Đừng chờ con dậy thì mới dạy về giới tính

Discussion in 'Tình yêu - Gia đình - Giới tính' started by Robot Siêu Nhân, Jul 18, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 353)

    Thấy con gái có những biểu hiện lạ như nhìn ngắm cơ thể, soi trước gương rất lâu mỗi sáng khi đi học, chị Bình (Long Biên, Hà Nội) chột dạ con đã dậy thì.


    Chị Bình kể, thời gian gần đây cô con gái lớp 6 của chị - tên ở nhà là Bống - có những biểu hiện lạ mà chị chưa thể gọi tên như tô son, búi tóc cao đỉnh đầu, đánh móng tay trên lớp học (ở nhà chị không cho con làm những thứ này). Thay vì mặc áo đồng phục khi đi học thêm như thường lệ, nay cháu lại mặc váy hay các áo quần mẹ mua khác. Mọi lần thường chạy ào ra với mẹ khi đến đón thì nay cháu vẫn mải mê chụp ảnh, thì thụt với mấy người bạn và chị thường phải chờ vài phút Bống mới leo lên xe.

    "Chúng tạm biệt nhau bằng câu: 'Tình yêu về nhé' làm tôi cứ thấy kỳ kỳ mà không nghĩ ra điều bất thường. Chỉ sau đó, khi thấy con đứng trước gương, ngắm nhìn cơ thể tôi mới ngộ ra rằng con đã lớn, đã dậy thì rồi", chị Bình nói.

    Tuy nhiên, chị Bình lúng túng, không biết mình nên nói gì với con. Ban đầu, chị tỏ ra bực bội, khó chịu và không tự nhiên với cảm giác con mình đã lớn. Trước các hành động chăm chút cho cơ thể của con, chị đều cho là bé học đòi, đỏm dáng và cấm con không được như vậy. Tìm hiểu sâu hơn một chút về lứa tuổi này, chị như rơi vào "ma trận" và càng không biết làm thế nào cho phải.

    Kể về quá trình con dậy thì, chị Dung (bán tạp hóa ở Từ Liêm) tự trách mình khá nhiều. Chị bộc bạch, lúc con gái chị 11 tuổi, ngực đã hơi nhú giống như các bạn. Chị bận bịu bán hàng nên cũng không để ý đến những đặc điểm khác thường của con. Được cái bé nhà chị rất thân với mẹ nên chuyện lớn nhỏ đều về nói.

    "Một lần cháu đi học về sà vào lòng mẹ: 'Mẹ ơi! Giờ các bạn con đều mặc thêm một cái áo bên trong khi đi học. Mẹ mua cho con nhé'. Tôi thoáng nghĩ mới biết cháu đang nói đến loại áo dây, áo yếm. Ngay sáng hôm sau đi chợ tôi mua cho con. Rồi một hôm cháu về, giọng ấm ức nói tôi: 'Mẹ ơi! Hôm qua có mấy bạn đùa rồi bóp ngực của con. Đến giờ vẫn đau lắm'. Thương con mà tôi chẳng biết làm gì, không lẽ lại gọi điện cho mẹ cô bé kia trách tội", chị nói thêm.

    Ngay cả đến khi con gái có kinh nguyệt lần đầu, chị cũng không dặn trước. Một lần giặt quần áo cho con, chị thấy vết nhơ mới biết, từ đó cũng mới hướng dẫn con cách đeo băng vệ sinh lúc đến kỳ.

    "Sốc" là cảm giác của chị Thu Hoài (nhân viên hành chính một công ty ở Trung Hòa, Cầu Giấy) khi biết con dậy thì. Chị Hoài kể, con trai chị năm nay mới học lớp 8 mà đã có những "thói xấu". Làm cha mẹ, chị bị đẩy vào tình huống khó xử.

    Đầu tiên, đó là việc lúc ngủ cu cậu thường nhét tay xuống dưới quần hoặc đặt tay che vùng kín. Chồng chị phát hiện ra việc này từ lâu, chỉ nhẹ nhàng "xóa dấu vết" với chị bằng cách rút tay con ra.

    "Một lần, chứng kiến cảnh trên tôi thấy xấu hổ, chia sẻ với chồng thì anh mới nói là thường xuyên bắt gặp cảnh đó của con, thậm chí còn biết con thủ dâm", chị kể. Ban đầu, chị thấy việc này lạ và xấu. Sau tìm hiểu mới biết, thủ dâm là việc bình thường. Tuy nhiên đến nay, việc can thiệp của vợ chồng chị chỉ dừng lại ở mức... rút tay con ra. "Tôi cũng biết việc này nếu để lâu sẽ nguy hại cho sức khỏe, có khi còn hình thành thói quen xấu cho cháu nhưng nói với con quả thật rất ngại", chị Hoài thành thật tâm sự.

