Viêm mũi dị ứng kéo dài có thể thành hen suyễn

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, May 5, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 339)

    Hắt hơi, chảy nước mũi hơn 40 năm, bà Lựu 66 tuổi ở Đồng Nai vừa được các bác sĩ Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM xác định mắc chứng viêm mũi dị ứng kèm hen suyễn.


    Bệnh nhân cho biết thường xuyên bị hắt hơi vô cớ, mỗi lần hơn 20 cái và nước mắt chảy liên tục sau đó. Tình trạng này xảy ra nhiều khi thay đổi thời tiết, ngửi phấn hoa, tiếp xúc với môi trường có bướm hay côn trùng.

    [​IMG]
    Nhiều người viêm mũi dị ứng kéo dài khi đi khám thì phát hiện bị hen suyễn. Ảnh minh họa: Thiên Chương

    “Tôi rất khó chịu khi mấy chục năm nay lúc nào cũng phải mang khăn lau mũi. Mỗi lần bị như vậy cả người còn nổi mẩn đỏ. Giờ tôi mới biết chứng dị ứng này còn dẫn đến bệnh hen suyễn”, bà Lựu nói.

    Cũng khám tại Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM, chị Thanh ở quận 3 cũng cho hay hơn 5 năm nay, cứ mỗi buổi sáng khi thức dậy là đều phải hắt hơi và chảy nước mũi. "Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi đến văn phòng máy lạnh, tôi gần như không thể tập trung vào công việc cứ vài chục giây thì phải hắt hơi một lần. Những tháng gần đây, sau mỗi cơn hắt hơi tôi còn bị khò khè khó thở”, chị Thanh nói.

    Sau khi thăm khám, đo hô hấp và làm xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ xác định nguyên nhân gây hắt hơi chảy mũi của chị Thanh là do dị ứng. Tình trạng khò khè, tức ngực khó thở là do bệnh dị ứng kéo dài đã khiến bệnh nhân mắc luôn chứng hen suyễn.

    Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch hội hô hấp TP HCM cho biết, tình trạng bệnh của những bệnh nhân trên không phải là cá biệt bởi hen suyễn và viêm mũi dị ứng có liên quan chặt chẽ với nhau. Thông thường một người bị viêm mũi dị ứng thì khoảng 5 năm sau sẽ chuyển sang hen suyễn.

    “Một số nghiên cứu cho thấy, 30% người viêm mũi dị ứng sẽ bị hen suyễn và 80% người bị hen suyễn thì có viêm mũi dị ứng đồng thời. Điều này cho thấy cả hai bệnh cần phải được điều trị song song nhau, nếu không sẽ khó giúp bệnh nhận khỏi viêm mũi dị ứng. Nhiều người chỉ điều trị một bệnh và khi hết viêm mũi thì lại bị hen suyễn. Cứ thế công tác chữa trị rất khó khăn và kéo dài”, bà Lan nói.

    Theo các bác sĩ phòng khám Dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM, không ít bệnh nhân vừa bị viêm mũi dị ứng vừa hen suyễn đến khám tại bệnh viện này. Hầu hết những bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng thường nhầm lẫn giữa những triệu chứng do viêm mũi dị ứng và cảm cúm dẫn đến điều trị không phù hợp. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến viêm mũi dị ứng kéo dài và dẫn đến hen suyễn.

    Theo các bác sĩ, viêm mũi dị ứng là do lạnh hoặc thay đổi thời tiết sẽ gây ngứa mũi, hắt hơi tràng dài, chảy nước mũi trong, nghẹt mũi, không có đau họng, không mỏi cơ. Còn cảm cúm có biểu hiện sốt, đau họng, mỏi cơ, hắt hơi thường không quá 4 cái trong một lần.

    “Nhiều người vẫn còn suy nghĩ rằng bệnh dị ứng là bệnh nhẹ, không cần điều trị cũng sẽ khỏi hoặc có uống thuốc thì cũng sẽ tái đi tái lại. Điều này dẫn đến sự chủ quan trong điều trị”, một bác sĩ cho biết.

    Ttrẻ em rất dễ bị dị ứng hơn cả người lớn. Dị ứng thường gặp nhất là chàm sữa, dị ứng lông thú nuôi, thú nhồi bông. Ngoài ra, trong gia đình có người có tiền căn dị ứng thì trẻ rất dễ mắc bệnh. Đa số dị ứng gây cảm giác khó chịu, nhưng đôi khi cũng gây ra sốc phản vệ dẫn đến tím tái, suy hô hấp, trụy tim mạch.

    Để phòng ngừa viêm mũi dị ứng, mọi người cần tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, là yếu tố gây khởi phát hen suyễn. Luôn giữ ấm khi ở môi trường máy lạnh. Tự bảo vệ mình khỏi côn trùng, bụi ẩm, nấm mốc, phấn hoa. Đeo khẩu trang khi phải tiếp xúc với môi trường lạ, bẩn. Tránh xa các loại thực phẩm đã từng gây dị ứng. Giữ môi trường trong sạch, lọc không khí trong phòng thường xuyên, thường xuyên hút bụi bẩn, thay thảm, vải lót sàn, màn cửa.

    Khi thấy hắt hơi, chảy mũi kéo dài, người bệnh nên đến bệnh viện có chuyên khoa khám để được chẩn đoán và tư vấn điều trị sớm nhằm tránh biến chứng.

    Phương Nghi

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Viêm mũi dị ứng kéo dài có thể thành hen suyễn

Share This Page