12 bước đưa PC “lên đỉnh”

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Jul 2, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 521)

    Một cỗ máy có cấu hình tốt chưa chắc đã mạnh nếu bạn không thể đưa nó vào trạng thái hoạt động tốt nhất… Chuyên mục này mang đến cho bạn 12 hướng dẫn để tận dụng hết khả năng chiếc máy tính của mình.


    Vệ sinh thùng máy, bàn phím, màn hình

    [​IMG]
    Bạn có thể lau sạch bụi trong máy chỉ với một vài bước và dụng cụ cơ bản.
    Bạn có luôn giữ máy tính của mình sạch sẽ? Nhiệm vụ đầu tiên cũng là thứ cơ bản nhất. Việc này không chỉ quan trọng ở chỗ mang lại cho bạn một nơi làm việc sạch sẽ, thoải mái và thân thiện hơn, mà còn giúp kéo dài sức bền của thiết bị. Bụi bẩn tích tụ lâu ngày có thể ảnh hưởng đến hoạt động của quạt và khả năng thông khí, dẫn đến việc phần cứng hoạt động nóng hơn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ. Vì vậy, hãy lên kế hoạch vệ sinh máy sau mỗi một thời gian sử dụng.
    Để có thể làm tốt công việc này, hãy chuẩn bị cho mình những dụng cụ tối thiểu sau: tuốc-nơ-vít, máy hút/thổi bụi, khăn và cồn.
    Một khi đã sẵn sàng dụng cụ, hãy tắt máy tính, rút phích cắm và đưa máy đến chỗ có không gian rộng rãi để dễ dàng thao tác. Hãy tìm các ốc vít ở mặt sau thùng máy, vốn làm nhiệm vụ giữ mặt bên của thùng. Tháo các ốc vít đó - và nhớ cất nó vào một nơi dễ tìm - tháo rời tấm chắn bên hông máy, thường được thao tác bằng cách đẩy nắp hông về phía sau và kéo ra. Nếu bạn đã không làm vệ sinh máy trong một thời gian dài, chắc chắn bạn sẽ thấy một cơ man bụi bẩn bám đầy ở phía trong.
    Phần trung tâm tập trung nhiều bụi bẩn nhất phía trong máy chính là trên các cánh quạt và lỗ thông khí ở nắp sau. Bạn có thể dễ dàng lấy đi một phần lớn lượng bụi này bằng cách dùng khăn lau phần cánh quạt và lỗ thông khí. Sau đó, hãy dùng máy hút/thổi bụi để làm sạch từng chi tiết còn bám bụi. Tuy nhiên, trong quá trình này, hãy cẩn thận: Nếu bạn sử dụng chiếc máy hút/thổi quá mạnh, luồng gió của máy sẽ khiến cánh quạt quay, đôi khi quá tốc độ cho phép của nó dẫn đến hư hỏng. Vì vậy, hãy chạy máy hút bụi theo từng đợt ngắn, hoặc dùng tay giữ cánh quạt của máy tính lại trong quá trình thao tác này.
    Kế đến là công việc vệ sinh bàn phím, hãy bắt đầu bằng việc rũ bỏ các loại vụn bẩn bằng cách lật úp bàn phím và lắc thật mạnh một vài cái. Công đoạn này sẽ nhắc nhở rằng bạn đã ăn vặt và hút thuốc nhiều thế nào mỗi khi ngồi bên chiếc máy tính. Sử dụng máy hút/ thổi bụi để làm sạch các cặn bẩn còn lì lợm bám lại bên dưới các phím bấm, sau đó lại tiếp tục quá trình “lật và lắc” như lúc đầu. Nếu bạn đang sử dụng bàn phím cơ, công đoạn làm sạch sẽ dễ hơn khi bạn có thể gỡ các phím bấm ra khỏi bàn phím (nhưng hãy lưu ý rằng công đoạn gắn phím lại sau đó có thể sẽ khá tốn công sức và thời gian).
    Nếu bàn phím của bạn bị bụi bẩn lâu ngày bám chặt và che mờ mặt chữ, hãy sử dụng khăn tẩm cồn và chà mạnh lên bề mặt. Tiện thể, hãy làm vệ sinh con chuột trong công đoạn này. Hãy chăm sóc kỹ phần thường xuyên tiếp xúc với với tay (phím trái/phải và con lăn) vì những phần này thường có xu hướng bám dầu và có cặn bẩn bám khá cứng. Lật con chuột lên và làm sạch phần cặn bẩn bám chặt ở bề mặt tiếp xúc của chuột với mặt bàn, hãy chắc chắn rằng không có bụi bẩn bám phía trong cảm biến quang của con chuột.
    Phần cuối cùng là công đoạn vệ sinh màn hình. Tuy khăn giấy khá hữu dụng trong hầu hết trường hợp, tuy nhiên hãy hạn chế sử dụng nó để lau màn hình, vì chất liệu này có thể gây nên những vết xước không đáng có. Thay vào đó, hãy sử dụng loại vải trơn, loại thường đi kèm khi bạn mua các loại kính mát, kính thuốc… Ngoài ra, bạn còn thể mua các loại vải lau đa năng có đặc tính bám bụi tốt được bán khá nhiều trong các cửa hàng tiện lợi để sử dụng cho màn hình. Trong trường hợp bạn không có sẵn dung dịch lau màn hình, hãy trộn một ít giấm với nước và sử dụng, sẽ mang lại tác dụng khá tốt cho công đoạn này.
    Sao lưu dữ liệu

