Người nào nên tầm soát ung thư gan

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Dec 5, 2019.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 51)

    100% người bệnh ung thư gan ở Việt Nam tử vong, do hầu hết bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn.


    Bác sĩ Lê Trung Hải, Chủ tịch Hội Gan Mật Việt Nam, cho biết ung thư gan có tần suất mới mắc và tỷ lệ tử vong đứng đầu trong các bệnh lý ung thư nói chung. Theo thống kê năm 2018, có 25.335 ca mắc mới, trong khi số ca tử vong là 25.404. Như vậy, tỷ lệ bệnh mới phát hiện tương đương với tỷ lệ tử vong vì đa số các trường hợp được phát hiện đã ở giai đoạn quá muộn, người bệnh ít có cơ hội được điều trị hiệu quả.

    Bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết việc tầm soát ung thư gan cần được thực hiện tập trung vào những người có nguy cơ mắc ung thư gan cao, đặc biệt là người bệnh viêm gan mạn tính do virus (viêm gan siêu vi B, C) và người bệnh bị xơ gan do bất kỳ nguyên nhân nào.

    Những người dễ mắc ung thư gan cần được theo dõi, khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng một lần, siêu âm bụng, các xét nghiệm phát hiện ung thư gan. Đến khi phát hiện có khối u bất thường trong gan, người bệnh phải được kiểm chứng chính xác bằng phương pháp chụp CT scan, cộng hưởng từ (MRI) hoặc sinh thiết gan...

    [​IMG]

    Sinh thiết gan là một phương pháp tầm soát ung thư gan. Ảnh: WebMD

    Ở giai đoạn sớm, các dấu hiệu của bệnh ung thư gan thường không rõ ràng, khó nhận biết. Người bệnh thường không quan tâm việc đi khám bệnh hoặc không hề biết mình đã mắc bệnh. Khi bắt đầu có các triệu chứng như ăn uống kém, sụt cân, đau tức vùng dưới sườn phải, vàng mắt, phù chân, bụng to... thì đã quá muộn.

    Việc điều trị lúc này chỉ là nâng đỡ thể trạng, giảm đau đớn cho người bệnh. Do vậy, vai trò của việc tầm soát sớm ung thư gan là rất quan trọng, càng phát hiện sớm thì người bệnh càng có cơ hội điều trị hiệu quả và triệt để hơn.

    Tầm soát ung thư sớm, các bác sĩ mới có thể phát hiện kịp thời các khối ung thư mới xuất hiện. Từ đó mới có thể điều trị như phẫu thuật cắt bỏ phần gan bị ung thư, dùng nhiệt, sóng cao tần phá hủy khối u, nút tắc mạch máu nuôi khối u hoặc ghép gan... Đây là những phương pháp hiệu quả, triệt để mang lại kết quả lâu dài, cải thiện tiên lượng sống cho người bệnh.

    Bác sĩ Hoàng khuyến cáo người chưa mắc bệnh viêm gan siêu vi B nên đi chủng ngừa, khi đã có kháng thể bảo vệ thì khả năng ung thư rất thấp. Người đã mắc các bệnh viêm gan mạn tính, xơ gan cần phát hiện kịp thời và điều trị triệt để bệnh.

    Người dân cần ý thức đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và chữa trị tốt bệnh gan, duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, hạn chế rượu bia, không để thừa cân béo phì để bảo vệ tốt lá gan của mình trước các nguy cơ dẫn tới ung thư gan.

    Ước tính năm 2018 của Globocan (tổ chức chuyên điều tra tình hình ung thư trên thế giới), ung thư gan là căn bệnh thường gặp, đứng hàng thứ 5 ở nam giới và hàng thứ 9 ở nữ giới. Hằng năm, trên thế giới có đến 87.200 ca bệnh mới được phát hiện, đa số là dân châu Á (chiếm 75%), tỷ lệ mắc ở nam giới cao gấp 2 đến 4 lần so với nữ giới.

    Cẩm Anh


    Let's block ads! (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Người nào nên tầm soát ung thư gan

Share This Page