Mới đây, Saudi Arabia thông báo ghi nhận 8 người không có biểu hiện bệnh nhưng lại xét nghiệm dương tính với corona virus mới, gồm 4 nhân viên y tế và 4 trẻ em. Thông tin được tiến sĩ Trần Đắc Phu, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ y tế cho biết tại buổi họp ban chỉ đạo phòng chống dịch chiều 15/7. Sau thời gian tạm lắng, dịch viêm đường hô hấp cấp tính do virus mới "giống SARS" có chiều hướng gia tăng, có sự thay đổi dịch tễ. Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng có phản ứng mạnh mẽ hơn. Vì thế, Bộ Y tế Việt Nam tổ chức cuộc họp này nhằm ứng phó với diễn biến mới của dịch. “Việc phát hiện các trường hợp mắc không có triệu chứng làm tăng lo ngại không phát hiện hết các trường hợp mắc bệnh và tăng khả năng lây lan trong cộng đồng”, tiến sĩ Phu nói. Tỷ lệ tử vong do virus mới "giống SARS" là 56%. Ảnh: Press. Tiến sĩ Trịnh Quân Huấn, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, sau hơn 1 năm dịch mới lan ra 9 nước, các ca mắc rải rác. Rất có thể có hàng nghìn trường hợp mang virus mà cơ quan chức năng không biết, ở đây Saudi Arabia mới xác định được 8 ca. “Rõ ràng là tỷ lệ người lành mang trùng tương đối cao. Điều này rất nguy hiểm vì thế ngành y tế cần thông tin để người dân sẵn sàng, khi có dịch cần làm gì. Các bệnh viện cần rất cảnh giác với các trường hợp viêm đường hô hấp nặng, phát hiện ca bệnh cần cách ly ngay”, tiến sĩ Huấn nói. Theo thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viên Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), tỷ lệ tử vong của người nhiễm virus corona này ngang cúm gia cầm nhưng nguy hiểm hơn vì lây từ người sang người. Ổ dịch chính vẫn là Saudi Arabia, các ca ở các nước lẻ tẻ. “Khó khăn ở nước ta lúc này là không có phòng cách ly nhiều, phòng cấp cứu không chia buồng nhỏ. Vì thế có thể xảy ra khả năng bệnh lây lan rồi mình mới phát hiện. Chúng ta cần tăng cường khâu cách ly những trường hợp viêm phổi nặng ngay từ đầu, kiểm soát tốt hơn vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện để hạn chế lây lan”, thạc sĩ Hà nói. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, điều rất khác biệt ở virus này là hiện tượng người lành mang trùng, thường virus có độc lực cao thì ít có hiện tượng này. Vì thế có thể virus này đang giảm độc lực, có trường hợp ủ bệnh đến 14 ngày. WHO vừa họp Ủy ban tình trạng khẩn cấp- đây là điều rất cá biệt nhưng cũng chưa đưa ra khuyến cáo mạnh. "Khả năng xâm nhập vào nước ta là có nhưng nguy cơ thấp, giao lưu của ta với các nước Trung Đông thấp, dù vậy cũng không được chủ quan", thứ trưởng Long nói. Tháng lễ Ramadan và lễ hành hương đến thánh địa Mecca của người Hồi giáo (9/7-7/8) có thể làm tăng nguy cơ bùng phát dịch trong khu vực, đặc biệt tại Phillippines, Malaysia, Indonesia... Bộ Y tế đang chuẩn bị thành lập Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch, trực thuộc Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm. Đồng thời ngành sẽ tăng cường khám, sàng lọc các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp nhằm phát hiện sớm ca mắc, đẩy mạnh tăng cường truyền thông đối với khách nhập cảnh... Virus corna “giống SARS” gây hội chứng viêm đường hô hấp ở khu vực Trung Đông được gọi là viêm đường hô hấp cấp tính do Mers-Cov. Từ tháng 4/2012 đến nay, thế giới có 82 ca mắc, trong đó 45 tử vong. Bệnh ghi nhận tại 9 quốc gia, trong đó số mắc, tử vong vẫn tập trung chủ yếu ở Saudi Arabia. Tỷ lệ tử vong cao, 56%. Theo WHO thì đây là bệnh có tỷ lệ chết cao trong nhóm bệnh truyền nhiễm. Hầu hết các độ tuổi đều có khả năng mắc, tuy nhiên chủ yếu là người già, nam giới chiếm 65%, người mắc bệnh mãn tính... Nam Phương Nguồn VNExpress