    [​IMG]
    CrashPlan mang lại giải pháp sao lưu dữ liệu.
    Các hướng dẫn được giới thiệu trong chuyên mục này không được xếp thứ tự theo tầm quan trọng. Tuy nhiên, nếu phải sắp xếp, thì đây chính là công đoạn quan trọng nhất mà bạn cần phải làm. Máy tính của bạn không phải là bất khả xâm phạm, đó là điều chắc chắn. Ổ cứng lưu trữ dữ liệu của máy có thể hỏng hóc bất cứ lúc nào, đôi khi vì tai nạn, đôi khi bỗng lăn ra hỏng đơn giản bởi nó đã “đến thời” hoặc bị mất trôm, hoặc hư hỏng vì động đất, sóng thần, ngập lụt, cháy nhà… (và đủ thứ tai ương khác trên đời). Tất nhiên, ổ cứng lưu trữ hoàn toàn có thể thay thế được, nhưng dữ liệu bên trong đó - từ các loại tài liệu tuyệt mật của công ty cho đến các bức ảnh gia đình - là không thể có lại được. Nếu bạn không muốn đứng trước tình cảnh bất thần nhận ra rằng mình vừa đánh mất một thứ gì đó rất quan trọng, bạn cần phải lên kế hoạch sao lưu từ sớm. Và đây là cách mà bạn có thể làm để tự bảo vệ mình, ngay từ bây giờ.
    Đầu tiên, bạn cần có một phần mềm sao lưu. Hiện tại có rất nhiều lựa chọn tốt dành cho người dùng - như phần mềm Carbonite hay Mozy chẳng hạn - nhưng trong bài viết này giới thiệu đến bạn giải pháp của CrashPlan (www.crashplan.com), vốn hoàn toàn miễn phí và mang lại cho người dùng đầy đủ các tính năng sao lưu. Đầu tiên, bạn cần phải tải chương trình CrashPlan về từ trang chủ của nó và cài đặt vào máy tính. Khi khởi động chương trình, bạn sẽ nhận thấy quá trình sao lưu dữ liệu là hoàn toàn đơn giản: Chọn file hoặc folder cần sao lưu, sau đó chọn điểm đến và nhấn Start Backup để tiến hành quá trình sao lưu dữ liệu.
    Giải pháp đơn giản nhất mà CrashPlan mang lại là sao lưu dữ liệu vào một phân vùng khác trên ổ cứng, đến thiết bị lưu trữ ngoại vi hoặc vào một máy tính khác của bạn. Giải pháp này mang lại sự nhanh chóng và dễ dàng cho quá trình sao lưu nhưng vẫn có những nguy cơ nếu bạn gặp phải mất mát trên diện rộng (bị mất trộm chẳng hạn). Vì vậy, hãy chọn cấp độ sao lưu cao hơn: đến các nơi lưu trữ ngoại vi.
    CrashPlan cũng mang lại giải pháp sao lưu ngoại vi cho người dùng. Bạn có thể mã hóa dữ liệu và sao lưu chúng đến máy tính của người bạn hoặc người thân khác - khi người đó cùng sử dụng CrashPlan và có đủ không gian lưu trữ để chứa dữ liệu backup. Mặt khác, bạn có thể lựa chọn sao lưu dữ liệu với dịch vụ trực tuyến của CrashPlan với giá 33 USD/năm cho 10 GB dung lượng lưu trữ hoặc 60 USD/năm cho gói không giới hạn dung lượng. Và, dù cho bạn có sử dụng tính năng sao lưu offline hay online thì chế độ tự động backup của CrashPlan vẫn mang lại sự tiện lợi trong việc quản lý.
    Phòng chống malware
    Nếu bạn là người dùng máy tính có nhiều kinh nghiệm, có thể, bạn sẽ nảy sinh những sơ hở bắt nguồn từ sự quá tự tin của chính mình, chẳng hạn như: “Tôi không cần dùng đến phần mềm ngừa virus làm gì, bởi tôi chẳng bao giờ mở các tập tin đính kèm có nghi vấn và luôn tránh xa các website chưa được xác minh” hoặc “Tôi đã chẳng gặp phải bất cứ malware nào trong nhiều năm rồi”. Và cho dù có như vậy, máy tính của bạn vẫn có nhiều nguy cơ lây nhiễm.
    Lỗ hổng bảo mật của Java xảy ra hồi tháng 1/2013 cho thấy, cho dù bạn không làm điều gì đủ hớ hênh để máy tính bị nhiễm virus, thì chỉ một lây nhiễm cũng đủ để bạn phải hối hận với việc không bỏ ra một vài phút để cài đặt bức tường chống virus cho bộ máy của mình. Và nếu bạn vẫn chưa tự bảo vệ máy tính của mình cho đến lúc đọc bài viết này, hãy nhanh chóng làm nó.
    Câu hỏi lớn được đặt ra ở đây là liệu nên xài chương trình chống virus miễn phí hay có trả phí. Những chương trình có trả phí sẽ mang lại cho bạn những sự bảo vệ chặt chẽ nhất và thường có những công cụ hữu ích như tường lửa hoặc tính năng hỗ trợ trực tuyến. Tuy nhiên, nếu bạn làm theo những hướng dẫn cơ bản, của bất cứ chương trình chống virus miễn phí nào trên Internet, kết hợp với chức năng Windows Firewall thì đó cũng đủ là một tấm lá chắn cho máy tính của bạn.
    Khá dễ để lựa chọn chương trình chống virus miễn phí, hãy bắt đầu bằng phần mềm AVG Antivirus Free. Các thử nghiệm trước đây cho thấy bộ phần mềm chống virus AVG mang lại công cụ quét và diệt virus đỉnh cao, trong khi đó, phiên bản miễn phí cũng mang đầy đủ các tính năng, bao gồm tính năng bảo vệ trong email, hyperlink và tập tin tải về. Bạn sẽ chỉ tốn vài phút để dựng nên tấm lá chắn AVG - đơn giản là tải bộ cài về từ địa chỉ free.avg.com, chạy bộ cài và để nó tự động làm việc của nó - chỉ cần ghi nhớ bỏ chọn cài đặt AVG Secure Search và Security Toolbar để tránh có thêm các phần mềm không mong muốn.
    Sau khi cài đặt, chương trình sẽ yêu cầu bạn thực hiện tổng quét trên máy tính. Nếu PC của bạn nhiễm bất cứ malware nào, AVG sẽ cô lập nó và đề nghị loại bỏ file khỏi máy. Qua công đoạn này, bạn có thể để chương trình chạy nền, chức năng tự động cập nhật hàng ngày và quét virus hàng tuần được bật mặc định. Bạn có thể thay đổi tần suất thực hiện các tác vụ này bằng cách truy cập theo đường Options >>> Advanced Settings >>> Schedules.

