Quái thú tiền sử có răng nanh kéo dài tới đỉnh đầu

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Mar 22, 2023.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 172)

    Một loài thú "siêu ăn thịt" tuyệt chủng 3 triệu năm ở Nam Mỹ có răng nanh lớn đến mức đẩy đôi mắt của nó sang hai bên khuôn mặt.


    [​IMG]

    Mô phỏng thú răng kiếm Thylacosmilus atrox ở Nam Mỹ. Ảnh: Jorge Blanco


    Để săn mồi và sống sót, thú răng kiếm có túi Thylacosmilus atrox - sống trong thế Trung Tân và thế Thượng Tân - đã phải thích nghi để nhìn thế giới theo một cách độc đáo, vì răng nanh của nó phát triển không ngừng: không chỉ thò ra khỏi miệng mà chân răng còn kéo dài tới đỉnh hộp sọ, theo nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Communications Biology hôm 21/3.

    Các nhà cổ sinh vật học cho rằng Thylacosmilus là loài siêu ăn thịt - có chế độ ăn khoảng 75% là thịt - tương tự sư tử, nhưng khác với hầu hết các loài săn mồi có mắt hướng về phía trước với tầm nhìn 3D đầy đủ để giúp chúng đuổi theo con mồi, sinh vật tiền sử này có mỗi mắt ở một bên đầu giống như mắt ngựa.

    Những chiếc răng nanh quá lớn của con vật khiến hai mắt của nó không thể nằm ở phía trước khuôn mặt. Mặc dù đôi mắt không được lưu giữ trong hồ sơ hóa thạch, hốc mắt trong hộp sọ có thể tiết lộ về sinh lý thị giác của Thylacosmilus atrox.

    Tác giả chính Charlène Gaillard, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện nghiên cứu IANIGLA ở Argentina, đã sử dụng công nghệ tái tạo ảo 3D và quét CT để phân tích hộp sọ Thylacosmilus và so sánh nó với các động vật có vú khác, đặc biệt là thú ăn thịt. Cô ấy xác định rằng hốc mắt của Thylacosmilus được định hướng theo chiều dọc để có nhận thức về chiều sâu.

    "Thylacosmilus có tầm nhìn toàn cảnh", Gaillard nói. "Một cách để hình dung nó là khi bạn chụp một bức ảnh toàn cảnh bằng điện thoại di động của mình và hình ảnh thu được là một góc nhìn rộng của phong cảnh, nhưng các yếu tố riêng lẻ của phong cảnh khó tách bạch và tập trung vào".

    Đồng tác giả Analia M. Forasiep, nhà cổ sinh vật học tại Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia Argentina, cho biết thêm rằng khoảng 70% trường thị giác của Thylacosmilus có thể chồng lên nhau, đủ để biến nó thành một kẻ săn mồi thành công.


    [​IMG]

    Hộp sọ của Thylacosmilus. Ảnh: Jorge Blanco


    Phân tích xương, kết hợp với hiểu biết của các nhà nghiên cứu về thị giác của sinh vật, cho thấy Thylacosmilus không có khả năng đuổi theo con mồi với tốc độ cao, mà thay vào đó, loài ăn thịt nặng khoảng 100 kg này thường nằm phục kích, hòa mình vào khung cảnh và chờ đợi một con mồi tiềm năng đi qua. Khi thời cơ đến, nó bất ngờ lao ra và sử dụng cặp răng nanh khổng lồ để kết liễu con mồi.

    Ngoài vị trí mắt bất thường để phù hợp với những chiếc răng nanh quá khổ, hộp sọ của Thylacosmilus còn có cấu trúc xương đặc biệt giúp đóng hốc mắt để tránh biến dạng và phồng lên quá mức khi ăn, vì nhãn cầu của nó rất gần với cơ nhai.

    Các nhà nghiên cứu tin rằng Thylacosmilus đã tuyệt chủng cách đây 3 triệu năm do những thay đổi môi trường khiến con mồi trở nên khan hiếm. Sau khi chúng biến mất, những con mèo răng kiếm từ Bắc Mỹ di chuyển xuống phía nam để thống trị khu vực.

    Phát hiện mới về Thylacosmilus đặt ra nhiều câu hỏi, chẳng hạn như tại sao nó là loài động vật duy nhất có răng nanh như vậy đòi hỏi sự thích nghi của hộp sọ. Trong tương lai, các nhà nghiên cứu cũng muốn tìm hiểu thêm xem con vật đã sử dụng các giác quan khác như thế nào để giúp nó săn mồi.

    Đoàn Dương (Theo CNN)


    Adblock test (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Quái thú tiền sử có răng nanh kéo dài tới đỉnh đầu

Share This Page