Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa tiếp nhận một bệnh nhân dị ứng thuốc điều trị HIV/AIDS với biểu hiện nổi ban đỏ khắp người, ngứa ngáy. Dù đã thay 3 phác đồ điều trị nhưng tình trạng dị ứng vẫn tái diễn. Theo đó, bệnh nhân này bắt đầu điều trị HIVcách đây một tháng. Ngay từ lần đầu uống thuốc, người này đã bị nổi mẩn toàn thân, đặc biệt ngứa nhiều ở chân và tay. Tuy nhiên, vì không nghĩ mình bị dị ứng thuốc nên bệnh nhân này tiếp tục dùng thuốc thêm 1 tuần. Không ngờ tình trạng dị ứng càng trở nên nặng hơn, nổi ban đỏ toàn thân, phù tay chân và phải vào Bệnh viện Đống Đa điều trị 10 ngày. Ảnh minh họa: The Guardian. Khi xuất viện, bệnh nhân thử dùng riêng rẽ từng loại thuốc 2 lần. Kết quả, nếu 8h sáng uống Lamivudine 150mg thì đến 3h chiều, người bệnh nổi nốt, ngứa ngáy. Nhờ đó, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị dị ứng thuốc Lamivudine và cho đổi phát đồ điều trị. Tuy nhiên, dù đã chuyển đến 3 phác đồ nhưng tình trạng dị ứng vẫn không cải thiện. Vì thế, bệnh nhân được giới thiệu đến Trung tâm Dị ứng- Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) để giải mẫn cảm. Theo bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm Dị ứng- Miễn dịch lâm sàng, đây là lần đầu Trung tâm tiếp nhận bệnh nhân dị ứng loại thuốc này. Trên thế giới, tình trạng dị ứng loại thuốc này cũng rất hiếm gặp. Với mỗi một loại thuốc, thời gian giải mẫn cảm hoàn toàn khác nhau. Có những loại chỉ cần một ngày, có thuốc thì một tuần. Với thuốc Lamivudine, bệnh nhân này sẽ được giải mẫn trong vòng một tháng, thực hiện hàng ngày với thời gian cố định. Các bác sĩ hy vọng thời gian này đủ để có kết quả. Theo phác đồ trên thế giới, những bệnh nhân giải mẫn cảm với thuốc này trong vòng 1,2,3 tuần đều thất bại. Mục đích của việc làm này là nhằm tạo ra tình trạng dung nạp với thuốc mà trước đó gây ra phản ứng quá mẫn. Cụ thể người bệnh được cho dùng nhắc lại từng liều nhỏ thuốc gây dị ứng và tăng dần sau mỗi khoảng thời gian cố định để làm tăng tính an toàn và khả năng bảo vệ của thuốc. Lamivudine là một loại thuốc dùng phổ biến nhất trong điều trị HIV/AIDS và rất hiếm khi gây dị ứng. Hiện Việt Nam có 7 loại thuốc điều trị cho các phác đồ khác nhau. Phương Trang Nguồn VNExpress