    Cập nhật phần mềm

    [​IMG]
    AVG Anti-Virus Free có thể bảo vệ máy tính khỏi nhiều mối đe dọa.
    Các loại phần mềm không phải là rượu, phải để lâu mới ngon. Ngược lại, chúng là thứ sôcôla sữa rất tuyệt vời trong thời gian đầu nhưng lại khiến bạn phát bệnh nếu trải qua thời gian lâu dần. Hơn nữa, các phần mềm cũ sẽ là mối đe dọa về anh ninh khi kẻ xấu có thể lợi dụng các lỗ hổng bảo mật để xâm nhập hệ thống của bạn. Mặt khác, sử dụng một phần mềm đã cũ đồng nghĩa với việc bạn sẽ không thể tận hưởng được các tính năng mới mà các nhà phát triển đã dày công làm nên.
    Hãy tải về và cài đặt công cụ Secunia Personal Software Inspector (go.pcworld.com/secunia) để có thể dễ dàng quét và phát hiện các phần mềm cần được cập nhật mới. Sau khi cài đặt, Secunia PSI sẽ hỏi bạn muốn làm gì khi nó phát hiện được các phần mềm phiên bản cũ, bạn có thể lựa chọn việc cập nhật thủ công, tuy nhiên, tốt nhất hãy để Secunia PSI tự động cập nhật mới.
    Sau đó, hãy chọn lệnh Scan. Khi kết thúc quá trình này, bạn sẽ nhận được một báo cáo về tất cả các phần mềm có trong máy, kèm theo đó là những thông tin nếu phần mềm đó đã là phiên bản cũ. Secunia PSI có thể giúp bạn tự động cập nhật một số phần mềm (và nếu bạn đã nhấn chọn “Tự động cập nhật” ở giai đoạn trước đó, thì PSI cũng đã tải về các bộ cài đặt mới nhất trong quá trình quét), trong khi có một số phần mềm khác đòi hỏi bạn phải tự cập nhật thủ công. Ở bên dưới các phần mềm không hỗ trợ tự động cập nhật, bạn sẽ tìm thấy phím “Click to update” sẽ chuyển hướng bạn đến trang tải về bản update mới nhất của phần mềm đó.
    Theo thiết lập mặc định, Secunia PSI sẽ khởi động cùng hệ thống, chạy nền, quan sát và nhắc nhở bạn cập nhật mới các phần mềm cũ (nếu có) vào mỗi tuần. Nếu bạn đang chạy hệ điều hành Windows có bản quyền, hãy sử dụng chức năng Windows Update. Trong Windows 8, truy cập menu Setting ở thanh bên phải, chọn Change PC Settings >>> Windows Update. Trong Windows 7 và Vista, hãy nhấn Start >>> All Program >>> Windows Update >>> Change Settings.
    Quản lý các tập tin
    Đối với nhiều người, việc để các tập tin lộn xộn và ngoài tầm kiểm soát là điều thường xuyên xảy ra. Đôi khi, người ta muốn tiết kiệm một chút thời gian bằng cách lưu các tập tin vào thư mục Documents hoặc trong ổ C, hoặc trên màn hình desktop với ý nghĩ rằng sẽ sắp xếp chúng lại vào một lúc khác. Bạn có thể làm chúng ngay bây giờ, hoặc không bao giờ.



