Đừng coi thường khám sức khỏe trước kết hôn

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Jul 1, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 356)

    Đêm tân hôn đáng lẽ sẽ rất ngọt ngào thì chồng Mai (quận 3, TP HCM) đột ngột "ngã ngựa", anh xây xẩm rồi ngất xỉu.


    Vào bệnh viện cấp cứu, cả nhà mới phát hiện là anh đang có vấn đề tim mạch. Mai xấu hổ vì gặp sự cố ngay lúc chân ướt chân ráo về nhà chồng, bị mọi người bàn tán xôn xao, vừa lo lắng cho sức khỏe của ông xã.

    "May không có vấn đề gì nghiêm trọng chứ không mình không biết làm thế nào. Trước khi cưới anh ấy hay than mệt, nghĩ là áp lực công việc và lo lắng cho việc chuẩn bị đám cưới nên chủ quan không thăm khám. Nếu phát hiện bệnh sớm, chữa trị đâu vào đó rồi mới cưới thì đâu đến nỗi", cô dâu trẻ tâm sự.

    Chuẩn bị kết hôn vào cuối năm nay, Thúy Hiền (Bình Thạnh, TP HCM) thuyết phục chồng sắp cưới đi khám sức khỏe nhưng anh từ chối quyết liệt vì "tầm phào, không cần thiết". "Anh ấy tự ái bảo khỏe mạnh bình thường, không làm gì bậy bạ nên không cần phải kiểm tra, nếu mất lòng tin như thế thì cưới nhau làm gì", Thúy Hiền phân trần.

    Vì chuyện này mà cả hai giận nhau cả tuần. Hiền vẫn kiên trì phân tích đủ kiểu, nằng nặc "lôi" anh ấy đi khám với cam kết "nếu phát hiện bệnh thì sẽ cùng có thời gian điều trị dứt điểm trước khi cưới".

    [​IMG]
    Các cặp vợ chồng cần sẵn sàng với một sức khỏe tốt nhất trước khi kết hôn. Ảnh minh họa: quotessaying

    Theo Thạc sĩ Trần Tuấn Huy, Giám đốc Trung tâm Giá trị sống - Kỹ năng sống YMCA, khám sức khỏe tiền hôn nhân là rất cần thiết, giúp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm, tránh được các hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai của con cái sau này. Tại một số nước, các đôi yêu nhau phải có giấy chứng nhận sức khỏe đảm bảo cho cuộc sống vợ chồng mới được phép đăng ký kết hôn. Ở Việt Nam, khám sức khỏe tiền hôn nhân chưa được đưa vào trong quy định pháp luật nên rất ít người thực hiện.

    Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ đơn thuần thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của mình mà còn là trách nhiệm đối với chồng/vợ. Khám sức khỏe trước khi kết hôn bao gồm khám sức khỏe tổng thể và khám sức khỏe sinh sản, phát hiện bệnh tật có nguy cơ ảnh hưởng tới mình và bạn đời để có kế hoạch điều trị sớm.

    "Các cặp đôi nên có kế hoạch khám trước khi cưới khoảng 3-6 tháng, đặc biệt đối với những người dự định sinh con ngay để đảm bảo sức khỏe cho con sau này", thạc sĩ Huy khuyến cáo.

    Thạc sĩ Huy cho biết, thông thường, khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, bác sĩ sẽ thực hiện các bước kiểm tra sức khỏe chung như mạch huyết áp, cân nặng, chiều cao, thị lực, các xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm bụng… Bác sĩ cũng xem xét tiền sử bệnh của cả vợ và chồng, đã có những phẫu thuật nào, môi trường làm việc có tiếp xúc chất độc hại, các tai nạn, thương tích...

    Việc thăm khám còn nhằm phát hiện các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu, giang mai, hạ cam mềm, viêm gan siêu vi B, sùi mào gà, nấm…; bệnh sử gia đình, bệnh về rối loạn tâm thần, bệnh di truyền như hội chứng Down, câm điếc bẩm sinh, ung thư, rối loạn đông máu… Khám sức khỏe còn để phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu, rubella, sốt xuất huyết, bệnh cúm, viêm não, bệnh lao, dịch tả, tiêu chảy…

    Một số xét nghiệm cần làm trước khi kết hôn:

    1. Kiểm tra đường huyết

    Lượng đường trong máu tăng cao quá mức trong một thời gian dài có thể gây ảnh hưởng lên nhiều cơ quan trọng yếu như mạch máu, thần kinh, mắt, thận, tim mạch và hệ thống miễn dịch. Bệnh tiểu đường còn ảnh hưởng đến sức khỏe và tình dục. Kiểm tra đường huyết giúp phát hiện và điều trị sớm tiểu đường, ngăn biến chứng nguy hiểm. Để có kết quả xét nghiệm chính xác, mẫu máu nên được lấy vào buổi sáng, khi chưa ăn uống.

