Kỳ tích vượt lời nguyền luật tục của cậu bé 'da cam'

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Jul 6, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 388)

    Chào đời, Nay Djruêng đã bị dị tật vì di chứng chất độc da cam: Không tay chân, thân người co quắp. Theo luật tục “Nar Tui Mih” của người J’rai, số phận đứa bé được quyết định là phải chôn sống để tránh tai họa đến với buôn làng.


    Ngay lập tức đứa bé vừa lọt lòng đã bị dân làng đưa đi chôn sống. Song trước tiếng gọi của tình phụ tử, người cha đã lao vào giật đứa con lại từ tay thần chết và kiên quyết đưa bé về nhà nuôi. 19 năm qua, Nay Djruêng như cây K’nia giữa đại ngàn, chẳng những không chết như bao đứa trẻ khác mà sống sót như một kỳ tích nhờ nghị lực phi thường của mình...

    "Con chim con sống phải có chim mẹ, con chim non yếu thì về với Atâu (tổ tiên, ông bà). Nếu không, Yàng (trời) sẽ trừng phạt”, Ksor Dyoang, cha của Nay Djruêng ở buôn Ji A, xã Krông Năng tâm sự. Cách thủ phủ tỉnh Gia Lai (TP Pleiku) tròm trèm 200 cây số về phía đông nam, xã Krông Năng, huyện Krông Pa, Gia Lai, được đánh giá là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh với phần lớn là người đồng bào dân tộc J’rai sinh sống. Bởi nghèo nên nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều hủ tục lạc hậu. Trong số này, đáng sợ nhất là luật tục “Nar tui mih".

    Vợ chồng Ksor Dyoang hạ sinh tổng cộng 10 đứa con, trong đó có 3 bị di chứng chất độc da cam. Một đứa đã bị chôn sống theo lệ “Nar tui mih”. Nay Djruêng là đứa con thứ 8.

    [​IMG]Nay Djruêng đang tập viết. Ảnh: Tùy Phong.

    Những năm 1972, vợ chồng Ksor Dyoang và Nay H’Đril đều là du kích ở căn cứ Ea Réh (huyện Krông Pa). Nơi đây cũng là khu căn cứ bị Mỹ dùng máy bay thường xuyên thả chất độc da cam xuống, trong đó có dòng suối Ia H’Đreh. Nó cũng chính là con suối mà hàng ngày Ksor Dyoang vẫn thường men theo đi làm nhiệm vụ và là nơi cung cấp nước uống, nước sinh hoạt hàng ngày của du kích.

    Chiến tranh kết thúc, Ksor Dyoang được phân công về làm cán bộ xã Krông Năng, cho đến năm 1990 thì xin nghỉ để ở nhà làm rẫy cùng vợ. Niềm vui đến với người cựu du kích khi sau những ngày nghén, Nay H’Đril có thai. Sau những tháng ngày hy vọng và chờ đợi, Nay H’Đril đã hạ sinh đứa trẻ giống như “chàng sọ dừa”, nghĩa là chỉ có duy nhất một cái đầu đỏ hỏn. Nỗi sợ hãi xâm chiếm hai vợ chồng cựu du kích bởi họ quá biết về sự tàn khốc của luật tục được duy trì từ bao đời nay.

    Cả làng hay tin vợ chồng Ksor Dyoang đã sinh ra một quái thai, già làng đến bảo phải đưa đứa bé chôn xuống đất để nó về với Atâu. Đau đớn, nhưng tục lệ là vậy, hai vợ chồng Ksor Dyoang đành nuốt nước mắt tuân theo. Gần hai mùa rẫy sau, vợ chồng Ksor Dyoang lại đón thêm một sinh linh nữa. Đứa trẻ ra đời vẫn bú sữa mẹ, nhưng đôi mắt lại bị lồi hẳn ra ngoài, chân tay có màng như chân vịt. Cũng như lần trước, cả buôn Ji A kéo đến buộc hai vợ chồng tội nghiệp phải mang đứa trẻ chôn.

    Quá thương con, Ksor Dyoang đã dũng cảm chống lại tục lệ và dân làng: “Tôi đã đau một lần rồi, bây giờ Yàng phạt cũng mặc. Atâu trách cũng chịu. Tôi không thể mất con lần nữa, gia đình Ksor Dyoang thà bị dân làng phạt heo, phạt bò mấy cũng được chứ không thể chôn con”. Vậy là Ksor Dyoang đã giữ lại được mạng sống cho con và đặt tên Nay H’Đốt.