    Có nên chạy tác vụ chống phân mảng?

    [​IMG]
    Disk Defragmenter tự động chạy mỗi tuần 1 lần trong các phiên bản Windows mới.
    Nếu bạn đã sử dụng máy tính và hệ điều hành của mình trong thời gian hơn 1 năm, chắc chắn bạn sẽ nghĩ đến việc thường xuyên chạy tác vụ chống phân mảng (defragment) cho máy. Tác vụ này sẽ củng cố các dữ liệu có trong máy, giúp việc đọc - ghi - truy cập dữ liệu trở nên nhanh hơn. Và đây cũng là một trong những hướng dẫn “kinh điển” dành cho người dùng máy tính.
    Nếu bạn đang chạy hệ điều hành Windows 7, 8 hoặc Vista, hệ điều hành sẽ tự động cchạy tác vụ chống phân mảng mỗi tuần 1 lần. Hãy tìm chữ “Disk Defragment” trong menu/ màn hình Start và nhấp vào kết quả tìm kiếm nếu bạn muốn biết về lịch trình tự động chạy tác vụ này. Nếu bạn vẫn còn đang sử dụng Windows XP, bạn buộc phải chạy thủ công tác vụ này bằng cách truy cập theo hướng Start >>> All Programs > Accessories >>> System Tools >>> Disk Defragmenter).
    Tuy nhiên, khi máy tính mà bạn đang dùng sử dụng ổ lưu trữ dữ liệu thế rắn SSD (Solid-State Drive), hãy nhanh chóng tắt chức năng tự động chống phân mảng này đi. Các dữ liệu bị phân mảng không ảnh hưởng (làm chậm) tốc độ của SSD bởi cách lưu trữ, đọc và ghi của loại ổ đĩa này rất khác so với HDD. Và bởi vì SSD có số vòng ghi (số lần ghi - xóa dữ liệu) nhất định nên hầu hết các nhà sản xuất loại phần cứng này đều khuyến cáo người dùng rằng tác vụ chống phân mảng sẽ có thể làm giảm tuổi thọ của SSD.
    [​IMG]
    Revo Uninstaller giúp dọn dẹp các dữ liệu rác.
    Đầu tiên, bạn cần tải về công cụ DropIt (go.pcworld.com/dropit) . Hãy tưởng tượng rằng mình có 1 chiếc “thùng rác ma thuật“ , và bất cứ thứ gì bạn quăng vào đó cũng sẽ lập tức được đưa đến đúng chỗ của nó. Điều đó sẽ giúp việc sắp xếp và quản lý mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Công việc của bạn đơn giản chỉ là đi loanh quanh và hốt mọi thứ để quẳng vào “chiếc thùng“ đó.
    Công cụ này sẽ đặt 1 biểu tượng trên màn hình của bạn và tự động phân loại tất cả các tập tin mà bạn bỏ vào đó dựa trên các quy luật mà bạn đã định trước. Khi chạy chương trình, bạn sẽ thấy biểu tượng chiếc hộp màu xanh có dấu mũi tên trên màn hình desktop. Nhấp chuột phải vào biểu tượng này và nhấn vào phím Associations, một menu sẽ mở lên cho phép bạn tạo ra các quy luật ; chẳng hạn như các tập tin có đuôi .jpg hoặc .png sẽ được di chuyển vào thư mục Pictures. Việc cài đặt các loại tập tin và quy luật như trên sẽ tốn 1 ít thời gian nhưng 1 khi bạn đã hoàn thành nó thì việc quản lý dữ liệu của bạn sẽ trở nên vô cùng đơn giản.
