Cùng nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, toàn thân tím tái, hai nam bệnh nhân mắc cúm A/ H1N1 vừa thoát chết sau hơn 2 tuần điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Bệnh nhân đầu tiên nhà ở quận 8 (TP HCM) nhập viện khi cơ thể đã tím tái hoàn toàn, tri giác lơ mơ. Các chẩn đoán cho thấy người bệnh bị suy hô hấp rất nặng, suy tuần hoàn, một phổi bị tổn thương nghiêm trọng. 30 phút sau khi nhập viện, bệnh nhân vẫn không có tiến triển tích cực dù được đặt máy thở nội khí quản và dùng mọi biện pháp hồi sức, chống sốc. Nghi ngờ nguyên nhân do cúm, các bác sĩ đã tiến hành điều trị theo phác đồ đồng thời xét nghiệm nhanh. Kết quả không ngoài dự đoán, người bệnh được ghi nhận dương tính với H1N1. Sau gần nửa ngày điều trị, kiểm tra phổi, các bác sĩ thấy cả 2 phổi của bệnh nhân đã trắng xóa vì virus tấn công. Tình trạng sức khỏe người bệnh chưa khả quan thì ngay lúc đó bệnh nhân bất ngờ lên cơn nhồi máu cơ tim cấp và suy thận cấp. Trong tình thế nguy kịch, các loại thuốc vận mạch đã được bác sĩ sử dụng ở mức kịch trần với suy nghĩ còn nước còn tát. "Phải mất đến 4 ngày cấp cứu liên tục và 7 ngày thở máy, sức khỏe của người bệnh mới bắt đầu tiến triển theo chiều hướng tốt hơn. Điều tra bệnh sử và kiểm tra tại chỗ, chúng tôi phát hiện ông này vốn đã mắc sẵn các chứng hở van tim 2 lá, tăng huyết áp và viêm gan siêu vi. Đây là nguyên nhân khiến bệnh thêm nặng khi nhiễm cúm", bác sĩ Lâm Minh Yến, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho biết. Cũng theo bác sĩ Yến, thời gian điều trị cúm và điều trị các bệnh lý kèm theo cho bệnh nhân này kéo dài đến hơn 2 tuần. Ca thứ hai còn nguy kịch hơn trường hợp trên. Bệnh nhân nam 33 tuổi nhà ở Bình Thạnh, đến bệnh viện ở gần nhà sau 4 ngày bị ho, tức ngực và khó thở. Nằm viện được 3 ngày thì anh này trở nặng nên được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Tại khoa cấp Cứu hồi sức chống độc tích cực người lớn, người bệnh tím tái toàn thân trông như người đã chết. Độ bão hòa ôxy trong máu ghi nhận chỉ còn 35% trong khi trường hợp khác, nếu lượng ôxy còn 50% đã có thể tử vong. Bệnh nhân lập tức được đặt nội khí quản để khắc phục tình trạng suy hô hấp và cho dùng kháng sinh liều cao để khống chế tổn thương lan tỏa ở hai phổi. Cũng như trường hợp trên, song song với việc hồi sức tích cức, bệnh nhân được điều trị thuốc Tamiflu sau khi xét nghiệm cúm H1N1 cho kết quả dương tính. Phải mất một tuần thở máy và cấp cứu tích cực, người bệnh mới cai máy thở. Việc điều trị và theo dõi tiếp tục được thực hiện cho đến sáng nay (sau 14 ngày), các kết quả kiểm tra cho thấy người bệnh đã âm tính với cúm. "Đây là 2 trường hợp mắc H1N1 nhập viện trong tình trạng bệnh tình nguy kịch nhất mà chúng tôi từng điều trị trong năm nay", bác sĩ Yến cho biết. Theo bác sĩ Võ Minh Quang, phó phòng Kế hoạch tổng hợp, từ đầu năm đến nay, bệnh viện này ghi nhận 56 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 gồm cả bệnh nhân tại TP HCM và bệnh nhân được chuyển đến từ các tỉnh thành khác. Tiến sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, cho biết, từ đầu năm đến ngày 2/7, TP HCM ghi nhận 24 ca nhập viện dương tính với cúm A/H1N1. Tuổi trung bình của các bệnh nhân là 36, trong đó có 4 trường hợp dưới 2 tuổi. Bệnh xuất hiện rải rác tại 11 quận huyện, trong đó Bình Chánh cao nhất với 5 ca. Tính đến thời điểm này có 6 ca tử vong (3 nam, 3 nữ), tuổi trung bình 56, nhỏ nhất 24 tuổi, lớn nhất 76 tuổi. Tất cả ca biến chứng hoặc tử vong đều có yếu tố nguy cơ như người bệnh mắc chứng tiểu đường, huyết áp, xơ gan, suy thận, lớn tuổi. Mấy tuần qua, Hà Giang, Cà Mau cũng là những địa phương có người mắc cúm H1N1 và tử vong vì loại cúm này. Các bác sĩ cho biết cúm thường ở thể nhẹ, tuy nhiên lại diễn tiến nhanh, nhất là trên những người có bệnh sẵn, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em. Khi thấy sốt cao kéo dài kèm ho, tức ngực, khó thở, bệnh nhân cần đến ngay bệnh viện có chuyên khoa nhiễm để được thăm khám và điều trị kịp thời. Thiên Chương Nguồn VNExpress