    [​IMG]
    Các chuyên gia cho rằng, giáo dục giới tính cần theo nguyên tắc nói sự thật nhưng có chừng mực cho từng độ tuổi. Đến tuổi dậy thì sẽ không còn gì phải giấu trẻ. Ảnh chỉ có tính minh họa: Phan Dương.

    Tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp - Trưởng khoa tâm lý Đại học sư phạm Thành phố HCM cho biết, ở độ tuổi dậy thì cần phải cởi mở với trẻ về tất cả các vấn đề giới tính, tình dục. Tuy nhiên trên thực tế chỉ khoảng 5% đến 6% các gia đình thông thoáng chuyện này.

    "Nguyên tắc giáo dục giới tính cho trẻ là phải 'vẽ đường cho hươu chạy còn hơn để hươu chạy lạc đường', tức nói đón đầu . Nói trước các giai đoạn phát triển của trẻ để các con hiểu và có kiến thức trước khi có những vấn đề xảy ra", chuyên gia cho biết.

    Theo đó, ở các độ tuổi khác nhau thì có cách nói khác nhau cho con. Nếu như ở mẫu giáo trả lời cho con những thắc mắc cơ bản như em bé sinh ra từ đâu? Tại sao vùng kín có lông?... Lên cấp 1 nói cho con sự khác nhau giữa bạn trai và bạn gái, con gái tiểu ngồi, con trai đứng, các bộ phận trên cơ thể. Đầu tuổi dậy thì có thể nói cho bé gái về quá trình phát triển ngực, kinh nguyệt, mọc lông mu, cách vệ sinh cơ thể. Ở bé trai có thể nói về râu, lông, mụn trứng cá, mộng tinh, giấc mơ ướt...

    Giáo dục giới tính ở từng độ tuổi thì khác nhau phân theo mức độ chi tiết. Ví như cùng một câu hỏi em bé sinh ra từ đâu? Với trẻ mẫu giáo có thể nói em bé sinh ra là do trứng của mẹ gặp tinh trùng của bố và em bé là kết tinh tình yêu của bố mẹ. Lên độ tuổi lớn hơn, có thể nói cụ thể về sự thụ tinh...

    "Tuy nhiên, đến tuổi dậy thì thì không còn gì phải giấu. Hãy nói với con trẻ hết về chuyện yêu đương, bao cao su, phòng tránh thai, phòng tránh bệnh lây lan qua đường tình dục, thậm chí là tư thế quan hệ... Tuy nhiên trong gia đình Việt Nam rất khó để cởi mở chuyện này", tiến sĩ Điệp nói.

    Nguyên nhân vì "người nói không sẵn sàng và người nghe cũng không sẵn sàng". Chính vì vậy, nếu các gia đình vốn không có sự thoải mái giữa cha mẹ và con cái, trước đó không quan tâm đến vấn đề giáo dục giới tính ở nhà thì đến lúc dậy thì cũng không nên nói với con vì dễ khiến đứa bé khó chấp nhận. Thầy Điệp cho rằng, tốt nhất nên để chuyên gia giáo dục giới tính hoặc các chuyên gia tâm lý nói với trẻ về vấn đề này.

    "Chúng ta thường có suy nghĩ, bố sẽ nói chuyện với bé trai dậy thì, mẹ nói chuyện với bé gái dậy thì nhưng chưa chắc cách này đã hiệu quả. Ở độ tuổi này, tốt nhất cha mẹ chỉ nên là người bạn đồng hành, làm nhiệm vụ lắng nghe, hỗ trợ, khuyến khích, ủng hộ chứ không nên là người đưa ra thông tin".

    Theo chuyên gia, có những vấn đề cần phải nói với cả bé trai, bé gái khi con bước vào tuổi dậy thì:

    - Nói cho đứa trẻ hiểu được quan hệ của nó với người khác giới.

    - Lường trước được, đánh giá trước được các vấn đề lạm dụng, tấn công một cách tiềm tàng.

    - Đưa ra các quyết định khi ứng phó với các tình huống bị tấn công.

    - Phòng tránh thai và các bệnh lây lan qua đường tình dục

    - Không cấm đoán con yêu, thậm chí cấm đoán quan hệ tình dục, thủ dâm mà phải hướng dẫn con ứng xử như thế nào để an toàn cho sức khỏe...

    "Một số cha mẹ hay làm quá lên chuyện con bảo vệ vùng kín lúc ngủ, tránh va đập khi thể dục, trêu đùa nhau với bạn. Tuy nhiên, tâm lý trẻ là cái gì càng cấm đoán, chúng sẽ càng để ý, càng trêu chọc. Chúng ta nên để bọn trẻ tự nhiên, quan trọng là dạy chúng các kỹ năng ứng phó trước việc bị lạm dụng và kỹ năng phòng tránh thai, các bệnh lây qua đường tình dục. Khi dạy trẻ cần tuyệt đối tránh kiểu đạo đức hình thức", tiến sĩ Ngô Xuân Điệp nhấn mạnh.

    Phan Dương

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Đừng chờ con dậy thì mới dạy về giới tính

Share This Page