Nghề buôn bán thời gian

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, May 27, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 475)

    Cuối thế kỷ 19 ở London có một dịch vụ cực kỳ cần thiết mà hôm nay ít người tin là có: bà Ruth Belville ngày nào cũng gõ cửa từng nhà để thông báo thì giờ chính xác, đổi lấy một món thù lao hậu hĩnh. Cái nghề “buôn bán thời gian chính xác” ấy được nhiều người trân trọng, và thế là chẳng mấy chốc sinh ra một cuộc cạnh tranh hi hữu.

    Nghề kỳ lạ


    Arnold không phải là một chiếc đồng hồ quả quýt như mọi đồng hồ khác. Không hẳn vì nó có vỏ bạc đắt giá, lại cũng không vì trong ruột chứa cỗ máy cơ học được xếp vào hàng chính xác nhất nước Anh bấy giờ. Chủ sở hữu đầu tiên của chiếc đồng hồ là August Friedrich, quận công hạt Sussex miền Nam nước Anh. Thất vọng vì vẻ ngoài thô kệch, quận công August Friedrich quẳng trả lại xưởng chế tạo, kèm theo một lời phỉ báng “đồng hồ gì mà to như cái bô“. Song cũng chẳng vì vậy mà Arnold được cả kinh đô London biết đến.

    Công lao ấy thuộc về một người phụ nữ, người đã âu yếm đặt tên Arnold cho chiếc đồng hồ quả quýt mang số hiệu 485/786 quá khổ, với lòng kính trọng chân thành, vì Arnold tạo ra nguồn thu nhập cho gia đình bà, thông qua một nghề độc nhất vô nhị trong toàn Vương quốc Anh: nghề buôn bán thời gian.

    Từ 1892 trở đi, ngày nào người ta cũng có thể thấy bà Belville đi dọc các con phố London, bắt đầu từ đài quan sát ở Greenwich, nơi bà chỉnh đồng hồ cho chính xác. Sau đó bà đi vào khu nội đô và West End, thỉnh thoảng gõ cửa và nhận một món tiền nho nhỏ để cho phép chủ nhà nhìn thấy Arnold, rồi lại đi tiếp.

    Hình thức kinh doanh hi hữu này là món quà thừa kế của bố mẹ bà, những người đã làm nghề thông báo thời gian từ 1836. Năng nhặt chặt bị, bà Belville có đến 200 khách hàng trong thành phố và sống khá sung túc bằng công việc kỳ lạ này, thậm chí bà còn có hẳn một tên gọi là “Greenwich Time Lady” – quả là một vinh dự lớn, vì Greenwich hay London cho đến nay vẫn là kinh đô của giờ giấc chính xác như mọi học sinh đều được học trong tiết vật lý đầu tiên.

    Đúng giờ như tàu hỏa


    [​IMG]
    Ảnh minh họa: Internet

    Hôm nay có lẽ khó hình dung ra, song đầu thế kỷ 19 không có nhiều khả năng để chỉnh đồng hồ đeo tay cho chính xác, trừ phi chạy đến quảng trường hay nhà thờ gần nhất để xem đồng hồ công cộng, nhưng chúng chạy cũng quá tệ. Chuẩn mực duy nhất trong toàn Vương quốc Anh nằm ở phòng làm việc của các nhà thiên văn hoàng gia, trạm quan sát Royal Greenwich Observatory.

    Do hằng ngày nhiều người gõ cửa trạm quan sát để hỏi giờ, các nhà thiên văn luôn bị quấy rối. Năm 1836 họ buộc phải lập ra một dịch vụ báo giờ do một trợ lý đảm nhiệm. Trợ lý John Henry Belville được phát một chiếc đồng hồ tinh xảo từ xưởng đồng hồ “John Arnold & Con trai” và hằng ngày phải đi vào thành phố báo giờ. John Henry Belville chính là cha của Ruth Belville.

    Thì ra đây lại là một nghề béo bở. Vì đúng lúc đó một nền công nghiệp đang phát triển, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế, song lại liên tục khiến người tiêu dùng giận dữ: ngành đường sắt. Cho đến lúc đó, việc đo thì giờ ở Anh cực kỳ thô sơ. Mỗi địa phương có giờ riêng, và chênh khá đáng kể với giờ địa phương hàng xóm, ngay trong nước Anh đã lệch đến 20 phút! Chừng nào phương tiện giao thông chủ yếu là xe ngựa thì không ai thấy phiền lòng, song mọi việc trở nên tồi tệ với sự lan tỏa của mạng lưới đường sắt.

