Tiền sử sản khoa như: phá thai, sảy thai, đẻ... hay thói quen thụt rửa sâu vào âm đạo đều làm tăng nguy cơ viêm nhiễm đường sinh dục dưới ở nữ giới. Viêm nhiễm đường sinh dục dưới là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ. Tuy là bệnh lý thông thường không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người bệnh, nhưng nếu xử trí không đúng có thể để lại những hậu quả xấu đối với sức khỏe như: viêm nhiễm tiểu khung, vô sinh, các bệnh lý đối với thai nghén... Các tác nhân gây bệnh thường gặp là nấm Candida, Chlamydia trachomatis… Theo một nghiên cứu gần đây của các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) thì trong số gần 1.000 chị em đi khám phụ khoa (18-49 tuổi), tỷ lệ viêm nhiễm đường sinh dục dưới là 83%. Trong đó, viêm âm đạo chiếm tỷ lệ cao nhất gần 67%, sau đó là viêm cổ tử cung... Ảnh minh họa: BBC. Cũng theo nghiên cứu này, so với những phụ nữ không phá thai lần nào thì nhóm phá thai có nguy cơ viêm âm đạo cao gấp 1,66 lần, viêm cổ tử cung cao gấp 2 lần. Với những phụ nữ đã sinh con thì nguy cơ viêm âm đạo cao gấp 2,4 lần so với nhóm chưa đẻ lần nào. Tương tự, nguy cơ viêm cổ tử cung ở họ cũng cao gấp khoảng 2 lần. Ngoài ra, nhóm chị em phá thai hay sẩy thai cũng có nguy cơ viêm lộ tuyến cổ tử cung cao gấp 2 lần so với nhóm không. Bên cạnh đó, những người không áp dụng biện pháp tránh thai cũng có tỷ lệ viêm nhiễm cao hơn. Các chuyên gia không thấy mối liên hệ giữa thói quen vệ sinh và sinh hoạt khi hành kinh với khả năng bị viêm nhiễm đường sinh dục dưới. Tuy nhiên, việc rửa sâu vào âm đạo có nguy cơ viêm nhiễm đường sinh dục dưới gấp gần 1,6 lần. Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Lao động (Hà Nội), mọi phụ nữ, kể cả các bé gái 12-13 tuổi, đều có khả năng bị bệnh do cấu trúc của vùng kín mở hẳn ngoài da, lại nằm giữa lỗ đi đại tiên và tiểu tiện - nơi chứa rất nhiều vi khuẩn. Nếu giữ vệ sinh không sạch sẽ, vi khuẩn, nấm phát triển sẽ gây viêm nhiễm. Ở những thiếu nữ chưa từng quan hệ tình dục, tỷ lệ mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh dục thấp hơn vì có màng trinh bảo vệ. Nó giống như một lớp màng ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn vào sâu bên trong (nhưng chỉ một phần nào đó). Vì thế, những chị em đã lấy chồng hoặc có quan hệ tình dục thì khả năng mắc bệnh bao giờ cũng cao hơn. Bác sĩ Dung cho biết, bên cạnh đó, việc sinh vùng kín không đúng cách cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục. Chẳng hạn, một số chị em có thói quen pha nước muối loãng hoặc ngâm lá trầu không để rửa vốn là cách làm khoa học nhưng lại vô tình biến nó thành phản khoa học vì ngâm cả cửa mình vào trong chậu nước. "Không những thế, việc vệ sinh vùng này sạch sẽ quá cũng khiến nguy cơ mắc bệnh phụ khoa của chị em cao hơn. Nhiều người có thói quen vệ sinh vùng kín liên tục, dùng xà bông để rửa. Tuy nhiên, xà bông có tính chất tẩy mạnh, sẽ khiến cho âm đạo bị mất đi độ ẩm cân bằng. Đồng thời, tiêu diệt cả những loại vi khuẩn có lợi trong môi trường này và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, cũng như các bệnh liên quan đến tình dục phát triển", bác sĩ Dung cho biết. Vì thế, bác sĩ khuyến cáo, bộ phận sinh dục rất nhạy cảm, nếu cơ thể khỏe mạnh nó có thể kháng cự được phần nào đó vi khuẩn. Vào những ngày bình thường khi tắm có thể rửa bằng nước sạch, nếu thích có thể dùng thêm dung dịch vệ sinh. Chị em nên rửa cơ quan sinh dục 2 lần mỗi ngày, đặc biệt hình thành thói quen rửa âm đạo sau mỗi lần đi đại tiện. Điều này sẽ giúp loại trừ nguy cơ bị các loại vi khuẩn ở hậu môn tấn công, tuy nhiên cũng cần lưu ý khi chùi giấy vệ sinh phải chùi từ đằng trước ra sau, tránh chùi ngược lại. Trong những ngày đèn đỏ thì nên chú ý vệ sinh sạch sẽ, thay rửa thường xuyên hơn. Nếu muốn dùng thuốc rửa thì cần lựa chọn loại phù hợp, không quá kiềm, không sử dụng hóa chất sát khuẩn mạnh. Không thụt rửa vào sâu bên trong âm đạo thường xuyên. Sử dụng các biện pháp tránh thai để tránh mang thai ngoài ý muốn. Nếu có ý định phá thai thì nên đến các cơ sở uy tín để đảm bảo an toàn. Khi thấy ra khí hư bất thường, ngứa, khó chịu, chị em nên đi khám. Phương Trang Nguồn VNExpress