Thoát khỏi ám ảnh tay voi sau điều trị ung thư vú

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Jun 12, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 395)

    Không ít chị em bị ung thư vú sau khi nạo vét hạch nách thì tay phù to hơn đùi, nứt, lở loét. Nhưng với kỹ thuật mới tại Bệnh viện K, bệnh nhân sẽ tránh được nguy cơ biến chứng này.


    Tiến sĩ Lê Hồng Quang, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật Vú, Bệnh viện K cho biết, trong điều trị ung thư vú từ trước đến nay, các bác sĩ sẽ tiến hành cắt tuyến vú và vét hạch nách. Nếu có nhiều hạch di căn thì bệnh nhân phải tia xạ để phòng tái phát. Chính việc phẫu thuật nạo vét hạch nách và tia xạ đã lấy đi những đường dẫn lưu bạch huyết từ cánh tay về tuần hoàn chung, khiến bạch huyết ở tay dần dần ứ trệ, gây hiện tượng phù tay voi.

    Theo thống kê tại Bệnh viện K, 15-30% chị em sau phẫu thuật ung thư vú bị biến chứng phù tay voi. Có người xuất hiện ngay nhưng cũng có trường hợp tích lũy dần sau 20-30 năm mới phát. Thậm chí có trường hợp buộc phải tháo khớp, cuộc sống bị ảnh hưởng rất nhiều.

    [​IMG]
    Hình ảnh hạch cửa phát hiện bằng cách tiêm chất đồng vị phóng vạ, đám hình tròn đen lớn là vị trí tiêm thuốc, đám nhỏ có mũi tên là hạch cửa. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.

    Tiến sĩ Quang cho rằng, nếu trường hợp nào vào bệnh viện cũng thực hiện theo thường quy nạo vét hết hạch nách thì tỷ lệ vét không cần thiết không phải là ít. Hạch nách đã di căn thấy rõ thì việc này là cần thiết nhưng với trường hợp chưa thì chỉ cần lấy một hạch duy nhất gọi là hạch cửa hay hạch lính gác- hạch có nguy cơ di căn cao nhất để xét nghiệm.

    "Nếu xét nghiệm hạch này thấy chưa di căn thì khả năng di căn của các hạch khác hầu như không có. Vì thế sẽ không cần nạo vét hạch nách, đỡ thời gian phẫu thuật, chi phí, tránh biến chứng tay voi, tê bì vùng cách tay, thậm chí liệt cánh tay...", tiến sĩ Quang nói.

    [​IMG]
    Sử dụng đầu dò trong mổ để phát hiện hạch cửa. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.

    Để phát hiện hạch này có 2 cách: Thứ nhất là tiêm chất chỉ thị màu xanh metylen vào vùng xung quanh khối u vú, chất chỉ thị màu xanh sẽ theo đường bạch huyết về hạch cửa. Thứ 2 là tiêm chất đồng vị phóng xạ, dùng đầu dò tia gamma quét trong vùng nách sẽ phát hiện được hạch cửa.

    Vì đây là kỹ thuật mới nên tâm lý người bệnh và cả bác sĩ cũng không khỏi băn khoăn về tính an toàn, từ trước điều trị ung thư vú là phải cắt rộng và sạch. Thực tế nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng cách làm này hơn 10 năm nay. Kết quả các nghiên cứu cũng cho thấy hạch cửa mang tính đại diện, phản ánh đúng tình trạng di căn. Ngoài ra, những hạch âm tính thì việc vét hay không vét không khác nhau về tiên lượng, tiến sĩ Quang cho biết.

    Dù vậy phương pháp sinh thiết hạch cửa này chỉ áp dụng khi phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, chưa có di căn. Vì thế, để phát hiện sớm bệnh, chị em cần lưu ý tự "khám" vú, đi khám bệnh thường quy 6 tháng một lần.

    Ung thư vú đã vượt ung thư cổ tử cung, đứng đầu các loại ung thư ở nữ tại Việt Nam. Đây không chỉ là nỗi lo của phụ nữ lớn tuổi mà ở cả người trẻ. Những phụ nữ đã có chị hoặc mẹ bị ung thư vú thì nguy cơ mắc cao gấp 10 lần người khác. Ngoài ra, những phụ nữ 35-50 tuổi chưa bao giờ sinh đẻ, người có con đầu lòng sau 30 tuổi, người có chế độ ăn nhiều mỡ động vật, uống nhiều rượu hút thuốc lá và béo phì cũng dễ bị ung thư vú.

    Nam Phương

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Thoát khỏi ám ảnh tay voi sau điều trị ung thư vú

Share This Page