Chế độ ăn để người tiểu đường tăng cân?

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Jun 6, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 319)

    Bố chồng tôi 54 tuổi, phát hiện tiểu đường cách đây 7 tháng. Từ khi phát hiện bệnh, ông bỏ thuốc lá, ăn uống kiêng khem đồ ngọt. Ông sụt cân nhanh giảm hơn 10 kg trong vòng 6 tháng, người yếu, mệt mỏi.


    Ông thường uống sữa không đường, sữa dành cho người tiểu đường, đo đường huyết thường xuyên. Tôi muốn xin bác sĩ thực đơn chuẩn cho người tiểu đường để tôi gửi về quê cho bố tôi áp dụng theo. Nhìn bố sụt cân, gầy yếu gia đình tôi rất lo lắng. Bản thân bố tôi cũng suy nghĩ rất tiêu cực về sức khỏe. Hoặc có hội thảo, buổi sinh hoạt nào về bệnh này, nhờ bác sĩ báo giúp để tôi đón bố và người thân lên tham dự. Chân thành cảm ơn và mong sớm nhận được hồi âm của bác sĩ. (Hạnh)

    [​IMG]
    Bệnh nhân tiểu đường cần được cân đối dinh dưỡng để tránh sụt cân. Ảnh: ucdmc.ucdavis.

    Trả lời:

    Chào bạn,

    Thông thường với bệnh tiểu đường, tính tới thời điểm bệnh được chẩn đoán phát hiện thì sự rối loạn chuyển hóa đường đã diễn ra một thời gian trước đó rồi, do đó sự sụt cân là không thể tránh khỏi. Sự sụt cân sẽ tiếp tục diễn ra trầm trọng nếu bệnh nhân không tuân thủ hướng dẫn điều trị.

    Trước hết, bố của bạn cần kiên trì đi tái khám định kỳ theo hẹn để được bác sĩ điều trị có chỉ định cũng như điều chỉnh thuốc phù hợp để ổn định đường huyết.

    Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng để điều trị cũng như hỗ trợ các thuốc hạ đường huyết phát huy tác dụng, đồng thời giúp cho bố của bạn không bị giảm cân tiếp và sẽ đạt được cân nặng lý tưởng.

    Bố bạn cần duy trì chế độ ăn với nhiều loại thực phẩm khác nhau hằng ngày. Nên sử dụng các loại thực phẩm ít gây tăng đường huyết như gạo lức, đậu đỗ, rau xanh. Bên cạnh đó nên ăn thịt nạc, cá nạc, đậu hũ.

    Cần hạn chế các thực phẩm gây tăng đường huyết như bánh kẹo, chè, kem, nước ngọt, các loại trái cây ngọt như xoài, sầu riêng, nhãn, vải... Hạn chế thực phẩm giàu chất béo bão hòa như da, phủ tạng động vật.

    Nên ăn 3 bữa chính và 1 đến 2 bữa phụ mỗi ngày. Bữa phụ có thể dùng sữa dành riêng cho người đái tháo đường, lựa chọn các trái cây ít ngọt như bưởi, thanh long, táo...

    Ngoài ra, nên duy trì các hoạt động thể lực để giúp ổn định đường huyết, tăng cường chức năng hệ tim mạch, tạo cảm giác khỏe khoắn, giảm lo lắng, căng thẳng. Có thể lựa chọn các loại hình vận động như đi bộ, đạp xe, bơi lội, tập dưỡng sinh.

    Bệnh đái tháo đường là bệnh hoàn toàn có thể điều trị được, cần khuyên bố bạn nên lạc quan và nên lựa chọn nơi để được khám bệnh, điều trị bệnh bởi các bác sĩ chuyên khoa nội tiết. Có thể tham gia Câu lạc bộ Dinh dưỡng và đái tháo đường được tổ chức định kỳ hằng tháng tại Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, bạn có thể truy cập vào website của Trung tâm để biết thêm chi tiết.

    Bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp
    Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Chế độ ăn để người tiểu đường tăng cân?

Share This Page