Thiếu nữ 'vượt rào' dễ mắc bệnh phụ khoa

Discussion in 'Tình yêu - Gia đình - Giới tính' started by Robot Siêu Nhân, Jun 15, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 282)

    Thỉnh thoảng thấy vùng kín nóng ran, ngứa ngáy, đôi khi ra dịch có mùi nhưng Bảo Ngọc (23 tuổi) không để ý. Đến khi đi khám, cô mới biết mình đã bị viêm âm đạo.


    Cô gái trẻ rụt rè cho biết, cách đây khoảng nửa năm, cô thấy các biểu hiện như trên nhưng không biết và cũng không để ý. Tình trạng trên khi nặng, khi nhẹ theo chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, nhiều đêm ngủ, vùng kín nóng ran khiến cô khó chịu, "cô bé" cũng rất ngứa ngáy. Đặc biệt hay có dịch nâu, mùi khó chịu làm Ngọc mất tự tin.

    Sau khi xét nghiệm, Ngọc được xác định bị viêm âm đạo do vi khuẩn. Cô được cho đặt thuốc. Ngay hôm đầu đặt thuốc, Ngọc đã thấy không còn nóng, rát, vùng kín dễ chịu hơn. "Sau khi đặt thuốc 12 ngày, em đến khám lại, bác sĩ bảo bệnh đã khỏi. Nhưng từ nay phải vệ sinh cẩn thận hơn, tuyệt đối không được chọc ngoáy để tránh bị tái viêm nhiễm. Kể cả khi có quan hệ thì cũng phải cẩn thận tránh trầy xước vì bệnh dễ tái lại", Bảo Ngọc cho biết.

    [​IMG]
    Các bác sĩ khuyến cáo, khi phụ nữ đã có quan hệ tình dục thì cần đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện sớm các bệnh viêm nhiễm, khối u... Đồng thời, 1 năm một lần làm xét nghiệm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung nếu chưa tiêm phòng HPV/ Ảnh minh họa: anythingthatconcernsstudents.

    Nghi ngờ mình có bệnh vùng kín cả năm nay nhưng Mỹ Linh (25 tuổi, kế toán cho một công ty phân phối thiết bị văn phòng tại Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ rất ngại đi khám, phần vì xấu hổ, phần vì không biết nên bắt đầu từ đâu, địa chỉ nào tin cậy. Mãi gần đây khi chuẩn bị kết hôn, cô và bạn trai mới quyết tâm đi bệnh viện khám tổng thể.

    "Trước đó tôi để ý thấy khí hư chỉ ra nhiều trước ngày hành kinh nhưng bây giờ nó nhiều hầu như trong cả chu kỳ. Hôm đi khám, bác sĩ nói khí hư nhiều. Ngoài bị nấm, tôi còn bị viêm lộ tuyến cổ tử cung phần dưới. Bệnh cần phải chữa trước khi xác định sinh con", Linh cho biết.

    Linh phải mất hơn 10 ngày đặt thuốc trị nấm. Sau thời gian này, cô lại chữa tiếp viêm lộ tuyến. Song cũng như trường hợp trên, bác sĩ cũng khuyến cáo bệnh viêm nhiễm phụ khoa dễ tái lại một khi đã bị mắc.

    Bác sĩ Trịnh Thị Lan - tại Phòng khám của Trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên, thanh niên Ngôi nhà Tuổi trẻ (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, phụ nữ đã có gia đình sẽ có nhiều kiến thức về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản và biết cách bảo vệ mình tốt hơn so với nhóm các bạn gái chưa lập gia đình mà đã có quan hệ tình dục.

    Tại phòng khám Ngôi Nhà tuổi trẻ, phụ nữ đã có gia đình là nhóm đến khám nhiều nhất, sau đó là các bạn gái chuẩn bị kết hôn và cuối cùng là nhóm các bạn gái trẻ đã có quan hệ. Một khi đã đi khám thì hầu hết nhóm cuối cùng này đều có bệnh.

    Tại các phòng khám, hay các nhà hộ sinh trên địa bàn Hà Nội không hiếm khi tiếp nhận những trường hợp nữ sinh mắc bệnh phụ khoa rất nặng, dù chung thủy với một bạn tình. Khi xảy ra vấn đề các cặp đôi này thường lúng túng và nghi ngờ lẫn nhau.

    Mới đây, một cặp đôi đang là sinh viên dắt nhau đến Ngôi nhà tuổi trẻ khám. Cô gái u sầu khi cậu bạn một mực đổ lỗi cô "truyền bệnh" cho cậu ta vì cậu này chỉ chung thủy với mình cô sao lại mắc nấm. "Bác sĩ khám xong cũng nói em bị nấm nhưng thực sự em chỉ chung thủy với mình anh ấy, sao lại mắc bệnh phụ khoa được", cô gái tên Huệ (sinh viên năm 3, một trường cao đẳng ở Thanh Xuân, Hà Nội) thắc mắc.

    Theo một chuyên gia chuyên tư vấn về sức khỏe sinh sản, hằng ngày tổng đài này vẫn nhận được không ít câu hỏi "ngô nghê" như trên. Chuyên gia này giải thích, trên thực tế phụ nữ dễ mắc bệnh vùng kín hơn đàn ông dù đã có quan hệ hay chưa. Nguyên nhân vì cấu tạo cơ quan sinh dục phụ nữ: diện tích bề mặt âm hộ lớn nên dễ tiếp xúc với mầm bệnh; cơ quan sinh dục lại nằm sâu nên khi mắc bệnh khó phát hiện; lỗ niệu đạo, âm đạo và hậu môn rất gần nhau nên nước tiểu, phân, giun sán dễ xâm nhập vào âm hộ, âm đạo.

    Âm hộ, âm đạo có nhiều nếp da gấp nên dễ lắng đọng các chất tiết, thuận lợi cho vi khuẩn ẩn nấp. Vùng kín của phụ nữ cũng có nhiều tuyến luôn tiết dịch nên luôn ẩm ướt, tạo điều kiện tốt cho vi khuẩn gây bệnh phát triển. Màng âm hộ cũng rất mỏng, dễ bị trầy xước khi có quan hệ hay khi thụt rửa âm đạo.

    Thêm vào đó, chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng của chị em cũng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn dễ xâm nhập.

    "Phụ nữ cần biết những kiến thức cơ bản trong việc phòng tránh bệnh phụ khoa. Trước tiên là vệ sinh vùng kín đúng cách. Đặc biệt khi đã có quan hệ tình dục thì việc vệ sinh thân thể cần nghiêm ngặt hơn. Trong đó, có những nguyên tắc cần phải làm là đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện các bệnh viêm nhiễm, khối u... Đồng thời, một năm một lần làm xét nghiệm phát hiện sớm virus HPV nếu chưa tiêm phòng HPV", bác sĩ Trịnh Thị Lan khuyên.

    Theo thống kê của Bộ Y tế trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ mắc bệnh viêm phụ khoa ở phụ nữ là 65 - 75,6%, trong đó chủ yếu là bệnh viêm nhiễm âm hộ - âm đạo do vi khuẩn, nấm chiếm tới trên 85% trong tổng số các bệnh viêm phụ khoa.

    Phan Dương

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Thiếu nữ 'vượt rào' dễ mắc bệnh phụ khoa

Share This Page