Bệnh viện kêu gọi y bác sĩ, bệnh nhân rửa tay

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Oct 16, 2019.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 65)

    Nhiều bệnh viện TP HCM, Hà Nội, chiều 15/10 phát động phong trào vệ sinh tay để chống nhiễm khuẩn bệnh viện.


    Tại lễ hưởng ứng Ngày hội rửa tay Thế giới 15/10, Trung tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, làm tăng tỷ lệ tử vong, tăng thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị và sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn.

    "Tất cả nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế đều có thể phòng ngừa được nếu nhân viên thực hiện tốt các quy trình vô khuẩn bệnh viện và đơn giản nhất là tuân thủ vệ sinh tay khi chăm sóc người bệnh", bác sĩ Bàng nói.

    Khoa Gây mê hồi sức bệnh viện này có 104 nhân viên với nhiệm vụ đảm bảo gây mê hồi sức và phục vụ mổ trung bình khoảng 150 ca mỗi ngày. Bệnh viện thực hiện nhiều kỹ thuật cao, nhiều bệnh nhân nặng và phức tạp, việc kiểm soát nhiễm khuẩn vô cùng quan trọng. Mỗi nhân viên được học những bài học đầu tiên về rửa tay thường quy, rửa tay ngoại khoa. Điều dưỡng trong hai tuần đầu bắt buộc được huấn luyện các thao tác và nguyên tắc vô khuẩn đầu tiên như rửa tay, mặc áo, đi găng, hướng đi một chiều, phân loại rác...

    Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết chỉ cần một động tác vô trùng không đúng, bỏ bớt quy trình là có thể gây nhiễm khuẩn vết mổ hoặc toàn thân, ảnh hưởng đến tính mạng và chất lượng điều trị.

    Tại phòng mổ, tất cả các bác sĩ và điều dưỡng đều bắt buộc thay trang phục, giày dép, sử dụng găng tay khi làm các thủ thuật, khi tiếp xúc với máu và dịch tiết, không sử dụng găng tay khi cầm hồ sơ bệnh án, khi mở cửa, khi gọi điện thoại... Công tác vệ sinh bề mặt cũng như thiết bị y tế được tiến hành theo các thời điểm trước ca mổ, sau mỗi ca mổ, cuối ngày và cuối tuần.

    "Nhờ vậy tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ giảm còn dưới 1,5% so với trước đây là hơn 3%. Các phẫu thuật lớn như tim mạch, thần kinh sọ não, ghép tạng đều được kiểm soát tốt", bác sĩ Phương nói. Vệ sinh tay là biện pháp đầu tiên của 9 biện pháp phòng ngừa chuẩn trong chăm sóc người bệnh.

    Bệnh viện 108 quy định tuân thủ nghiêm rửa tay khi chăm sóc người bệnh, bố trí phương tiện vệ sinh tay nhanh chứa cồn tại 1.000 điểm hành lang, 1.000 điểm trong buồng bệnh và phòng khám, 200 điểm trên xe tiêm, xe thủ thuật và 500 lavabo rửa tay xà phòng.

    [​IMG]

    Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy hướng dẫn thân nhân bệnh nhân cách vệ sinh tay, chiều 15/10. Ảnh: Lê Phương.

    Tiến sĩ Phùng Mạnh Thắng, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết tại các nước phát triển, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện khoảng 1-2%. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ này khoảng 5-10%. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện vào khoảng 3-5%. Việc ngăn ngừa và giám sát, kiểm soát nhiễm khuẩn có thể giúp giảm từ 20-30% tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện.

    Theo tiến sĩ Thắng, nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh đều là yếu tố nguy cơ truyền bệnh nên cần tích cực rửa tay. Khi nhiễm chất bẩn nhìn thấy được, cần rửa bằng xà phòng thường và nước máy. Khi nhiễm chất bẩn không thấy được, nên dùng cồn sát khuẩn tay.

    Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nhấn mạnh vai trò của vệ sinh tay và kêu gọi nhân viên, thân nhân, bệnh nhân tăng cường thực hiện. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch có thể giảm mắc bệnh đường tiêu hoá, tiêu chảy, bệnh đường hô hấp, cảm lạnh...

    "Những năm qua ban giám đốc luôn chú trọng nhắc nhở nhân viên y tế tuân thủ vệ sinh tay, chú trọng tuyên truyền, khuyến khích thân nhân bệnh nhân thực hiện việc vệ sinh tay trong chăm sóc người thân", bác sĩ Chiến nói.

    [​IMG]

    Người nhà bệnh nhân vệ sinh tay với cồn sát khuẩn nhanh tại hành lang Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Lê Phương.

    Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết quy định bắt buộc nhân viên y tế phải rửa tay thường xuyên những năm qua giúp kiểm soát được một số bệnh về tiêu hóa, tay chân miệng, góp phần giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo an toàn người bệnh... Trở ngại lớn hiện nay là việc vệ sinh tay thường quy, rửa tay của bệnh nhân và người dân chưa tốt.

    Ngày 15/10 hàng năm được Liên Hợp Quốc chọn là "Ngày thế giới rửa tay bằng xà phòng" (Global Handwashing Day).

    Lê Phương - Lê Nga


    Let's block ads! (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Bệnh viện kêu gọi y bác sĩ, bệnh nhân rửa tay

Share This Page