    Sau khi bạn đã cài đặt và thiết lập DropIt, hãy bắt đầu quá trình dọn dẹp, điểm đầu tiên là màn hình desktop. Thông thường màn desktop là nơi để bạn lưu trữ tạm thời các tập tin mà mình đang làm - việc để các dữ liệu, biểu tượng, đường tắt lộn xộn trên đó sẽ khiến bạn mất thời gian mỗi khi phải tìm kiếm. Menu Start và thanh Taskbar là nơi lý tưởng để lưu các loại đường tắt truy cập đến các phần mềm hoặc tập tin mà bạn thường xuyên sử dụng. Các thư mục khác thường hay bị lộn xộn là thư mục Documents, ổ C và thư mục Downloads.
    [​IMG]
    TrueCrypt bảo vệ các thông tin nhạy cảm trong một "chiếc két sắt" an toàn.
    Nếu bạn bạn đang sử dụng hệ điều hành Windows 7 hoặc 8, hãy tận dụng tính năng Libraries. Tính năng này giúp người dùng quản lý dữ liệu khá tốt ngay cả khi các dữ liệu đó không ở cùng 1 thư mục.
    Dọn dẹp “rác”
    Trong quá trình sắp xếp lại dữ liệu, chắc chắn bạn sẽ gặp 1 vấn đề khác. Bạn có quá nhiều tập tin, tài liệu, ứng dụng cũ và vô dụng chiếm chỗ trong ổ cứng. Chắc chắn bạn sẽ muốn tống khứ chúng đi, tuy nhiên, những thứ mà bạn vừa thấy đó chỉ là bề nổi của tảng băng. Bước tiếp theo sẽ là công đoạn rà soát thiệt để tất cả những dữ liệu có trong ổ cứng.
    Hãy thử sử dụng SpaceSniffer (go.pcworld.com/spacesniffer) , 1 phần mềm miễn phí sẽ đánh giá tất cả các dữ liệu trong máy tính và hiển thị cho bạn thấy kích thước của thư mục dữ liệu đó trên ổ cứng. 1 lần quét toàn diện sẽ chỉ tốn từ 5 đến 30 phút tùy theo dung lượng và tốc độ của ổ cứng lưu trữ nhưng sẽ mang lại cho bạn báo cáo chi tiết về tất cả những dữ liệu đang có trong máy tính.
    Việc xóa bỏ các tập tin là điều đơn giản nhưng đối với các chương trình, phần mềm cũ lại tương đối phức tạp hơn. Sử dụng phần mềm PC Decrapifier (go.pcworld.com/pcdecrapifier) sẽ giúp bạn nhanh chóng gỡ bõ nhiều ứng dụng cùng lúc nếu mà bạn muốn có 1 cuộc can thiệp sâu. Ngoài ra Revo Uninstaller (go.pcworld.com/rovouninstaller) cũng là 1 công cụ hữu ích trong trường hợp bạn vừa gỡ bỏ 1 ứng dụng nào đó nhưng vẫn thấy nó còn chiếm chỗ trong ổ cứng. Revo Uninstaller sẽ báo cáo chi tiết các phần mềm có trên máy tính và cho phép bạn gỡ bỏ thủ công các ứng dụng này; sau đó nó sẽ quét trên thư mục Registry để xóa hết các tàn dư mà những ứng dụng này có thể để lại.
    Sau khi hoàn thành hết tất cả các công đoạn dọn dẹp như trên hãy chạy 1 chương trình cleaner tự động như CCleaner (go.pcworld.com/ccleaner) để xem bạn có bỏ lỡ thứ gì không. CCleaner sẽ quét những nơi thường xuyên chứa tập tin rác, như các tập tin log khi truy cập Internet, và xóa hết chúng đi. Công đoạn này nhiều khả năng sẽ giúp bạn tiết kiệm được cả gigabyte dữ liệu.
    Bạn có thể làm tất cả những bước trên và hãy luôn luôn chắc chắn rằng mình hiểu rõ thứ sẽ được xóa trước khi lập lệnh. Giải phóng 1 chút không gian lưu trữ trên ổ cứng không đáng để bạn phải đối mặt với nguy cơ làm mất 1 tập tin quan trọng của hệ điều hành hoặc 1 tài liệu đáng giá nào đó.

