Cú ném nâng cấp loài người

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Jul 2, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 378)

    Giới khoa học vừa phát hiện khả năng ném đã giúp biến con người từ loài linh trưởng hạng hai thành sinh vật cao cấp nhất trên hành tinh.

    Một trong những yếu tố thu hút khán giả đổ xô đến xem các trận đấu bóng chày đỉnh cao chính là những cú ném nhanh như điện xẹt với tốc độ đến 160km/giờ của các cầu thủ ném bóng hạng nhất. Tuy nhiên, ít ai biết được kỹ năng thần sầu trên là kết quả của sự thích nghi mang dấu ấn tiến hóa chủ chốt của một chuỗi các bộ phận cơ thể, từ phần thân, vai và cánh tay, vốn bắt đầu từ gần 2 triệu năm trước. Theo đó, động tác ném cho phép tổ tiên loài người đủ khả năng phòng vệ trước những loài thú hung hãn, không những thế còn quay lại săn đuổi chúng, làm phong phú chế độ ăn, từ đó cải thiện năng lực não bộ và cuối cùng tiến hành “cuộc xâm lăng” đến hầu hết những ngóc ngách trên địa cầu.

    [​IMG]
    Các chuyên gia đã giải mã được cú ném thần sầu của vận động viên bóng chày - (Ảnh: Reuters)

    “Chúng tôi cho rằng động tác ném có thể là sự thay đổi quan trọng nhất từ lúc ban đầu về mặt hành vi săn bắn, cho phép tổ tiên loài người tổ chức hiệu quả và an toàn những cuộc săn bắn lớn”, theo trưởng nhóm nghiên cứu Neil Roach của Đại học George Washington (Mỹ). Nhờ nguồn thực phẩm đến từ hoạt động này, người tiền sử ăn nhiều thịt giàu calorie và chất béo, não bộ và cơ thể theo đó phát triển, đủ sức khai mở những vùng đất mới, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature. Để rút ra kết luận trên, các chuyên gia dùng máy quay 3 chiều và đồ họa máy tính để theo dõi chuyển động ở phần trên cơ thể của những tay ném bóng chày giải đại học Mỹ. Họ phát hiện vai của con người đóng vai trò như một khẩu súng cao su trong lúc ném, bằng cách tồn trữ và kế đến đột ngột bung ra một khối lượng lớn năng lượng.

    So sánh với tinh tinh, vốn chỉ ném được vật thể với tốc độ bằng 1/3 sức ném của trẻ con 12 tuổi, tức ở mức 32km/giờ, cơ chế giải phẫu học của loài người được kết hợp nhuần nhuyễn với hành động ném. Tiến sĩ Roach và đồng sự tìm được 3 điểm thích nghi đóng vai trò chủ chốt, gồm eo rộng, vai ở vị trí thấp hơn trên thân người và khả năng xoay xương cẳng tay trên. Tất cả đều diễn ra sớm nhất là gần 2 triệu năm trước, vào thời Homo erectus (Người đứng thẳng). Những sự thay đổi này trong cấu trúc giải phẫu cơ thể người cho phép họ hàng xa xưa của chúng ta ném những vật như đá hoặc giáo gỗ với tốc độ ấn tượng, nhờ chiến thuật nạp và phát năng lượng ở dây chằng và gân dọc theo vai.

    Các nhà khoa học cho rằng những thay đổi về mặt tiến hóa trên, diễn ra lâu sau khi con người và tinh tinh phân nhánh từ tổ tiên chung cuối cùng khoảng 7,5 triệu năm trước, đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của loài người, biến chúng ta thành sinh vật có bộ não lớn với khả năng ngôn ngữ và kỹ năng chế tạo dụng cụ cao cấp. “Con người là những tay ném thượng hạng, và là loài duy nhất có khả năng ném vật thể nhanh và chính xác. Tinh tinh, họ hàng gần gũi nhất của con người tồn tại đến ngày nay, dù sức khỏe và lực lưỡng kinh người, nhưng hết sức tệ về khoản này”, theo tiến sĩ Roach.

    Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng khả năng ném bẩm sinh của con người, ngoại trừ bạn là cầu thủ ném bóng chày chuyên nghiệp, hoặc bóng rổ. Với cường độ và số năng lượng tiêu hao qua các trận bóng như các vận động viên trải qua, cơ thể người thường không thể nào chịu nổi nguy cơ giãn gân và căng cơ quá mức, dẫn đến thương tổn không đáng có.

    Nguồn KhoaHoc.com.vn
     
  2. Facebook comment - Cú ném nâng cấp loài người

Share This Page