Doanh nghiệp game online VN 'đang bị nước ngoài chèn ép'

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Jul 4, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 438)

    Tại buổi hội thảo về quản lý trò chơi trực tuyến sáng 3/7, lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông (TT&TT) thừa nhận các doanh nghiệp trong nước chưa nhận được sự hỗ trợ thỏa đáng từ Nhà nước, thậm chí còn bị cạnh tranh bất bình đẳng ngay trên sân nhà.


    Ông Nguyễn Văn Hùng, Thanh tra Bộ TT&TT phản ánh, các doanh nghiệp trò chơi trực tuyến tại VN đang bị dồn vào thế chân tường, hoặc chấp nhận ngừng sản xuất kinh doanh, hoặc bắt buộc phải vi phạm quy định của pháp luật để tồn tại. Do đó, một mặt họ tìm cách duy trì lượng người chơi ở các sản phẩm game đã được cấp phép, mặt khác phải tăng lượng khách hàng thông qua các trò chơi mới không được cấp phép. Cá biệt đã có 2 doanh nghiệp game bị khởi tố hình sự vì kinh doanh game không phép.

    [​IMG]
    Chính sách quản lý trò chơi trực tuyến của Bộ TT&TT hiện nay còn nhiều vướng mắc, bất cập và chưa nhận được sự đồng tình của doanh nghiệp.

    Vấn đề đáng báo động tại VN hiện nay là việc một số nhà sản xuất game của nước ngoài sau khi phát hiện tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp Việt đã quyết định chủ động Việt hóa trò chơi, liên hệ với một số cá nhân trong nước thành lập doanh nghiệp mới, cung cấp trực tiếp các trò chơi qua hình thức thu phí thẻ cào, dịch vụ đầu số và thanh toán trực tuyến.

    Theo thống kê của Bộ TT&TT, trên thị trường VN hiện nay có ít nhất 4 doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động, cung cấp hàng chục trò chơi trực tuyến trái phép vào lãnh thổ VN. Họ trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế cũng như sự quản lý nhà nước của VN. "Đây là một thực trạng hết sức nguy hiểm đối với hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến tại VN", ông Hùng khẳng định.

    Thanh tra Bộ cũng thừa nhận, các doanh nghiệp game trong nước đang chịu nhiều thiệt thòi so với các quốc gia khác. Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, quốc gia có nền CNTT và nội dung số phát triển, các công ty hoạt động trong lĩnh vực này đều nhận được sự hỗ trợ lớn của chính phủ về nhân sự, chính sách thuế cùng nhiều ưu đãi khác. Không những thế, doanh nghiệp VN cũng đang phải chịu sự cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài do kẽ hở của pháp luật, gây thiệt hại không nhỏ đến lợi ích của nhà nước, xã hội và chính doanh nghiệp nội địa, làm thất thoát ngoại tệ ra nước ngoài.

    "Chính chúng ta đã tự loại các doanh nghiệp VN ra khỏi thị trường cung cấp dịch vụ game online ngay tại Việt Nam, để các công ty nước ngoài thao túng làm chủ thị trường, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế", lãnh đạo Bộ thẳng thắn nhận định.

    Ông Hùng cho biết thêm, về thực trạng hiện nay, không ít người chơi tham gia các trò chơi trực tuyến tại Việt Nam có nội dung bạo lực, không được giới hạn giờ chơi, không phù hợp độ tuổi. Đa số các game online hiện nay có vòng đời rất ngắn, không thu hút được người chơi, các sản phẩm mới không được cấp phép dẫn đến việc doanh nghiệp game VN rơi vào cảnh bế tắc trong nỗ lực sinh tồn.

    Trong quá trình kiểm tra hầu hết doanh nghiệp phát hành game online trong hai năm 2011 và 2012, Bộ TT&TT đã phát hiện nhiều sai phạm và đã tiến hành xử phạt hành chính 14 doanh nghiệp với tổng số tiền 577 triệu đồng. Có những doanh nghiệp vi phạm nhiều lần vẫn tiếp tục vi phạm. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, được biết 100% các doanh nghiệp phát hành game online tại VN đều có sản phẩm chưa được thẩm định kịch bản, vi phạm quy định pháp luật về quản lý trò chơi trực tuyến.

    Được đánh giá là một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại thị trường game Việt hiệt nay, ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG, đã đưa ra những dẫn chứng thực tế khi Nhà nước siết chặt nhập khẩu game, các trò chơi trực tuyến mới về Việt Nam thậm chí còn nở rộ hơn nhiều lần. Theo ông Minh, nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, cơ quan quản lý không nên siết chặt và kìm hãm sự phát triển một ngành công nghiệp đang tiến rất nhanh như game online mà hãy để tự nó vận động.

    "Bản thân tại các thị trường game online phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Âu Mỹ… doanh nghiệp không phải xin chính phủ cấp phép phát hành game. Thay vào đó, doanh nghiệp được phép tự do đăng ký và vận hành trò chơi. Hiện tại, khi mà chúng ta còn khá mù mờ về các tiêu chuẩn quản lý nội dung thì trên thế giới đã xây dựng rất hoàn thiện từ 30 năm nay. Vậy tại sao chúng ta không sử dụng ngay các hệ thống tiêu chuẩn của họ?", ông Minh đặt vấn đề.

    [​IMG]
    Theo ông Lê Hồng Minh (giữa), Nhà nước nên để ngành game online tự vận động, không kìm hãm sự phát triển của nó.

    Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục quản lý Phát thanh Truyền hình & Thông tin Điện tử, cho biết, hiện nay Bộ TT&TT đang xây dựng Nghị định mới thay thế cho Nghị định 97 ban hành năm 2008 thể theo các kiến nghị của doanh nghiệp trên cơ sở tình hình thực tiễn hiện nay. Nội dung Nghị định mới sẽ tập trung điều chỉnh một số vấn đề chính, trong đó tập trung vào việc ngăn chặn các trò chơi bất hợp pháp ở VN có máy chủ đặt tại nước ngoài; ngăn chặn việc nhập khẩu, in và cài đặt các đĩa game bất hợp pháp.

    Nghị định mới còn quy định việc quản lý người chơi theo độ tuổi và thời gian chơi, trong đó giới hạn tổng thời gian sử dụng trò chơi của mỗi doanh nghiệp đối với mỗi người chơi sẽ không quá 180 phút/ ngày. Việc phân loại trò chơi cũng cần được chú trọng để giúp người chơi có thể lựa chọn cho phù hợp với độ tuổi của mình. Các đại lý Internet cũng cần tuân thủ quy định cung cấp trò chơi trực tuyến từ 8h - 22h hàng ngày và đảm bảo an nình theo quy định của Bộ Công An.

    Bên cạnh đó, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ kiện toàn và thành lập lại Hội đồng xét duyệt kịch bản trò chơi trực tuyến, xem xét cấp phép các trò chơi phù hợp với quy định. Một vấn đề khác hiện được Bộ đặc biệt quan tâm là đấu tranh và xử lý vi phạm các đơn vị phát hành game trái quy định, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trái phép tại VN.

    Bài và ảnh: Hoàng Quân

    Nguồn: VNExpress
     
  2. Facebook comment - Doanh nghiệp game online VN 'đang bị nước ngoài chèn ép'

Share This Page