Vụ điều tra hệ thống chuyển tiền ảo Liberty Reserve đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thói quen sử dụng tiền ảo trên Internet. Đã có nhiều người tiêu dùng bị thiệt hại không ít khi đặt niềm tin vào đơn vị tiền ảo này! Kinh doanh tiền ảo Tiền ảo dùng để làm gì?Tiền ảo thường được sử dụng cho một số hoạt động trên Internet như chơi game trực tuyến, mua ứng dụng, chơi chứng khoán ảo… Một số hoạt động dùng tiền ảo để thanh toán – giao dịch vẫn chưa được luật pháp công nhận như cá độ bóng đá, đánh bài trực tuyến… Trên thế giới cũng có xu hướng sử dụng tiền ảo như website mua bán trực tuyến khổng lồ Amazon vừa phát hành tiền ảo Amazon Coin. Đồng tiền này dùng để mua bán ứng dụng – game trên kho ứng dụng Amazon. Ở Việt Nam cũng thế, phần lớn tiền ảo hợp pháp chỉ dùng để mua vật phẩm trong game hoặc sử dụng dịch vụ trực tuyến của VDC (iCoin), VNG (Zing xu), VTC (Vcoin)… Thực chất, Liberty Reserve chỉ có một hệ thống trung gian chuyển đổi tiền thật sang tiền ảo. Xét về mặt nghiệp vụ, hệ thống này làm nhiệm vụ chuyển đổi và giữ tiền cho khách hàng giống như các ngân hàng. Tuy nhiên, do hình thức đăng ký tài khoản và kiểm soát luồng tiền ra/vào của Liberty Reserve quá dễ dãi nên nó trở thành công cụ của cộng đồng hacker. Số tiền hack được từ các tài khoản thẻ tín dụng được chuyển đổi nhanh chóng thành tiền ảo Liberty Reserve (LR). Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) thì các trang web chuyển đổi tiền Liberty Reserve tại Việt Nam (Exchanger) cơ bản chỉ là các điểm trung gian trong hệ thống chuyển đổi tiền ảo trên toàn cầu. Họ kiếm được lợi nhuận từ việc đổi tiền thật sang tiền ảo. Khác với các dịch vụ ví điện tử - cũng chuyển đổi tiền ảo để thanh toán trực tuyến, các trang web đổi tiền LR không hình thành mạng lưới chấp nhận tiền ảo. Các Exchanger này chỉ đơn giản là mở tài khoản trên hệ thống Liberty Reserve và sau đó mở dịch vụ đổi tiền LR theo yêu cầu của khách hàng. Họ hưởng mức chênh lệch cho phép của hệ thống khi đổi tiền ảo. Vì thế, các Exchanger chỉ sử dụng tài khoản ngân hàng (tại Việt Nam) như một khách hàng cá nhân; họ không có tư cách pháp nhân để tham gia vào hệ thống chuyển tiền của ngân hàng. Một số ngân hàng như Vietcombank, Đông Á, ACB… đã lên tiếng khẳng định việc không có mối quan hệ với Liberty Reserve. Không chỉ dành cho hacker Một trang web nhận đổi tiền ảo tại Việt Nam Cộng đồng hacker tin tưởng vào cách thức hoạt động của hệ thống chuyển tiền Liberty Reserve. Do đó, đồng tiền ảo này nhanh chóng trở thành một phương tiện hữu dụng để chuyển số tiền hack được từ thẻ tín dụng thành “tiền sạch”. Không chỉ có hacker mới sử dụng Liberty Reserve, một số người dùng bình thường do muốn thanh toán nhanh chóng trên Internet cũng dùng đến đồng tiền ảo này. Khi đó, họ phải tìm đến các điểm trung gian đổi tiền thật thành tiền ảo! Một số trang web kinh doanh trực tuyến đã bán sản phẩm với giá rẻ nhưng đổi lại khách hàng phải thanh toán bằng LR hoặc một loại tiền ảo khác. Các sản phẩm này có thể là smartphone, laptop, sách… Đây cũng chính là cách để hacker biến “tiền bẩn” thành “tiền sạch”. Ban đầu, các công cụ chuyển đổi tiền tệ từ các đơn vị tiền tệ ở các quốc gia sang tiền ảo có mục đích tốt. Các công cụ này giúp cư dân mạng thanh toán hàng hoá dễ dàng trên môi trường Internet. Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo Quản trị và An ninh mạng Athena: Do các hệ thống chuyển đổi tiền ảo buông lỏng việc quản lý tiền gửi nên hacker mới thường xuyên sử dụng công cụ này để biến tiền lấy cắp từ các tài khoản thẻ tín dụng thành tiến hợp pháp. Sử dụng hệ thống này sẽ giúp hacker gom tiền với số lượng lớn nhanh hơn thay vì phải mua bán lòng vòng trên mạng. Hiện tại, sau khi xảy ra sự cố Liberty Reserve, một số trang web vẫn tiếp tục nhận đổi tiền ảo các loại như Perfect Money, Bitcoin, Payza… Cư dân mạng có thể đổi tiền ảo sang tiền Việt bằng cách chuyển khoản hoặc sử dụng một số cổng thanh toán trực tuyến. Quản lý chặt giao dịch ngân hàng Cảnh sát 17 quốc gia tham gia điều tra hệ thống Liberty Reserve Hệ thống chuyển đổi tiền ảo Liberty Reserve đã phải ngừng hoạt động khi đối mặt với cáo buộc tham gia hoạt động rửa tiền lên tới 6 tỷ USD. Từ năm 2006 đến nay, ước tính đã có khoảng 55 triệu giao dịch trên Liberty Reserve với tổng số 1 triệu người dùng trên toàn cầu. Tại Việt Nam, một số trang web nhận đổi Liberty Reserve cũng phải đóng cửa hoặc tạm ngưng thu mua loại tiền ảo này. Trước đây, theo Thông tư 22/2009/TT-NHNN về phòng chống rửa tiền, các khoản giao dịch từ 200 triệu đồng sẽ phải được xem xét cẩn thận (về nguồn tiền, văn bản xác thực…). Thông tư này cũng đòi hỏi các ngân hàng phải cập nhật và nhận biết khách hàng thông qua địa chỉ công ty, lĩnh vực kinh doanh… Đến nay, sau khi xảy ra vụ Liberty Reserve, các thành viên trên một số diễn đàn công nghệ than thở: Bây giờ thì các khoản tiền nhỏ nếu giao dịch từ nước ngoài đều bị ngân hàng kiểm tra chặt chẽ. Họ đòi hỏi xác minh giao dịch từ 2 đầu trong và ngoài nước, cung cấp văn bản xác thực… Còn đối với những người dùng có tài khoản tiền gửi ở hệ thống Liberty Reserve thì xem như “mất trắng”. Theo Ngân hàng Nhà nước, Liberty Reserve chưa bao giờ được công nhận như một đơn vị tiền tệ ở Việt Nam (kể cả trên Internet). Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Cục Phòng chống Tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) điều tra tiếp tục các cá nhân – tổ chức có liên quan đến hệ thống Liberty Reserve. Do đó, những khách hàng có gửi tiền ở Liberty Reserve cũng không có điều kiện pháp lý chắc chắn để khiếu nại – đòi tiền lại. Kể cả cộng đồng những người kiếm tiền online (MMO – Make Money Online) cũng bị mất tiền khi hàng loạt trang web đổi tiền ảo LR tuyên bố ngừng hoạt động. Nguồn PC World VN