Tưởng ung thư hóa nhiễm hai loại ký sinh trùng

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, May 2, 2023.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 132)

    [​IMG]

    Ngày 2/5, đại diện Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đầy hơi, đau bụng từng cơn kèm buồn nôn, tiêu chảy từng đợt, ra máu.

    Bệnh nhân kể công việc chính là nuôi mèo, ngoài ra còn thường xuyên làm đất chăm sóc cây cảnh, xử lý phân của vật nuôi mà không có đồ bảo hộ. Ông bị rối loạn tiêu hóa từ năm 2019, khám nhiều nơi nhưng không phát hiện được bệnh. Gần đây, tình trạng ngày càng nặng, ông tưởng mình bị ung thư nên đến Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra, sau đó chuyển về Bệnh viện Đặng Văn Ngữ.

    Khi xét nghiệm máu, bác sĩ phát hiện nhiễm hai loại ký sinh trùng là giun lươn ký sinh trong đường tiêu hóa, gây tiêu chảy mạn tính, kèm giun đũa chó mèo. Tình trạng nhiễm giun lươn nặng nên các bác sĩ ưu tiên điều trị trước.

    Giun lươn là một loại giun tròn ký sinh trong đường ruột và gây bệnh, nguyên nhân chủ yếu do ăn uống các loại thực phẩm có chứa ấu trùng. Bác sĩ Tạ Huy Hải, khoa Điều trị, cho biết ấu trùng giun lươn có thể xâm nhập qua da vào hệ bạch huyết và qua hệ tĩnh mạch vào vòng tuần hoàn, sau đó tới các bộ phận khác trong cơ thể như phổi, khí quản, thực quản, dạ dày.


    Hầu hết trường hợp nhiễm giun lươn thường không có triệu chứng, do đó nhiều người mắc ký sinh trùng này hàng chục năm nhưng không được chẩn đoán. Người bệnh thường có biểu hiện ở da như mẩn ngứa, nổi mề đay ngoằn ngoèo.

    Ở cơ quan tiêu hóa, giun lươn kích thích ruột gây đau bụng tiêu chảy từng đợt, phân có nhầy máu kèm theo đau bụng, sốt, bạch cầu ái toan tăng cao. Bệnh nhân xuất hiện thêm những đợt bị táo bón, thậm chí chảy máu ruột, gây thiếu máu. Nhiễm giun lươn cũng là nguyên nhân gây biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng ở trẻ em.

    Giun lươn tồn tại ở những nơi đất ô nhiễm và những điều kiện không vệ sinh. Khi da trần của người lành tiếp xúc với nguồn bệnh, các ấu trùng giun lươn sẽ xâm nhập. Theo bác sĩ, môi trường làm việc của người đàn ông đã tạo điều kiện thuận lợi lây nhiễm giun.

    Giun đũa chó mèo (Toxocara) là loại ký sinh trùng ở chó mèo, trứng giun thường có trong đất hoặc nước bị nhiễm phân chó mèo. Thông thường, trứng giun đũa trong cơ thể mèo, chó theo phân ra ngoài môi trường, 1-2 tuần sau sẽ hóa phôi. Đây là giai đoạn trứng giun đũa xâm nhập gây bệnh cho người. Người uống nguồn nước có trứng giun hoặc ăn rau được tưới bằng nguồn nước này có thể bị nhiễm bệnh.

    Bác sĩ khuyến cáo ngoài việc ăn chín uống sôi, người dân không nên ăn gỏi cá sống, rau sống, nhất là ở những vùng vẫn còn sử dụng phân tươi ủ để bón cho cây trồng.

    Thúy Quỳnh


    Adblock test (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Tưởng ung thư hóa nhiễm hai loại ký sinh trùng

Share This Page