    Mã hóa dữ liệu cá nhân

    [​IMG]
    KeePass giúp việc quản lý mật khẩu trở nên dễ dàng hơn.
    Cuộc sống của bạn gắn liền với máy tính nhiều đến thế nào? Bạn có lưu trữ các tài liệu quan trọng như hóa đơn y tế, thông tin tài khoản, sao kê ngân hàng hay bất kể tài liệu nào khác mà không muốn bất cứ ai khác có thể truy cập được? Điều này không có nghĩa rằng bạn không nên lưu trữ các tài liệu đó trên máy tính, ngược lại, đó lại là cách tốt nhất để bạn có thể quản lý tất cả chúng - với một kế hoạch bảo mật cụ thể. Bạn có thể lựa chọn cách mã hóa các loại dữ liệu này để đặt chúng trong tình trạng bảo an tốt nhất, ngay cả khi chúng có vô tình lọt được vào tay của một người nào khác.
    Bước đầu tiên, hãy tập hợp tất cả các tập tin mà bạn cho là nhạy cảm - thông tin tài chính, hợp đồng… hoặc bất cứ thứ gì mà bạn không muốn cho người khác biết đến - và bỏ chúng vào chung trong một thư mục. Tất nhiên, bạn có thể sắp xếp các dữ liệu này vào nhiều thư mục con trong một thư mục chính.
    Tiếp theo, hãy tải về và cài đặt ứng dụng TrueCrypt (www.truecrypt.org), loại phần mềm mã hóa mã nguồn mở được cung cấp miễn phí. TrueCrypt sẽ lưu trữ các tập tin mã hóa vào một tệp mà phần mềm này định nghĩa là volume - với volume là chiếc két sắt và TrueCrypt chính là chiếc chìa khóa. Hãy nhấn chọn lệnh Create Volume >>> Create an encrypted file container và bắt đầu quá trình mã hóa. Tất cả các bước đều có những hướng dẫn hết sức cụ thể, và nếu bạn có bất cứ điều gì không rõ, hãy để nguyên các lựa chọn mặc định và để TrueCrypt làm phần việc của mình.
    Sau khi phần mềm đã tạo ra các volume, bạn cần phải thực hiện bước gắn kết tập tin (mount) vào các volume đó - hãy nghĩ đến bước này như việc mở chiếc két sắt ra và bỏ dữ liệu quan trong vào đó - và việc này chỉ thực hiện được khi bạn đang chạy TrueCrypt. Nhấn chọn Select File và tìm đến tệp volume mà bạn vừa tạo ra, nhấn chọn phím Mount và điền mật khẩu mà bạn đã tạo ra trước đó.
    Khi TrueCrypt tiến hành bước gắn kết tập tin, máy tính sẽ nhận dạng volume đó như một ổ đĩa mới. Hãy mở trình Windows File Explorer và tìm đến ổ đĩa mới đó, lúc này đó sẽ là một thư mục trống, di chuyển thư mục chứa các file nhạy cảm mà bạn đã tập hợp trước đó vào volume này. Khi tất cả các bước này hoàn thành, hãy tắt TrueCrypt đi và ổ đĩa ảo mà bạn tạo cũng sẽ biến mất; khi đó, các tập tin nhạy cảm của bạn đã được dấu bên trong mục volume đã được mã hóa.
    Khi muốn truy cập lại vào các dữ liệu đã mã hóa, bạn cần phải gắn kết lại (re-mount) tệp volume đó với TrueCrypt. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng mình không làm mất file volume và không quên mất mật khẩu mã hóa.
    Thay đổi mật khẩu
    Việc thực hiện bước này cũng quan trọng không kém bước sao lưu dữ liệu mà chúng tôi nói đến trong phần trước của chuyên mục. Thật không may, hầu hết người dùng đã mắc phải những lỗi căn bản trong việc tạo lập và quản lý mật khẩu, và cái giá của nó chính là đánh mất các tài khoản và dữ liệu trực tuyến của mình. Để tránh mắc phải những mất mát đáng tiếc đó, hãy tự tạo cho mình những mật khẩu thật chắc chắn, với 3 bước sau đây.
    Đầu tiên, hãy tạo ra một mật khẩu thật mạnh với trên 10 ký tự, kết hợp giữa viết hoa và viết thường, ký hiệu và chữ số. Một mật khẩu chỉ toàn chữ vẫn có thể an toàn, nhưng chỉ khi nó dài trên 20 ký tự.
    Thứ hai, đừng bao giờ sử dụng một mật khẩu trên nhiều website khác nhau. Ngay cả một người quá chắc chắn với độ an ninh của mật khẩu mà mình tạo ra, cũng sẽ có nhiều khả năng rơi vào cái bẫy chết người khi sử dụng cùng mật khẩu đó với nhiều tài khoản. Bởi vì, nếu một trong số các website đó có lỗ hổng bảo mật dẫn đến việc lộ mật khẩu thì bạn sẽ phải trả giá bằng các tài khoản khác mà mình đang có. Trong trường hợp quá khó khăn để nhớ hết các loại mật khẩu phức tạp cho từng tài khoản, ít nhất hãy sử dụng riêng một mật khẩu đặc biệt cho tài khoản email và các tài khoản chứa thông tin nhạy cảm.
    Cuối cùng, đừng quá phụ thuộc vào bất cứ điều gì, bởi không có bất cứ hệ thống an ninh nào là hoàn cả cả. Điều này có nghĩa rằng, bạn hãy thường xuyên thay đổi mật khẩu của mình. Nếu chịu khó thay đổi mật khẩu của những tài khoản quan trọng nhất mỗi 6 tháng một lần, và các tài khoản ít quan trọng hơn mỗi năm một lần, bạn sẽ càng gia tăng độ tin cậy và bảo mật cho những thứ mình sở hữu trên mạng Internet.
    Nếu có thể theo sát được ba bước mà chúng tôi vừa hướng dẫn thì xin chúc mừng: Bạn đang thuộc số rất ít những người có trách nhiệm thực sự với thông tin, tài khoản và tài sản trực tuyến của mình. Nếu không, thì hãy ứng dụng chúng ngay từ bây giờ. Mà nếu việc theo sát 3 bước hướng dẫn này quá khó khăn, hãy sử dụng một ứng dụng hỗ trợ được cung cấp miễn phí mang tên KeePass (go.pcworld.com/keepass) - với các tính năng quản lý mật khẩu, song song với việc đề xuất cho bạn những mật khẩu có độ an ninh rất cao.

