Đột quỵ ở trẻ em

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Dec 27, 2019.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 63)

    Yếu tố nguy cơ gây đột quỵ ở trẻ em thường do bệnh bẩm sinh. Có những bé bị đột quỵ ngay sau sinh, gọi là đột quỵ chu sinh.


    Bác sĩ Trần Quốc Tuấn, giảng viên Bộ môn Ngoại Thần kinh, Đại học Y dược TP HCM, cho biết đột quỵ ở trẻ em và người lớn bản chất không khác nhau. Đây đều là tình trạng nhồi máu não hoặc xuất huyết não có thể gây khiếm khuyết thần kinh và để lại di chứng, nặng hay nhẹ tùy thuộc vùng tổn thương cụ thể.

    Tuy nhiên đột quỵ ở trẻ em so với ở người lớn khác về nguyên nhân, yếu tố nguy cơ, do vậy khác về hướng chẩn đoán và điều trị. Trẻ em càng lớn thì chẩn đoán và điều trị càng tiếp cận người lớn.

    Theo Hiệp hội Đột quỵ Mỹ, đột quỵ ở trẻ em ngoài phân loại theo xuất huyết, nhồi máu như đột quỵ người lớn, còn phân loại theo tuổi. Đột quỵ xảy ra từ 28 tuần thai đến 28 ngày sau sinh gọi là đột quỵ chu sinh, từ 28 ngày sau sinh đến 18 tuổi, gọi là đột quỵ trẻ em.

    Đột quỵ chu sinh có các yếu tố nguy cơ từ con và nguy cơ từ mẹ. Các yếu tố nguy cơ từ con bao gồm bệnh tim bẩm sinh, rối loạn đông máu, nhiễm trùng, chấn thương khi sinh, ngạt khi sinh. Nguy cơ từ mẹ gồm con so, tiền căn vô sinh, nhiễm trùng ối, thiểu ối, vỡ ối sớm, phải hỗ trợ hút khi sinh, phải sinh mổ cấp cứu, tiền sản giật, rối loạn đông máu. Càng nhiều yếu tố nguy cơ, nguy cơ đột quỵ chu sinh càng cao.

    Đột quỵ chu sinh khó nhận biết do lâm sàng khó nhận định. Khi chẩn đoán được thì điều trị chủ yếu là nâng đỡ và tìm yếu tố nguy cơ để điều chỉnh. Các phương pháp điều trị đột quỵ cấp trên người lớn như thuốc tiêu sợi huyết hay can thiệp tái thông động mạch chưa có bằng chứng hiệu quả trên nhóm này.

    [​IMG]

    Bác sĩ can thiệp cứu bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: Minh Tâm.

    Theo bác sĩ Tuấn, đột quỵ trẻ em (28 ngày đến 18 tuổi) có triệu chứng tương tự đột quỵ người lớn như động kinh, yếu chi, méo mặt, rối loạn thị lực, rối loạn phối hợp vận động, ở trẻ lớn có rối loạn ngôn ngữ...

    Nếu ở đột quỵ người lớn yếu tố nguy cơ quan trọng nhất là xơ vữa thì ở đột quỵ trẻ em 3 nhóm nguyên nhân hay gặp nhất là bệnh tim bẩm sinh, bệnh Moya Moya (một loại bệnh lý tắc hẹp mạch não bẩm sinh) và bóc tách động mạch. Một số yếu tố nguy cơ khác có thể góp phần tăng tỷ lệ đột quỵ trẻ em gồm bệnh trung mô toàn thân như lupus, bệnh hồng cầu hình liềm, tình trạng tăng đông máu, loạn sản sợi cơ của động mạch, u mạch dạng hang trong não...

    Đa phần đột quỵ trẻ em là do bệnh lý bẩm sinh hay bóc tách. Hiện chưa có nghiên cứu lớn nào chứng minh hiệu quả can thiệp trên đột quỵ trẻ em, nên việc áp dụng các phương pháp điều trị đột quỵ ở người lớn lên trẻ em luôn cần được cân nhắc theo đặc điểm tổn thương và diễn tiến bệnh của từng bệnh nhân.

    Đột quỵ trẻ em rất khó phòng ngừa do không thường gặp và nhiều yếu tố nguy cơ. Một khi bệnh nhi đã có đột quỵ, sau khi điều trị đột quỵ cấp, khuyến cáo chung phòng ngừa tái phát là tìm nguyên nhân và yếu tố nguy cơ để có cách điều trị các nguyên nhân bệnh nền phù hợp. Chẳng hạn đóng lỗ thông tim bẩm sinh, điều trị tình trạng tăng đông nếu có, cân nhắc truyền máu trong bệnh hồng cầu liềm, kháng tiểu cầu và phẫu thuật nối động mạch ngoài sọ vào trong sọ trong Moya Moya...

    Theo bác sĩ Lê Trọng Nghĩa, Khoa Ngoại Thần Kinh, Bệnh viện Quốc tế City, những trường hợp nhồi máu não, vấn đề đến sớm để xử trí kịp thời vô cùng quan trọng, không những giúp bệnh nhân có thể thoát khỏi tử vong mà còn giúp phục hồi vùng não bị thiếu máu.

    Điều trị ban đầu chủ yếu là dùng thuốc và can thiệp làm thông mạch máu bị tắc. Phẫu thuật sọ não chỉ là phương pháp cuối cùng khi bệnh nhân đến bệnh viện quá thời gian can thiệp hiệu quả và bệnh diễn tiến nặng do vùng não bị tổn thương chèn ép lên những cấu trúc quan trọng của não hoặc làm tăng áp lực bên trong làm cản trở máu lên nuôi phần não còn lại.

    Mục tiêu của phẫu thuật những trường hợp này là cứu tính mạng, làm giảm tỷ lệ tử vong do nhồi máu não diễn tiến nặng. Khả năng hồi phục của các chức năng đã bị tổn thương trước mổ như vận động, ngôn ngữ sau phẫu thuật là không đáng kể.

    Các phẫu thuật có thể được chỉ định điều trị cho bệnh nhân lúc này là dẫn lưu bớt dịch bên trong não ra ngoài hoặc phải mở xương sọ để giảm áp lực bên trong não. Việc có phẫu thuật hay không tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng bệnh nhân lúc đó, các nguy cơ phẫu thuật có thể xảy ra, mong muốn nguyện vọng và khả năng theo đuổi kế hoạch điều trị lâu dài của gia đình người bệnh.

    Lê Phương


    Let's block ads! (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Đột quỵ ở trẻ em

Share This Page