    Vài mùa rẫy sau, Nay H’Đril lại hạ sinh đứa con thứ tám. Cũng bất hạnh như hai lần trước, đứa trẻ không có bàn tay, cũng chẳng có bàn chân, cả thân người cứ co quắp lại. Bóng ma lệ tục lại ám ảnh Ksor Dyoang: chôn đứa trẻ để nó về với Atâu. Từng nuốt nỗi đau khi tận mắt chứng kiến việc dân làng chôn con mình, nhưng ông lại nghĩ: “Nếu để nó sống thì tội quá”, do đó người cha đau khổ đành buông xuôi theo tục lệ.

    Người cha chấp nhận sự thật phũ phàng. Trong thời khắc đêm tối lũ làng kéo đến, trên tay cầm những cây đuốc và những dụng cụ để chuẩn bị cho việc đưa đứa bé về với Atâu. Khi cái hố đã hoàn thành, trong ánh sáng lập lòe của ngọn đuốc, hình ảnh đứa con bé bỏng, nhỏ nhắn đang oằn mình lên như cố hết sức để vùng vẫy, như đang cầu cứu khi bị đặt xuống lòng đất lạnh lẽo. Rồi chiếc khăn thổ cẩm đã phủ kín toàn cơ thể, thì thằng bé khóc thét lên dữ dội, tiếng kêu khóc mỗi lúc mỗi vang to nghe như xé lòng người cha.

    Không có gì đau đớn bằng khi phải đứng nhìn đứa con vô tội của mình đang cất tiếng khóc như van lơn ngày càng thống thiết, tiếng khóc như đâm thấu vào tâm can của đấng sinh thành. Sau này Ksor Dyoang kể lại như vậy. Chính tiếng khóc đó đã biến tình thương của người cha thành sức mạnh, lấn át hết mọi nỗi lo sợ tầm thường. Bỏ qua cái luật tục khắc khe của dân làng, Ksor Dyoang nhanh chóng nhảy xuống hố, bế lấy đứa con bé bỏng chạy nhanh về nhà lấy vỏ nứa cắt rốn và tắm rửa sạch sẽ, rồi mang vào chỗ người vợ đang đau buồn vì mất con.

    Đứa bé khát sữa liền bú no căng, không còn khóc. Còn Ksor Dyoang mừng rỡ đặt tên con là Nay Djruêng, ông không quên chuẩn bị heo, bò… để nộp phạt vạ cho dân làng.

    [​IMG]
    Những nét chữ hình thành dưới đôi tay tật nguyền vì chất độc da cam. Ảnh: Tùy Phong.

    Sinh ra đã là đứa trẻ chịu nhiều bất hạnh khi cơ thể khiếm khuyết, suốt thời thơ ấu, Nay Djruêng chỉ quanh quẩn trong nhà sàn. Khi cha mẹ lên rẫy, mình Nay Djruêng ở nhà vừa chăm sóc bản thân, vừa trông nom heo, gà. Bạn bè cũng chẳng có bởi không có đứa trẻ nào thích chơi với một đứa bé “quái dị”. Hàng ngày, nhìn thấy những đứa trẻ cùng trang lứa xung quanh được bố mẹ cho đi học, Nay Djruêng khát khao lắm, em bỗng nghĩ tại sao mình không đi học.

    Một hôm, cậu bé lăn mình đến nơi cha đang nghỉ nói: “Ama (cha) ơi, con muốn đi học!”. Trước lời đề nghị bất ngờ của đứa con trai tội nghiệp, Ksor Dyoang lặng người ngạc nhiên. Ông nghĩ rằng đến đứa trẻ bình thường trong làng còn không thích đến trường huống chi là như con mình.

    Suy nghĩ một hồi rồi ông xoa đầu con đáp: “Được rồi Ama sẽ đến trường xin cho con đi học. Nhưng con có theo được cái chữ không? Để biết được cái chữ khó lắm đấy, bao nhiêu đứa trẻ làng mình có chịu đi học đâu”. Người cha kể rằng khi ấy Nay Djruêng đã ngẩng mặt lên nhìn cha thật lâu và buông một câu chắc nịch: “Ama đừng lo, con sẽ cố gắng đi học, con học giỏi được cái chữ cho Ama xem”.