    Đến năm 1821 cả nước Anh đã có 120 công ty hỏa xa với hàng nghìn cây số đường ray. Sự thiếu chính xác giờ giấc gây ra hỗn loạn tại các ga trung chuyển, chưa kể đến tai nạn xảy ra như cơm bữa, chỉ vì mỗi ga có đồng hồ riêng. Năm 1840, công ty Great Western Railway đứng ra đề xướng một giờ chuẩn là “Railway Time“ cho tất cả các ga của mình – dự án chuẩn hóa giờ giấc đầu tiên trên thế giới, và theo đồng hồ mẫu ở Royal Greenwich Observatory.

    Các công ty đường sắt khác lần lượt noi theo, dần dần hệ thống nhà băng cũng đưa hệ thống đếm giờ Greenwich vào sử dụng. Đối với các thợ chế tạo đồng hồ, việc chỉnh đồng hồ theo giờ Greenwich là thước đo chất lượng mặc định. Người dân nào không chỉnh theo giờ Greenwich thì vô hình trung bị miệt thị là cổ lỗ! Công việc của John Henry Belville tưng bừng phát triển, cho đến khi ông qua đời năm 1856.

    Cạnh tranh khốc liệt


    Quả phụ Maria Belville làm tiếp việc của chồng đến 1892, sau đó chồn chân mỏi gối và truyền cho con gái. Ruth Belville hay Greenwich Time Lady trở nên nổi tiếng, có lẽ quá nổi tiếng và lúc này những kẻ tị hiềm xuất hiện.

    Ngày 4/3/1908, một người đàn ông tên St. John Wynne có bài diễn thuyết nảy lửa trước hội đồng thành London, kêu gọi lập ra một sự thống nhất – ông đòi tất cả các đồng hồ ở Anh phải chỉnh theo Greenwich, dựa trên kỹ thuật điện tín. Không dừng ở đó, diễn giả còn lập lờ tung lời cạnh khóe Ruth Belville một cách bỉ ổi, cho rằng bà nhận được giấy phép đặc biệt để làm nghề này bằng cách mà “không đàn ông nào làm được”.

    Ba hôm sau, ấn bản London của nhật báo Times đăng lại bài diễn thuyết trên của Wynne, kể cả câu bóng gió khiếm nhã về việc Ruth Belville sử dụng “vốn tự có”. Tờ Times chỉ không nêu một chi tiết: diễn giả Wynne là chủ hãng Standard Time Company, công ty tư nhân lớn nhất nước Anh chuyên cung cấp tín hiệu điện báo.

    Các phóng viên rình mò Ruth Bellville ở khắp những nơi bà đến để phỏng vấn. Và đòn hiểm của Wynne đột nhiên lại là gây ông đập lưng ông: sau vụ này Ruth Belville càng nổi tiếng hơn. Bà ghi nhật ký: “Có lẽ Standard Time Company sẽ không dám công công kích mình một lần nữa". Và bà đã đoán đúng: ngay cả khi kỹ thuật điện tín phát triển, dịch vụ của bà vẫn ngày càng phổ biến, đơn giản vì rẻ và không hay bị nhiễu như đường điện tín. Cả khi điện thoại được sử dụng rộng rãi cũng vậy.

    Rốt cuộc, chỉ một công nghệ mới ra đời mới khiến Ruth Belville cho Arnold về hưu, chấm dứt một thế kỷ đưa thì giờ chính xác đến từng nhà ở London: Ngày 24/7/1936 dịch vụ viễn thông mới mẻ chào đời, một giọng phụ nữ ghi âm thông báo giờ Greenwich chính xác từng giây. Người dân chỉ việc nhấn nút 8, 4, 6 (tương ứng với chữ cái T, I và M). Trong dân gian, người ta gọi giọng đó là “Tim”. Ngay trong năm đầu, chỉ riêng dân London đã gọi hỏi giờ 20 triệu lần. Vài năm sau Ruth Belville cũng rửa tay gác kiếm, khi chỉ còn 50 khách hàng.

    Nguồn KhoaHoc.com.vn
     
  2. Facebook comment - Nghề buôn bán thời gian

Share This Page