép của những công nhân này, qua đó sẽ lan truyền đến gia đình của họ.

    [​IMG]


    Theo báo cáo của tổ chức Hòa bình Xanh mang tên Toxic Tech - Chemicals in Electronics (tạm dịch: Những thứ độc hại trong công nghệ - Chất hóa học trong sản phẩm điện tử) thì “beryllium có ảnh hưởng sâu và dai dẳng đến con người, chủ yếu là các vấn đề về phổi”. Những người mắc các chứng bệnh có liên quan đến berrylium thường có các triệu chứng như hơi thở ngắn, mệt mỏi, đau vùng ngực và khớp, mất cảm giác thèm ăn và có các vết sẹo ở phổi. Loại bệnh ngộ độc beryllium mãn tính này hiện không có cách chữa trị. Bên cạnh đó, Tổ chức quốc tế nghiên cứu về Ung thư (The International Agency for Research on Cancer) đã liệt berylium và các hợp chất chứa beryllium vào Nhóm 1 các chất gây ung thư - túc nhóm có khả năng gây ung thư cao nhất.


    Thủy ngân

    Với những ưu điểm như giảm đáng kể lượng điện năng tiêu thụ và lượng khí thải nhà kính, các loại bóng đèn huỳnh quang compact đã trở thành biểu tượng của công nghệ xanh. Tuy nhiên, chất thủy ngân bên trong các bóng đèn này có thể biến thành chất độc rất nguy hiểm khi bóng đèn vỡ. Bạn nên biết, đèn nền trong các loại HDTV LCD hiện nay vẫn là công nghệ đèn nền huỳnh quang.

    [​IMG]


    Việc ngộ độc thủy ngân sẽ gây hại đến hệ thần kinh trung ương, hệ tiêu hóa và thận. Bạn chắc cũng từng nghe đến trường hợp con người bị ngộ độc thủy ngân do ăn cá. Trường hợp này không trực tiếp như vậy bóng đèn huỳnh quang bị bể và thủy ngân xâm nhập vào cơ thể; nhưng cơ bản vẫn là chất thủy ngân trong các thiết bị tràn ra môi trường, thấm vào đất, xâm nhập vào nguồn nước và hiện diện trở lại trong chuỗi thức ăn. Bên cạnh các thiết bị điện tử và đèn huỳnh quang, trong những năm trước đây, thủy ngân còn được cùng trong ngành công nghiệp hóa chất, mỹ phẩm và cả ứng dụng trong y tế (nhiệt kế).
    Rất may, các loại HDTV LCD dùng công nghệ đèn nền huỳnh quang hiện nay đã dần lui vào quá khứ, thay vào đó là sự chiếm lĩnh của LCD công nghệ đèn nền LED.


    [​IMG]

    Chì

    Loại chất phổ thông này đã là căn nguyên gây ra bệnh tật cho con người từ thời La Mã cổ xưa. Ngày nay, các nhà sản xuất thiết bị điện tử dùng chì làm nguyên liệu hàn trong các mạch điện. Chì cũng là nguyên liệu chính và tiêu chuẩn sử dụng trong đèn hình của các loại TV CRT.
    Nếu chì chẳng may lọt vào cơ thể, nó có thể tàn phá hệ thần kinh, thận và cơ quan sinh sản và đặc biệt là vô cùng nguy hại đến trẻ em. Trong một nghiên cứu của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ vào năm 2004 về các thiết bị điện tử, cho thấy rằng nếu có vụ rò rỉ chì tập trung từ các thiết bị điện tử đang được sử dụng, đó sẽ là một thảm họa thực sự đối với môi trường và con người. Không chỉ có trong các thiết bị điện tử, chì còn được ứng dụng trong sơn và đồ chơi. Tuy nhiên, việc ứng dụng này đã bị cấm cách đây vài thập kỷ. Hiện tại, việc ứng dụng chì vào các sản phẩm đang được quản lý và hạn chế rất nghiêm ngặt từ nhiều nước và Liên minh châu Âu.


    Asen

    Ngay cả khi cơ thể thu nhận một lượng rất nhỏ asen - một tiền chất kim loại - thì loại chất này cũng sẽ tồn tại lâu dài trong cơ thể và tích lũy theo thời gian. Asen trong cơ thể sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch và gây ảnh hưởng xấu đến thận. Chất này cũng có liên quan đến các chứng ung thư phổi, da và bàng quang.
    Chỉ vài năm trước đây, asen là một thành phần quan trọng trong việc chế tạo mạch điện - điện tử: Nhà sản xuất kết hợp asen với silicon để tăng khả năng dẫn điện. Tất nhiên, asen có thể gây nguy hại đến người dùng thiết bị, và gây nhiều nguy cơ lớn với những người tham gia vào quy trình sản xuất mạch điện. Hiện tại, asen đã không còn được sử dụng trong sản xuất các thiết bị điện - điện tử, tuy nhiên, tàn dư của nó có thể vẫn còn trong các thiết bị cũ.


    Cadmium

    Loại chất này được sử dụng để sản xuất các loại phin sạc AAA nickel-cadmium. Và khi những viên pin này hư hỏng, người ta sẽ bỏ nó đi, tạo ra một mối nguy lớn về chất độc hóa học trong môi trường. Có khả năng chống ăn mòn và dẫn điện tốt, cadmium còn được ứng dụng như một trong những thành phần chính để sản xuất tấm thu năng lượng mặt trời cadmium-telluride - mang lại giá thành sản xuất rẻ hơn so với tấm silicon tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất còn sử dụng chất này trong các loại mạ điện, các tiếp xúc điện, công tắc và vật liệu cách nhiệt.

    [​IMG]

    Bên cạnh việc rò rỉ ra môi trường qua các viên pin phế thải, cần qua thời gian để gây hại cho cộng đồng, thì cadmium đã là mối đe dọa thường xuyên với công nhân trong quy trình sản xuất. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, nhiễm độc cadmium là mối đe dọa dai dẳng đối với sức khỏe con người, hầu hết qua đường hô hấp và tiếp xúc da, và có thể gây ung thư phổi, gan và thận.


    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - Rác thải công nghệ: Mặt trái xấu xí & nguy hiểm

Share This Page