    Ksor Dyoang vừa lo âu lại vừa khấp khởi vui mừng. Mừng bởi nghĩ rằng Nay Djruêng tuy khiếm khuyết tay chân nhưng cái đầu thì lại thông minh biết nghĩ. Còn lo vì thằng bé không có ngón tay, cũng chẳng có bàn chân thì học bằng cách nào? Vì tình thương vô bờ bến đối với đứa con trai, Ksor Dyoang đã chuẩn bị sách vở và cõng cậu bé đến Trường Tiểu học Krông Năng nhờ các thầy cô giáo dạy cho con mình cái chữ.

    Mơ ước “nhỏ nhoi” của Nay Djruêng đã trở thành hiện thực, em háo hức chuẩn bị cho buổi đi học đầu tiên. Buổi sáng hôm ấy, cậu bé được cha cõng đến trường trong tâm trạng vô cùng vui sướng và hồ hởi. Tại trường, cậu học trò Nay Djruêng trở thành tâm điểm chú ý của mọi người như một “vật thể lạ”. Cậu học trò Nay Djruêng đã dần làm quen cùng bạn bè trong lớp học và tập thích nghi rồi vượt qua dần những khó khăn ban đầu.

    Kể từ đó, cuộc sống của Nay Djruêng đã thay đổi hẳn, không còn những ngày buồn tẻ chỉ biết lủi thủi ở một xó nhà sàn, em chuyên tâm vào việc rèn luyện chữ, đọc sách. Không có ngón tay, Nay Djruêng kẹp bút vào giữa 2 cùi tay chăm chỉ tập viết. Không có bàn chân để chạy nhảy, vui đùa, đi lại nhưng song em vẫn tự khắc phục để đến trường, những ngày không có cha đưa đón Nay Djruêng đã tự mình trườn trên con đường đất đồi dốc để đến lớp. Sau này, khi được tặng đôi chân giả, việc đi học của Nay Djruêng phần nào đỡ cực hơn.

    Ý chí và nghị lực phi thường cộng thêm niềm đam mê con chữ đã khiến em vượt qua tất cả để đến trường, tin tưởng và yêu cuộc sống xiết bao. Với những đứa trẻ khác trong buôn làng, có thể đi học là không quan trọng lắm nhưng với Nay Djruêng thì lại là nơi khám phá ra một chân trời mới, em háo hức không muốn ngơi nghỉ ngày nào. Nay Djruêng sống rất hòa đồng với bạn bè, học giỏi 2 môn Toán và họa.

    Ksor Dyoang hân hoan khi nhắc đến cậu con trai: “Khi chưa đi học, Nay Djruêng chỉ quanh quẩn ở chân cầu thang, rất ngại tiếp xúc với mọi người. Thế nhưng bây giờ Nay Djruêng đã có nhiều bạn bè và quan trọng hơn, nó còn biết viết, biết đọc cái chữ, biết làm phép tính nữa”.

    Không những là niềm tự hào của gia đình mà Nay Djruêng còn là niềm tự hào của các thầy cô giáo. Các giáo viên nhận xét: "Với lực học khá, chăm ngoan, năm học nào Nay Djruêng cũng nhận được giấy khen của nhà trường. Chúng tôi rất tự hào khi được đào tạo một học trò với ý chí mạnh mẽ như vậy".

    Cậu còn có tài hát hay. Em đã rất nhiều lần được đi Hà Nội, Lạng Sơn, Cao Bằng, rồi vào tận Nam hát và được giấy khen. Ngoài việc học, lúc ở nhà rỗi rảnh, em thường phụ cha mẹ những việc nhẹ như quét nhà, nấu cơm, giặt quần áo. Đôi lúc em còn tự trồng cây, hoa quanh nhà, miệng luôn hát những bài ca tin yêu cuộc sống.

    Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học vừa qua, Nay Djruêng đạt kết quả tổng cộng 30 điểm. Em đang ở Quy Nhơn (Bình Định) dự thi đại học tại điểm thi trường chuyên Lê Quý Đôn.

    Tùy Phong

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Kỳ tích vượt lời nguyền luật tục của cậu bé 'da cam'

Share This Page