Để vượt qua nỗi sợ đi máy bay, cách cơ bản nhất mà mọi người có thể làm là tự trấn an mình trước khi nỗi ám ảnh trở thành bệnh, theo ông Nguyễn Văn Thọ, Viện trưởng Tâm lý thực hành. Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Thọ cho rằng, cơ chế hình thành nỗi lo sợ đi máy bay ban đầu cũng giống như bất kỳ nỗi sợ bình thường nào khác. Khi trải nghiệm tai nạn hoặc nghe tin về tai nạn, người ta có xu hướng sợ hãi. Đó là cơ chế "học tập" tích cực của cơ thể. Đứng trước bất kỳ nỗi sợ nào, nếu con người có đủ nội lực, kinh nghiệm để đón nhận, giải tỏa và vượt qua lo âu thì nó sẽ trở thành động cơ cho sự phát triển bản thân. Còn ngược lại, nếu không giải quyết được, nó khiến chúng ta không thể thích nghi với cuộc sống, khi đó nỗi sợ sẽ trở thành bệnh, làm đảo lộn mọi sinh hoạt thường ngày của chúng ta. Theo thống kê, hàng năm có ít nhất một máy bay bị sét đánh nhưng số vụ tai nạn do sét cực hiếm. Ảnh: Chinhphu. Theo ông Thọ, để vượt qua nỗi sợ đi máy bay, cách cơ bản nhất mà mọi người có thể làm là tự trấn an mình, trước khi nỗi ám ảnh trở thành "bệnh". Mức độ thành công cao hay thấp nằm ở kinh nghiệm sống, nội lực và bản lĩnh của mỗi người. Về điểm này, các nhà nghiên cứu y tế hàng không khuyên mọi người không nên quá ám ảnh nguy cơ bị tan nạn máy bay vì những lý do sau: - Xác suất xảy ra rủi ro hàng không rất thấp so với các phương tiện đi lại khác: Cuộc khảo sát do hãng Viện nghiên cứu Y tế hàng không Hàn Quốc thực hiện cho thấy, khả năng gặp tai nạn ôtô cao gấp 90 lần so với hàng không. Ước tính, một người đi ít nhất một chuyến bay mỗi ngày trong vòng 35.000 năm thì mới chắc chắn gặp một tai nạn. Trong trường hợp rủi ro máy bay rơi, tỷ lệ sống sót cũng rất cao. Thống kê từ năm 1983 đến 2000 ghi nhận, có 96% hành khách sống sót khi máy bay gặp nạn. - Sai lầm của nhiều người là nghĩ rằng "máy bay ở trên trời, nếu bị sét đánh trúng rất dễ vỡ". Tuy nhiên theo khảo sát, trung bình hàng năm mỗi máy bay dân dụng của Mỹ bị sét đánh ít nhất một lần. Từ năm 1967 đến nay, không một chiếc nào rơi vì sét đánh. Điều này cho thấy, công nghệ hiện đại có thể đảm bảo độ an toàn gần như tuyệt đối cho máy bay trước tác động của sét. - Khi thời tiết xấu, máy bay thường rung lắc dữ dội khiến hành khách sợ hãi. Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu hàng không Mỹ, thời tiết không phải là nguyên nhân phổ biến gây ra tai nạn máy bay, mà thương vong hầu như xảy ra với hành khách không chịu thắt dây an toàn. Thống kê trong vòng 28 năm (từ 1980 đến 2008), chỉ có 3 trường hợp người đi máy bay bị nạn khi thời tiết xấu, trong số đó 2 là do không cài dây an toàn khi có tín hiệu cảnh báo. - Nhiều người có kinh nghiệm gặp thời tiết xấu khi đi máy bay thường bị ám ảnh nặng nề. Nhưng bạn cần hiểu rằng những chấn động hay âm thanh khi máy bay di chuyển trong vùng thời tiết cũng đơn giản như xe hơi cán phải ổ gà trên những đoạn đường xấu thôi, không quá nguy hiểm. - Thương vong khi bị tai nạn hàng không thường không phải do bị máy bay "đè" như người ta vẫn nghĩ nhưng thường có nguyên nhân khác, chẳng hạn hít phải khói độc dẫn đến ngạt thở, không cài dây an toàn... Vì thế khi gặp sự cố, tốt nhất bạn nên nghe theo chỉ dẫn của tiếp viên hàng không, những người đã được huấn luyện đối phó với các trường hợp rủi ro như thế. - Trong trường hợp sợ độ cao, hay bị chóng mặt, khó chịu khiến bạn bị ám ảnh mỗi khi lên máy bay, hãy cố gắng mua vé ngồi phía trước hoặc nhắm mắt ngủ suốt chuyến hành trình, tránh nhìn ra ngoài để khỏi bị chóng mặt. Bạn phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về an toàn khi bay. Cuối cùng, lời khuyên cho bạn là nếu không tự mình vượt qua được nỗi lo âu khi lên máy bay, hãy nhờ đến sự can thiệp của các bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên viên tâm lý trị liệu để giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi càng sớm càng tốt. Thi Trân Nguồn VNExpress