Nữ bác sĩ thể thao Việt trẻ nhất SEA games

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Dec 12, 2019.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 61)

    Hà NộiTrở về Việt Nam sau giải SEA games tại Philippines, bác sĩ Hoàng Tú Anh 24 tuổi, gầy hơn song khuôn mặt rạng rỡ tràn đầy tự hào.


    "Một tháng diễn ra SEA games vừa qua là vô vàn cung bậc cảm xúc", nữ bác sĩ trẻ nhất trong đội ngũ chuyên gia y tế chăm sóc vận động viên đại hội thể thao Đông Nam Á 2019, nói hôm 12/12. "Đến lúc này, điều mình mong muốn nhất là sớm hoàn thành thật tốt những công việc còn lại, sau đó trở về quê thăm gia đình".

    Bác sĩ Hoàng Tú Anh công tác tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam từ năm 2016. SEA games 30 là lần đầu tiên Tú Anh xa nhà lâu như vậy. "Lúc đầu khi biết tin được là bác sĩ tham gia cùng đoàn, mình vừa vui vừa lo lắng. Là thành viên trẻ tuổi nhất đoàn y tế, chưa có nhiều kinh nghiệm như các anh chị nên mình rất sợ sẽ làm ảnh hưởng đến đội", cô cho biết.

    [​IMG]

    Tú Anh là bác sĩ trẻ nhất đoàn y tế chăm sóc sức khỏe các vận động viên SEA games 30. Ảnh nhân vật cung cấp.

    Bác sĩ Tú Anh chuyên về chữa trị phục hồi chấn thương. Song song với đó, cô làm công tác chăm sóc sức khỏe cho các vận động viên đội tuyển quốc gia và tham gia các kỳ đại hội thể thao.

    Ngày đoàn vận động viên Việt Nam tham gia SEA games làm lễ xuất quân, nữ bác sĩ được nhiều người biết đến bởi vẻ ngoài trẻ trung, xinh xắn.

    "Các em môn võ gậy cũng xin chụp ảnh cùng mình làm mình khá ái ngại", Tú Anh cười nói. "Thế nhưng đúng là rất có duyên, trước hôm thi đấu, mình được phân công đúng vào bộ môn võ gậy để chăm sóc, điều trị chấn thương cho các vận động viên".

    Võ gậy là môn võ thuật đối kháng truyền thống của Philippines. Thời xưa, các võ sư tập luyện với dao kiếm. Hiện đại, bộ môn này dùng gậy gỗ song vẫn được đánh giá cao ở khả năng ra đòn, tự vệ, giúp người tập rèn luyện sự bền bỉ, tính kiên định và bản lĩnh khi đối mặt với những tình huống khó khăn.

    Nhận phân công, bác sĩ Tú Anh lập tức làm việc với ban huấn luyện đội tuyển võ gậy để nắm đặc thù thể chất vận động viên. Trước khi thi đấu, cô xoa bóp và áp dụng các bài tập thả lỏng cơ cho từng vận động viên. Mỗi bộ môn có những đặc thù khác nhau. Với môn võ gậy, vận động viên phải cử động tay và vai nên những chấn thương thường gặp sẽ nằm ở phần vai. Bác sĩ Tú Anh tập trung hướng dẫn các bài tập thả lỏng cơ phần vai để các vận động viên có được sự chuẩn bị tốt nhất.

    Cô theo các vận động viên ra sân tập vừa để kiểm tra sân, vừa ghi nhận tình hình chấn thương lẫn thể lực để có giải pháp xử trí tức thì, đảm bảo vận động viên có sức khỏe tốt nhất tham gia thi đấu.

    Với bác sĩ Tú Anh, ngày thi đấu võ gậy có lẽ là ngày dài nhất trong suốt một tháng diễn ra SEA games. "Hôm đó đội tham gia nhiều nội dung, đăng ký nhiều hạng cân khác nhau nên phải thi đấu nhiều. Đội khởi hành sớm, từ 6h sáng", nữ bác sĩ nhớ lại.

