Nguyên tắc bí mật của Apple: Chớ để cái miệng hại cái thân

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, May 28, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 398)

    Ngay từ năm 1977 khi Apple mới chỉ bắt đầu khởi nghiệp, ở sảnh công ty đã dán dòng chữ khuyến cáo "Loose lips sink ships" (vạ miệng hại thân), có nghĩa những lời nói hớ hênh sẽ làm hỏng việc lớn.


    Một số cựu nhân viên của Apple đã tham gia trả lời câu hỏi: "Apple giữ bí mật như thế nào?" trên trang cộng đồng Quora.

    "Tôi làm tại NeXT (công ty máy tính của Steve Jobs và sau được Apple mua lại) 6 năm. Mọi thứ đều công khai, kể cả bảng lương của mọi người. Steve nói với chúng tôi: 'Bên trong NeXT, tất cả đều cởi mở. Bên ngoài NeXT, chúng ta sẽ không nói gì cả. Điều này sẽ duy trì cho tới khi có vụ lộ thông tin đầu tiên xảy ra. Ngay khi nhận thấy chúng ta không thể giữ bí mật, chúng ta sẽ quay lại họat động như mọi công ty khác'. Và tất nhiên không ai muốn là người giết chết sự cởi mở trong công ty như thế", thành viên Ken Rosen chia sẻ.

    [​IMG]
    Càng bí mật, người ta càng tò mò về Apple.

    "Tôi không thể nói bất cứ điều gì với vợ. Khi tôi phải tới Manchester (Anh), cô ấy có ý muốn đi cùng. Tôi nói không thể. Bố mẹ tôi biết tôi tới Anh nhưng cũng không được chia sẻ thêm thông tin gì khác, đến mức họ nghi ngờ tôi đang làm gì đó liên quan đến chính phủ Mỹ", kỹ sư Robert Bowdidge kể lại.

    Trong khi đó, Brian Hoshi, từng làm việc cho Apple vài năm, khẳng định việc giữ bí mật đã ăn sâu vào trong văn hóa công ty bởi có như vậy họ mới tạo ra được các sản phẩm sáng tạo và mang tính cách mạng trong những thị trường mà Apple đã chọn để cạnh tranh. Luôn có một nhóm bảo vệ theo sát các nhân viên và chỉ cần mắc lỗi nhỏ họ cũng sẽ bị trừng phạt. Tuy nhiên, không có gì phải "sợ" khi làm ở Apple miễn là họ tuân theo những quy tắc rất cơ bản ở đây.

    Apple đã hình thành một văn hóa trong đó bản thân các nhân viên cũng đề cao việc giữ bí mật. "Nếu có người quen làm việc ở bộ phận khác, họ cũng không bao giờ hỏi bạn về những gì bạn đang làm. Các cuộc trò chuyện mang tính cá nhân, về các yếu tố bên ngoài. Suy cho cùng, nguyên tắc giữ bí mật phát huy hiệu quả đơn giản vì chính nhân viên muốn thế. Họ muốn trở thành một phần của trò ảo thuật và công đoạn quan trọng nhất của ảo thuật chẳng phải là không tiết lộ bí mật sao", chuyên gia thiết kế Chris Connors bày tỏ.

    Văn hóa ấy không phải mới xuất hiện ở thời iPhone, iPad mà hình thành ngay từ khi Apple mới thành lập. Thành viên Robert Scoble kể rằng từ năm 1977, tại sảnh công ty Apple đã có biển hiệu "Loose lips sink ships". Vì Apple là công ty phần cứng, họ hiểu rằng để lộ các chi tiết về sản phẩm mới sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của sản phẩm cũ đang được hãng này bán trên thị trường. Apple thậm chí còn tạo ra các dự án giả cho những kỹ sư đang trong giai đoạn thử thách để xem họ có để lộ thông tin gì không.

    Một thành viên giấu tên chia sẻ: "Bất cứ phụ nữ nào cũng sẽ hiểu, mọi chuyện sẽ thú vị hơn nhiều khi trêu đùa, ẩn ý về những thứ mà người ta đang rất chờ đợi hơn là lập tức khoe ra. Tại Apple, các mẫu thử đều khắc số seri bằng laser, được ghi nhận bởi hệ thống theo dõi trung tâm (iTrack). Chế độ an ninh được ưu tiên tối đa và các mẫu thử phải luôn được khóa khi không sử dụng tới. Có một quy định ngầm trong công ty rằng đồng nghiệp của bạn không nên biết bạn đang làm gì".

    Ở các khu vực nhạy cảm như là bộ phận thiết kế, luôn có lễ tân, camera an ninh và muốn vào bên trong phải có người ra đón. Nhà báo Adam Lashinsky của Fortune, người đã tìm hiểu về "Quả táo" nhiều năm, cũng cho biết nhân viên Apple không được phép nói với ai, kể cả đồng nghiệp, là họ đang làm gì. Họ chỉ biết đến công việc của mình nên không thể hình dung phần còn lại trong chuỗi phát triển, vì thế ngay cả người trực tiếp tham gia xây dựng iPhone cũng không hình dung được sản phẩm cuối cùng sẽ ra sao. Đa số các vụ rò rỉ đều xảy ra bên ngoài trụ sở Apple, chủ yếu xuất phát từ các chuỗi cung ứng, các nhà phát triển ứng dụng và các đối tác kiểm thử sản phẩm. Con người luôn là mắt xích yếu nhất trong bất cứ dây chuyền bí mật nào.

    Tuy nhiên, Apple cũng có giai đoạn "dễ chịu", đó là trước khi Steve Jobs quay trở lại công ty vào năm 1997. "Mọi thứ chẳng hề khắc nghiệt khi Jobs không ở Apple. Chúng tôi được khuyến cáo rằng phải rất cẩn thận với các mẫu thử Mac, nhưng không phải lời cảnh báo kiểu 'nếu không các cậu sẽ chịu hậu quả' như hiện nay", một thành viên giấu tên khác chia sẻ. "Tôi được giao một mẫu thử PowerBook 100 vào mùa thu 1991 (khoảng 1-2 tháng trước khi Apple chính thức công bố). Đó là sản phẩm quan trọng vì PowerBook là dòng laptop đầu tiên của Apple. Tôi nghĩ mình cần trải nghiệm nó trong hoàn cảnh thực - tại một quán cafe. Thế là tôi đem máy tới quán Caffe Dante, ngồi dựa lưng vào tường để có thể quan sát mọi người xung quanh. Nếu có ai chú ý, tôi sẽ cất máy đi lập tức. Nhưng chẳng ai để ý cả và tôi dùng nó mà không hề bị làm phiền. Nhưng rõ ràng, bạn không thể làm như thế ở thời đại ngày nay khi mà quanh bạn đầy rẫy camera, điện thoại, blog cá nhân...".

    Châu An

    Nguồn: VNExpress
     
  2. Facebook comment - Nguyên tắc bí mật của Apple: Chớ để cái miệng hại cái thân

Share This Page