    Tinh chỉnh Startup

    [​IMG]
    WinPatrol giúp bạn quản lý các ứng dụng chạy cùng Straup.
    Một trong những trải nghiệm thường xuyên gây khó chịu cho người dùng máy tính là việc nhấn nút khởi động máy và… ngồi chờ khá lâu trước khi máy khởi động xong. Chưa hết, ngay cả khi màn hình desktop đã sẵn sàng thì máy tính vẫn ì ạch và phản ứng khá chậm chạp. Vấn đề này xuất phát từ các phần mềm mà bạn có trong máy, bạn đã cài đặt chúng và để chúng hoạt động khá tự do, tự động chạy mỗi khi khởi động hệ điều hành. Nếu bạn không chú tâm đến vấn đề này, đồng nghĩa với việc Windows đang phải khởi chạy khoảng chừng 30 loại chương trình khác nhau mỗi khi nó khởi động, và việc phải khoanh tay ngồi chờ đến vài phút trước khi có thể check mail là chuyện tất nhiên. Bởi vậy, tinh chỉnh những thứ sẽ khởi chạy trên Startup là điều tất yếu mà bạn phải làm nếu muốn đưa chiếc máy tính của mình “lên đỉnh” ngay từ bước khởi động.
    Đầu tiên, hãy chạy CCleaner, công cụ này không chỉ được dùng để “làm sạch” các file rác trong ổ cứng mà còn có thể quản lý các ứng dụng khởi chạy trên Startup. Nhấn chọn phím lệnh Tools ở bên trái cửa số CCleaner, sau đó chọn phím Startup, bạn sẽ thấy một danh sách toàn bộ các ứng dụng khởi chạy cùng hệ điều hành. Hãy xem kỹ danh sách này và mỗi khi nhìn thấy các ứng dụng nào mà bạn không thường xuyên sử dụng, hãy nhấp vào đó và chọn lệnh Disable.
    Trong trường hợp bạn muốn nhúng tay sâu hơn vào công đoạn này, hãy sử dụng phần mềm miễn phí WinPatrol (go.pcworld.com/winpatrol). Cũng như các công cụ cùng chức năng khác, WinPatrol sẽ cho bạn xem danh sách các ứng dụng và dịch vụ khởi chạy cùng Windows nhưng sẽ có thêm một tính năng khác rất hữu ích: Cài đặt lịch khởi động cho các ứng dụng, nhờ đó máy tính sẽ không phải khởi động các ứng dụng đó cùng một lúc. Để thực hiện lệnh này, hãy tìm đến các chương trình mà bạn muốn hoãn thời gian khởi chạy trong menu Startup Programs, nhấp chuột phải và chọn lệnh Move to Delayed Start Programs List. Sau đó, bạn có thể truy cập menu Delayed Start, chọn một ứng dụng và nhấn phím Delay Option để cài đặt khoản thời gian hoãn trước khi Windows bắt đầu chạy nó.
    Quản lý Inbox
    Khi bạn đang hối hả để hoàn tất công việc, một một hộp thư đến lộn xộn có thể sẽ là kẻ thù tệ hại nhất. Email chắc chắn là thứ không thể thiếu trong công việc hoặc để giữ các mối quan hệ, nhưng đó cũng có thể là nơi làm bạn phân tâm khá nhiều và tiêu tốn bộn thời gian. Có thể bạn sẽ không thể lấy lại khoản thời gian mà mình từng phải bỏ ra để lục tung đống thư đến để tìm lại bức thư mình muốn, nhưng ít nhất bạn có thể sắp xếp lại chúng một cách khoa học để không bao giờ phải lâm vào tình cảnh ấy nữa.
    Đầu tiên, hãy lập ra nhiều thư mục trong hộp mail đến (hoặc Lebels nếu bạn đang sử dụng Gmail) riêng biệt cho từng chủ đề. Nếu là một người dùng thông thường, chí ít bạn có thể phân loại mail thành các thư mục Công việc, Hóa đơn và Thông báo, Bản tin… Trong Outlook 2010, bạn có thể tạo thư mục mới bằng cách chọn phím Folder >>> New Folder (trong menu New Group). Với Gmail, hãy chọn More Labels >>> Create New Labels trong bảng lệnh nằm ở cột bên trái.
    Bước kế tiếp sẽ là công cuộc dọn dẹp hộp thư đến, đưa các bức email về đúng chỗ của nó. Đây có thể là một công việc mới nghe đã thấy nản, nhưng thật sự thì thư mục Hộp thư đến chỉ là nơi chứa tạm thời các mail mới, không nên là nơi ở lâu dài cho tất cả các mail mà bạn nhận được. Hãy phân loại các thư và xếp chúng vào các thư mục phù hợp mà bạn vừa tạo ra, công đoạn này sẽ còn giúp bạn tìm ra và xóa bớt những mail không đáng giữ lại. Bạn nên giữ lại các mail cần được phản hồi trong hộp thư đến, hoặc tốt hơn, nên tạo mục “Cần phản hồi” và xếp chúng vào đó.
    Từ đây về sau, hãy cố duy trì “lối sống” ngăn nắp này một cách thường xuyên, phân loại email để có thể dễ dàng tìm lại lúc cần. Hoặc để đỡ tốn công hơn, bạn có thể dùng các công cụ lọc mà hầu hết các dịch vụ cấp email hiện nay đều có để phân loại email vào từng thư mục dựa trên những tiêu chí như người gởi hoặc các từ đặc biệt xuất hiện trong mail. Ở đây, chúng tôi hướng dẫn bạn cách tạo công cụ lọc trong Outlook và Gmail. Với Outlook, bạn có thể sử dụng các quy luật phân loại (rule) bằng cách truy cập File >>> Manage rules & alerts >>> New rules trong phím Email Rules. Với Gmail, bạn thực hiện theo hướng Gear icon >>> Settings >>> Filters tab >>> Create a new filter để tạo filter cho các mail đến.
    Và nếu phương pháp tự phân loại thủ công làm bạn nản, trong khi lại cảm thấy cách tạo ra các quy luật và filter quá phức tạp, bạn vẫn có một cách không thể đơn giản và tiện lợi hơn… nhưng tất nhiên, phải mất phí. Bạn có thể sử dụng Sanebox (go.pcworld.com/saneboxrev), một dịch vụ quản lý email khá tốt, hoạt động trên tất cả các tài khoản email IMAP, với mức phí 5 USD/tháng (~ 105.000 đồng).
    Bước cuối cùng, hãy bỏ theo dõi tất cả các loại bản tin hay tin khuyến mãi (thứ mà nhiều người dính phải khi các loại website bán hàng theo nhóm nở rộ tại Việt Nam gần đây) mà bạn ít khi hoặc đã không còn xem đến. Làm xong bước này, chắc chắn bạn sẽ phải ngạc nhiên với sự “bình yên” cho hộp mail của mình.


