Nam giới ít vận động sẽ có nguy cơ mắc ung thư ruột kết cao hơn những người năng động là 61%. Điều này cũng có nghĩa, thói quen ít vận động có thể “đóng góp” 160 triệu đôla mỗi năm vào chi phí chữa trị ung thư trên toàn thế giới. Đây là kết quả nghiên cứu vừa được công bố bởi GE Healthcare - một công ty của Mỹ. Nghiên cứu tìm hiểu mối liên hệ giữa 4 thói quen xấu gồm: hút thuốc, uống rượu, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học và ít vận động với 3 loại bệnh ung thư: vú, phổi và ruột kết. Trong đó, những người ít vận động là người chỉ luyện tập thể dục 1-3 lần/ tháng, thay vì 3-4 lần/tuần theo một chế độ hợp lý, hay những người làm việc trong môi trường ít vận động và ngồi hơn 6 tiếng mỗi ngày. Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học được định nghĩa là tiêu thụ nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẵn và ít chất xơ. Sử dụng các chất cồn là sử dụng đồ uống có ít nhất 60g cồn nguyên chất trở lên với tần suất ít nhất 1 lần/ tuần. Ảnh minh họa: Active. Nghiên cứu được thực hiện vào tháng 5-6/2013 tại 10 quốc gia gồm: Braxin, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Ảrập Xêút, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ. Kết quả cho thấy, việc sử dụng thuốc lá có liên quan mật thiết tới sự hình thành và phát triển của ung thư phổi. Bên cạnh đó, những thói quen tiêu cực khác như ít vận động, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học dẫn tới hậu quả thừa cân, cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Một nửa những ca ung thư dẫn đến tử vong có thể được ngăn ngừa bằng cách tạo ra những thói quen lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc, ăn uống điều độ, chăm chỉ vận động và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, những thói quen xấu tiếp tục diễn ra rất phổ biến ở tất cả những quốc gia được nghiên cứu. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những thói quen và lối sống tiêu cực có thể khiến chi phí chữa ung thư tại 10 quốc gia này tăng thêm gần 34 tỷ đôla mỗi năm. Nếu giảm thiểu các thói quen này, hệ thống y tế toàn cầu có thể tiết kiệm lên tới 25 tỷ đôla. Khảo sát cũng chỉ ra rằng, về vấn đề lười vận động, Ảrập Xêút và Anh đứng ở vị trí cao nhất. Gần 69% người dân Ảrập và 63% người dân Anh trên 18 tuổi có thói quen ngồi một chỗ, trong khi người Ấn Độ chỉ là gần 16% và người Đức là 28%. “Cái giá mà thế giới phải trả cho những thói quen tiêu cực được công bố trong nghiên cứu này quả thực đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy đó chính là động lực để chúng ta xem xét và điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày. Số liệu này đã nhấn mạnh được tầm quan trọng của chiến dịch GetFit- Luyện tập vì một cơ thể khỏe mạnh”, ông John Dineen, Chủ tịch và CEO của GE Healthcare cho biết. Phương Trang - Lê Phương Nguồn VNExpress