Nhiều người sai khi dùng thực phẩm chức năng để chữa bệnh

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Jul 4, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 303)

    Hiện hơn một nửa số dân ở Hà Nội sử dụng thực phẩm chức năng, nhưng có tới 2/3 dùng sai, để chữa bệnh, trong khi loại sản phẩm này không có tác dụng đó.


    Phó giáo sư Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, thực phẩm chức năng đã xuất hiện ở Việt Nam từ 10 năm trước. Tính đến cuối năm 2012, cả nước có gần 2.000 cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng này và hơn 5.500 sản phẩm đang lưu hành.

    [​IMG]
    Ảnh minh họa: Abcnews.go.com.

    Khảo sát của Cục An toàn thực phẩm năm 2011 cho thấy, tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, có hơn 50% số người lớn sử dụng thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, phần đông người tiêu dùng trong nước vẫn chưa nhận thức được đúng công dụng của loại sản phẩm này.

    "Thực phẩm chức năng không phải là thuốc và không thể dùng chữa bệnh. Sản phẩm nào được quảng cáo là dùng trị bệnh là hoàn toàn sai và cần phải cảnh giác", phó giáo sư Trần Đáng nói.

    Ông cho hay thực phẩm chức năng khác thuốc ở 3 điểm:

    Thứ nhất, dựa trên sự công bố trên nhãn. Sản phẩm được sản xuất trong nhà máy dược, theo tiêu chuẩn ngành dược mới được công bố là thuốc. Sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn thực phẩm, bằng quy trình sản xuất thực phẩm là thực phẩm chức năng.

    Thứ hai là dựa trên công nghệ sản xuất. Có thể từ cùng các nguyên liệu nhưng để sản xuất thuốc người ta phải chiết, tách, tổng hợp. Thực phẩm chức năng dùng công nghệ chiết, nghiền, giữ nguyên thành phần, không tách, không tổng hợp, gần với việc sản xuất thuốc đông y hơn.

    Thứ ba là về thành phần. Thực phẩm chức năng có nhiều thành phần. Thuốc chỉ có 1-2 thành phần, có tác dụng với một bệnh cụ thể nào đó.

    Thứ tư là dựa trên tác dụng. Thuốc có tác dụng tập trung chữa một bệnh cụ thể. Thực phẩm chức năng tăng cường sức khỏe chung là chủ yếu, hoặc có một số loại có tác dụng với một bệnh nào đó, nhưng chỉ mang tính chất hỗ trợ.

    Thứ năm là điều kiện phân phối: Thuốc chữa bệnh phải theo một quy trình nghiêm ngặt, chặt chẽ theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước. Thực phẩm chức năng thì được phân phối tự do hơn.

    Ông Đáng cho hay, thực phẩm chức năng có khả năng hỗ trợ điều trị nhờ 3 cơ chế: Tăng cường sức khỏe chung; Có thể chứa các hoạt chất tác động trực tiếp vào yếu tố gây bệnh, ví dụ như hoạt chất kháng sinh, chống viêm, chống u trong các cây cỏ, nhưng không có tác dụng chống lại bệnh mà chỉ hỗ trợ thêm; Tăng hiệu quả hoặc làm giảm tác dụng phụ của thuốc tân dược.

    "Khi bạn đang cảm cúm thì bát cháo gà rau thơm có tác dụng giảm nhiệt, tăng sức khỏe và giúp nhanh khỏi bệnh hơn, chứ không thể chữa bệnh cho bạn được. Thực phẩm chức năng cũng vậy", ông Đáng so sánh.

    Trong thực tế, 2/3 số người sử dụng thực phẩm chức năng là để chữa bệnh, từ máu nhiễm mỡ đến cao huyết áp, ung thư, xương khớp... Lý do có thể do người dân còn chưa nhận thức đầy đủ về loại sản phẩm này. Tâm lý của người Việt hay chữa bệnh theo lời mách, truyền miệng. Những người đi tuyên tuyền, bán hàng đã nói không đúng về sản phẩm, quảng cáo nói quá trên các phương tiện truyền thông.

    Một điều nữa là giá thực phẩm chức năng ở Việt Nam hiện rất cao. Theo phó giáo sư Đáng một trong những lý do là mặt hàng này phần lớn là nguồn nhập khẩu, với mức thuế bị đánh là 30-35%. Ngoài lý do bản thân việc sản xuất thực phẩm chức năng cũng đòi hỏi các công nghệ cao, thiết bị hiện đại thì cũng một phần do các nhà kinh doanh muốn lợi nhuận lớn lên thổi giá lên.

    Không những thế, hiện nay, nhiều công ty làm ăn chộp giật, đi đến các làng quê quảng cáo phóng đại về sản phẩm, mượn hình thức khám bệnh bằng các máy móc không được cấp phép, sau đó bán thực phẩm chức năng với giá rất cao. "Vấn đề này cần các cơ quan quản lý vào cuộc", ông Đáng nói.

    Để lựa chọn sản phẩm hợp lý, Hiệp hội thực phẩm chức năng khuyên người tiêu dùng thực hiện 5 bước:

    - Đánh giá tình trạng sức khỏe bản thân, qua việc khám, xét nghiệm cụ thể.

    - Xác định mục đích sử dụng: Bạn chỉ muốn tăng cường sức khỏe hay muốn hỗ trợ giảm mỡ máu, giảm huyết áp...

    - Lựa chọn sản phẩm thích hợp.

    - Dùng đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

    - Đánh giá hiệu quả: Thực phẩm chức năng không phải thuốc nên không có hiệu quả ngay mà thường phải sử dụng kéo dài, thường là phải 1-6 tháng mới thấy tác dụng, nếu không thấy cải thiện, không nên dùng tiếp.

    Đặc biệt, trước khi dùng nên được tư vấn bởi các nhà chuyên môn, thầy thuốc, nhất là những người đang bị bệnh. Không như nhiều người tưởng là thực phẩm chức năng hoàn toàn "lành", không có bất cứ tác dụng phụ nào. Thực tế, ngay cả các loại thực phẩm như tôm, cua, cá... đều có thể gây dị ứng cho một số người. Theo ông Đáng, có khoảng 1% người dùng thực phẩm chức năng bị phản ứng tiêu cực, do cơ địa.

    Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trung tâm từng tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhân bị dị ứng thực phẩm chức năng. Theo bác sĩ, thực phẩm chức năng có nguồn gốc thực vật, cũng có nguy cơ gây dị ứng, tác dụng phụ cho người dùng như nhiều loại thực phẩm khác, nhất là những thứ vốn xa lạ với cơ thể người.

    Hơn nữa, trừ một số ít loại đã được chứng minh tính hữu dụng bằng các nghiên cứu khoa học, hiện nay nhiều loại thực phẩm chức năng đang mập mờ giữa tác dụng hỗ trợ điều trị và điều trị, khiến không ít người bệnh bỏ thuốc dùng thực phẩm chức năng, rất nguy hiểm.

    Bác sĩ Trường đồng quan điểm với phó giáo sư Trần Đáng rằng người dân không nên tùy tiện sử dụng thực phẩm chức năng theo cảm tính, truyền miệng, phải được hướng dẫn đầy đủ, có sự tư vấn của bác sĩ.

    Ngày Hội thực phẩm chức năng quốc tế sẽ diễn ra vào cuối tháng 9 tới tại Triển lãm Việt Nam (Giảng Võ, Ba Đình - Hà Nội).

    Vương Linh

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Nhiều người sai khi dùng thực phẩm chức năng để chữa bệnh

Share This Page