    Tự động hóa mọi thứ

    [​IMG]
    Task Scheduler giúp bạn chạy công cụ dọn dẹp PC theo lịch định sẵn.
    Giữ cho chiếc máy tính của bạn chạy mượt mà với độ bảo an cao thật ra không phải là điều quá phức tạp. Hầu hết các bước hướng dẫn trong chuyên mục này đều chỉ đòi hỏi bạn thực hiện một lần, hoặc liên quan đến các ứng dụng có khả năng tự động cập nhật. Với những thứ còn lại, tính năng đi kèm với Windows mang tên Task Scheduler có thể giúp các tác vụ của bạn chạy chính xác “đến từng giây”.
    Đầu tiên, hãy tìm đến công cụ này bằng cách tìm tên Task Scheduler trong menu Start (Windows Vista và Windows 7) hoặc màn hình Start (Windows 8). Sau khi chạy ứng dụng, hãy mở tùy chọn Create Basic Task để tạo các hành động đơn giản nhưng tự động hoàn toàn, dựa trên khung thời gian. Cửa sổ điều chỉnh bật lên sẽ hỏi bạn về khung thời gian và loại ứng dụng mà bạn muốn chạy. Ví dụ: Bạn có thể đặt lệnh chạy CCleaner và SpaceSniffer mỗi 2 tuần một lần.
    Đây vẫn chưa phải là giải pháp tự động hóa hoàn toàn, bởi nhiệm vụ của Task Scheduler chỉ là chạy ứng dụng (như CCleaner chẳng hạn), và việc thực hiện các tác vụ (CCleaner quét và xóa các file rác) đều phải được thực hiện từ chính ứng dụng đó. Tuy nhiên, với một lịch trình làm việc định sẵn và thường kỳ như vậy, chắc chắn sẽ giúp bạn nhớ theo dõi và bảo trì máy móc của mình thường xuyên hơn. Tất nhiên, phòng bệnh vẫn tốt hơn chữa bệnh.
    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - 12 bước đưa PC “lên đỉnh”

Share This Page