    Thông thường, bác sĩ Tú Anh xoa bóp và thả lỏng cơ cho mỗi vận động viên, mất khoảng 15 phút. Hôm thi đấu cô hướng dẫn các em tự thả lỏng cho nhau, nếu không sẽ không kịp hồi phục thể lực. May mắn, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trong quá trình thi đấu, các vận động viên không gặp chấn thương nặng. Kết quả, tối 1/12 vận động viên môn đấu gậy Vũ Thị Thanh Bình, Đào Thị Hồng Nhung và Nguyễn Thị Cẩm Nhi cùng lúc giành ba huy chương vàng khiến tất cả vỡ òa.

    Nhận huy chương xong, bác sĩ Tú Anh có nhiệm vụ dẫn 3 vận động viên đạt huy chương vàng đi thử doping. Nếu các vận động viên có dùng thuốc chữa bệnh, bác sĩ phải kê khai thuốc cho ban tổ chức để kiểm tra trong thuốc có hàm lượng doping không. Ba vận động viên Thanh Bình, Hồng Nhung, Cẩm Nhi đều vượt qua các cuộc kiểm tra doping này.

    Buổi tối ở tại làng vận động viên có các máy vật lý trị liệu. Sau mỗi ngày thi đấu, thay vì nghỉ ngơi, bác sĩ Tú Anh vẫn tranh thủ kiểm tra các chấn thương, xoa bóp, hướng dẫn vận động viên sử dụng máy vật lý trị liệu. Tờ mờ sáng, cô mới chợp mắt.

    "Đó là những ngày dài nhưng hạnh phúc", Tú Anh chia sẻ.

    [​IMG]

    Tú Anh xoa bóp cho vận động viên trước khi thi đấu. Ảnh nhân vật cung cấp

    Công việc của một bác sĩ thể thao như Tú Anh tại SEA games thầm lặng, ít người biết đến, nhất là bác sĩ nữ như cô. Cô gái tự nhắc bản thân quyết tâm hoàn thành tốt công việc để góp phần mang chiến thắng về cho nước nhà.

    Không chỉ tham gia chăm sóc vận động viên ở bộ môn võ gậy, bác sĩ Tú Anh còn hỗ trợ các vận động viên bộ môn bi sắt, wushu, đấu vật, đấu kiếm... Những môn thể thao trong nhà được ưu tên cho bác sĩ nữ. "Mỗi môn có rủi ro riêng, các bài tập xoa bóp và thả lỏng cơ sẽ tùy vào từng bộ môn", bác sĩ cho biết.

    "Ví dụ môn đấu kiếm vận động viên sẽ đau ở đầu gối nhiều, bộ môn như wushu thường đau ở vai, vì vậy bác sĩ phải áp dụng các bài tập cụ thể cho từng bộ môn", cô nói.

    Trước khi tham dự SEA games 30, Tú Anh từng là bác sĩ cho đội tuyển bóng đá U19 dự giải vô địch châu Á tổ chức ở Thái Lan. Cô cho rằng làm bác sĩ cho cầu thủ bóng đá có điểm đặc biệt hơn môn võ gậy.

    "Bác sĩ phải ăn ở cùng các cầu thủ nên mọi chế độ dinh dưỡng của cầu thủ sẽ do bác sĩ lên thực đơn, từ món ăn chính, món ăn nhẹ... sao cho tốt nhất, sau đó liên hệ với nhà bếp của liên đoàn chế biến", Tú Anh cho biết. Ở SEA games, bác sĩ chỉ cần tìm hiểu và tư vấn vận động viên nên ăn các món nào để nạp tối đa năng lượng.

    [​IMG]

    Tú Anh và các đồng nghiệp nam tại Seagame 30. Ảnh nhân vật cung cấp.

    Ngày 12/12, bác sĩ Tú Anh cùng đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA games trở về từ Philippines. Cô chia sẻ Seagame 30 là một trải nghiệm tuyệt vời.

    "Mình may mắn có được sự chỉ dẫn của các anh chị đi trước nên hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần đem lại thành tích cao cho đoàn thể thao nước nhà. Mình rất tự hào, cảm ơn vì tất cả!", nữ bác sĩ trẻ nói.

    Thúy Quỳnh


    Let's block ads! (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Nữ bác sĩ thể thao Việt trẻ nhất SEA games

Share This Page