Người đàn ông quá nghe lời mẹ có trở thành chồng tốt

Discussion in 'Tình yêu - Gia đình - Giới tính' started by Robot Siêu Nhân, Jul 13, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 364)

    Chúng tôi đều đến tuổi lập gia đình. Mới đây tôi phát hiện anh lúc nào cũng chỉ biết nghe lời mẹ, tiền bạc làm ra bao nhiêu đều mang về cho mẹ, thậm chí coi gia đình quan trọng hơn cả bạn gái.


    Tôi năm nay gần 27 tuổi, bạn trai 30. Anh lấy hiền lành, tử tế, không cờ bạc, rượu chè, có công việc ổn định. Khổ một nỗi anh rất nghe lời mẹ, đi làm có bao nhiêu tiền đều mang về cho gia đình. Mỗi lần muốn mua gì, nếu xin mẹ cho thì mua không thì thôi.

    Hôm rồi anh ngỏ ý kết hôn nhưng tôi băn khoăn mãi. Tôi thực sự chán ngán không biết có nên lấy người chồng như thế? - (Thủy).

    [​IMG]
    Ảnh minh họa: Sling.

    Trả lời:

    Thủy thân mến,

    Mỗi từ bạn viết ra đều chứa trong đó những cảm xúc, suy tư, trăn trở về chuyện tình cảm cũng như áp lực phải gánh chịu. Có lẽ khi bắt đầu quen nhau, bạn hy vọng rất nhiều vào mối quan hệ tình cảm này. Nhưng đôi khi cuộc sống không đẹp như những gì mình mong muốn, và sau thời gian tìm hiểu bạn đã phần nào nhận ra cốt cách của người yêu không thực sự "chuẩn men" như bạn nghĩ từ đầu.

    Có lẽ bạn phải công nhận với tôi rằng anh ấy là một người đàn ông tốt, hiếu thảo, biết quan tâm lo lắng cho bố mẹ, anh chị em trong gia đình. Với chữ hiếu, anh ấy chu toàn khá hoàn hảo. Nhưng "nhân vô thập toàn", con người không ai chu đáo về mọi mặt cả, và có lẽ những khuyết điểm của anh ấy sẽ là nỗi lo với bất cứ người phụ nữ nào muốn làm vợ anh.

    Nhân cách của anh ấy được hình thành trong môi trường giáo dục gia đình. Vì thế để thay đổi được, không phải là một sớm một chiều. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, bạn cần phải xem xét, tìm hiểu một cách sâu sắc, toàn diện và có những tác động khéo léo.

    Bản chất phụ nữ và đàn ông khác nhau rất nhiều. Đàn ông cũng chia thành nhiều hình mẫu khác nhau, chẳng hạn: Tuýp người khó tính, gia trưởng, người quá sợ mẹ, người đào hoa, người bảo thủ, người chỉ nói về sex, người thích sở hữu, người ham vui... Tất nhiên sự phân chia chỉ mang tính tương đối và để bạn tham khảo xem người yêu thuộc tuýp nào. Trên thực tế, những đặc điểm tính cách đan xen nhau, khó phân biệt được một cách rạch ròi.

    Theo tôi thì người yêu của Thủy là mẫu người sợ mẹ. Những người như thế thường nghe lời mẹ một cách tuyệt đối, mọi chuyện đều hỏi ý kiến, cuối cùng là do mẹ quyết định... Tuy nhiên đó là dựa vào những gì bạn miêu tả, để có sự nhìn nhận chính xác về anh ấy, bạn cần phải thận trọng, tìm hiểu toàn diện, không nên dựa vào một số biểu hiện mà vội vàng đưa ra đánh giá quy chụp.

    Bởi bạn và anh ấy chỉ đang trong giai đoạn yêu nhau. Có thể bạn chưa biết anh ấy là một người thụ động, không va chạm nhiều, tính tình không được quyết đoán lắm, sống trong gia đình ai cũng có thói quen đưa tiền cho mẹ giữ... Trong thư, tôi chưa thấy bạn kể về cách bạn nói chuyện, trao đổi, tâm sự với người yêu về chuyện này nên không biết thực sự anh ấy nghĩ thế nào.

    Để có thể nhìn nhận đúng, chính xác, đưa ra quyết định cho mối quan hệ tình cảm của mình, tôi xin gợi ý với bạn hai điều sau:

    Thứ nhất: Hãy tìm hiểu thật kỹ thói quen sinh hoạt, giao tiếp ứng xử trong gia đình người yêu. Một cá nhân bị ảnh hưởng phần lớn từ môi trường giáo dục gia đình. Bạn có thể thường xuyên ghé qua nhà anh và để ý quan sát, tìm hiểu xem những sinh hoạt, giao tiếp ứng xử hàng ngày của gia đình anh ấy. Từ đó sẽ cho bạn cái nhìn rõ hơn về những gì mà bạn nghĩ về người yêu, thay vì chỉ ngồi đó suy đoán.

    Thứ hai: Đối với người yêu, bạn nên tâm sự nhiều hơn về gia đình. Hỏi và nghe anh ấy kể về bố mẹ, anh chị em sẽ giúp bạn hiểu hơn quan điểm của anh như thế nào. Có thể ở trong gia đình, anh ấy có thói quen như vậy nhưng thực ra trong lòng không muốn như thế và không dám phản đối.

    Bên cạnh đó, hãy chia sẻ với người yêu những điều không hài lòng về anh ấy. Hãy khéo léo tìm hiểu xem thói quen nghe lời mẹ của anh là do bắt chước hay bị áp đặt từ nhỏ, rồi cứ thế cam chịu chấp nhận một cách vô thức. Bản thân con người nói chung, người yêu bạn nói riêng, khi bước ra xã hội, những va chạm, trải nghiệm sẽ giúp họ biết nhìn nhận, đánh giá những thói quen, hành vi ứng xử của mình, gia đình mình đúng - sai ra sao. Mặc dù vậy đôi lúc con người ta thấy sai nhưng lại không đủ ý chí thay đổi vì nó đã quá quen thuộc. Bởi thế muốn thay đổi cần có người giúp đỡ.

    Bạn nên tế nhị, kín đáo, khéo léo nói cho anh ấy về điều mà bạn lo lắng một cách rõ ràng, cụ thể và mong anh ấy thay đổi, đồng thời giúp đỡ anh ấy thực hiện. Nếu anh ấy đồng ý, hợp tác thì cả hai cùng làm, ngược lại bạn nên chia tay nếu thực sự không chấp nhận được khuyết điểm đó của người yêu.

    Việc thay đổi thói quen là rất khó, cần đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và nhất là sức mạnh của tình yêu. Mọi quyết định chấm dứt hay tiếp tục tùy thuộc vào bản thân bạn. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn phần nào trong việc tìm một giải pháp tối ưu nhất.

    Chúc bạn thành công.

    Chuyên viên tâm lý Trần Đăng Thảo
    Văn phòng Tư vấn TT&T, Tổng đài 1088 TP HCM


    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Người đàn ông quá nghe lời mẹ có trở thành chồng tốt

Share This Page