    2. Công thức máu

    Máu tĩnh mạch được lấy ra bằng một kim tiêm nhỏ, đem quan sát trong buồng tối đếm dưới kính hiển vi hoặc bằng máy tự động để phân tích các thông số cần thiết. Dữ liệu thu được cho phép đánh giá số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, nồng độ hemoglobin… thông qua đó phát hiện những rối loạn huyết học như giảm số lượng tế bào máu, thiếu máu, từ đó xác định nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp.

    3. Viêm gan siêu vi B

    Viêm gan siêu vi B lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, đường máu và mẹ truyền sang con. Thống kê cho thấy rất nhiều người bị nhiễm loại virus này. Mặc dù bệnh nguy hiểm và có khả năng lây nhiễm cao nhưng người mang siêu vi B vẫm có khả năng kết hôn và sinh con bình thường nếu được tư vấn cách tự chăm sóc bản thân, tiêm ngừa cho vợ hoặc chồng và con ngay khi mới sinh ra.

    4. Chức năng thận

    Khi thận suy yếu sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề sức khỏe khác như phù, tăng huyết áp, thiếu máu, thậm chí tử vong. Thận suy yếu khiến chúng ta kém tập trung, giảm trí nhớ, dễ bị kích thích, giảm ham muốn tình dục, gây ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi. Xét nghiệm chức năng thận giúp đánh giá chính xác khả năng hoạt động của thận nhằm đưa ra biện pháp phòng ngừa và chữa trị hữu hiệu.

    5. Chức năng gan

    Gan tham gia vào hầu hết các hoạt động chuyển hóa và bài tiết của cơ thể. Chức năng gan giảm sút sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe. Bên cạnh các dấu hiệu lâm sàng, xét nghiệm men gan còn giúp chẩn đoán chính xác tình trạng tổn thương tế bào gan.

    6. Điện tâm đồ

    Nếu tim suy yếu sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động hàng ngày. Người bệnh thường hay ngất, mệt mỏi, hồi hộp, đau ngực, khó thở, có thể gặp khó khăn, nguy hiểm tính mạng khi quan hệ vợ chồng.

    Điện tâm đồ được xem như một phuoeng tiện cơ bản để rà soát những bất thường ở tim. Phương pháp này phần nào đánh giá được cấu trúc, hoạt động và chức năng của tim, giúp phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch tiềm ẩn.

    7. Tổng phân tích nước tiểu

    Mẫu nước tiểu (lấy giữa dòng) sẽ được xử lý và khảo sát các thông số như tỷ trọng, độ pH, cặn lắng, đạm, đường tế bào và vi trùng học. Kết quả phân tích giúp phát hiện một số bệnh tiềm ẩn như các tổn thương ở cầu thận, ống thận hay đường tiết niệu, nhiễm trùng tiểu… Những bệnh lý này có thể là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong chuyện chăn gối và duy trì nòi giống như giao hợp đau, rối loạn cương dương, lãnh cảm, bất lực, vô sinh…

    8. X-quang ngực phẳng

    Phim X-quang chụp ngực phẳng cho một cái nhìn tổng quan về tim, phổi và các cơ quan lân cận. Dựa vào những dấu hiệu điển hình trên phim chụp, bác sĩ có thể nhận ra nhiều bệnh lý nguy hiểm hay có khả năng lây lan như bệnh phổi tắc nghẽn, viêm phổi hay lao phổi…

    9. Xét nghiệm HIV

    Để hạn chế lây nhiễm và bảo vệ mọi người trước hiểm họa HIV, một số quốc gia yêu cầu các đôi nam nữ phải kiểm tra HIV trước khi đăng ký kết hôn. Vẫn còn rất nhiều người e ngại khi đề cập đến xét nghiệm này. Nếu thực sự yêu nhau xét nghiệm HIV không phải phải là trở ngại lớn cho hôn nhân. Xét nghiệm này đơn giản chỉ giúp củng cố lòng tin và bảo vệ lẫn nhau mà thôi.

    Hiện nay, xét nghiệm có thể thực hiện miễn phí hay đóng một khoản phí rất thấp tại nhiều cơ sở y tế. Thông tin cá nhân được tuyệt đối bảo mật. Ngoài những xét nghiệm trên, tùy từng trường hợp mà bác sĩ đề nghị làm thêm một số xét nghiệm chuyên biệt như soi cấy dịch tiết, phết tế bào âm đạo…

    Lê Phương

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Đừng coi thường khám sức khỏe trước kết hôn

Share This Page