'Cha mẹ không nên ép trẻ ăn'

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Apr 18, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 420)

    Trẻ biếng ăn có thể suy dinh dưỡng nhưng không vì thế mà ép trẻ ăn bằng mọi cách - các chuyên gia khuyên rằng cha mẹ hãy tạo cho trẻ tâm lý thoải mái và bắt đầu bằng món ăn ưa thích.


    Buổi tư vấn trực tuyến "Dinh dưỡng cho trẻ biếng ăn" diễn ra chiều 18/4 đã nhận được gần 1.000 câu hỏi gửi về. Đa số các bậc làm cha mẹ chia sẻ rằng họ thực sự gặp áp lực mỗi lần cho con ăn. Có bé chống đối bằng cách khóc cho đến khi nôn trớ, thậm chí có trẻ còn tỏ ra hoảng sợ mỗi lần nhìn thấy mẹ bê bát cháo...

    Lắng nghe băn khoăn của cha mẹ, cả 3 vị khách mời là tiến sĩ - bác sĩ Frank Kneepkens - Trưởng khoa nhi Tiêu hóa - Trung tâm Y tế ĐH VU, Amsterdam; bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM và ông Vũ Hoàn - Đại diện Công ty FrieslandCampina Việt Nam đều cho rằng biếng ăn có thể dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng song không vì thế mà ép con trẻ ăn bằng mọi cách.

    - Con tôi 23 tháng tuổi nặng gần 13kg cháu rất lười ăn cứ ăn là lại ho và khóc cháu không ăn được gì khác ngoài cháo xay và uống sữa, thức ăn của cháu chỉ ăn được thịt lợn và thịt gà ngoài ra không ăn được loại thức ăn nào khác cả nếu ăn sẽ bị nôn. Bác sĩ giúp tôi với? (Nguyễn Văn Hùng, 38 tuổi, 224b đường Phú Liên TP Thanh Hóa)

    [​IMG]

    Tiến sĩ Frank


    - Tiến sĩ - bác sĩ Frank Kneepkens - Trưởng khoa Nhi Tiêu hóa - Trung tâm Y tế Đại học VU, Amsterdam trả lời: Trường hợp này rất khó trả lời chính xác ngay được mà cần phải làm một số xét nghiệm và các bài test. Tuy nhiên, tôi cho rằng những dấu hiệu này có thể bị tổn thương ở thực quản. Để rõ thêm cần đi kiểm tra trực tiếp. Đồng thời, bạn cần nhớ lại xem lúc nhỏ cháu có có bị nôn ói sau khi ăn hay không và hiện nay đứa trẻ không chịu ăn hay rất là khó ăn?


    - Xin chào bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng! Con em được 8 tháng tuổi, mỗi lần lần cháu ăn được 1/2 chén (loại chén nhỏ mua cho trẻ sơ sinh uống nước) thì bé không chịu ăn nữa, phải dỗ cho bé vừa chơi vừa ăn, em thường xuyên thay đổi món cho bé. Vậy cho em hỏi bé ăn vậy là đủ hàm lượng chưa (1 ngày bé ăn 3 lần sáng, trưa chiều)?

    Xin bác sĩ cho em biết công thức ăn thích hợp cho trẻ 8-10 tháng? (mỗi bữa ăn gồm: rau, củ, dầu ăn, thịt)? (Van Hien, 30 tuổi, Hà Nội)

    - Tiến sĩ - bác sĩ Frank Kneepkens: Theo tôi, bạn nên cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm và tạo hứng khởi cho bé trong bữa ăn. Còn để biết bé có đủ dinh dưỡng hay không cần căn cứ trên nhiều chỉ số, trong đó phải kiểm tra về cân nặng. Nếu cân nặng đứa trẻ vẫn bình thường thì không cần quan ngại vì bản thân cơ thể bé đã là thước đo tốt nhất về sức khỏe của mình. Cơ thể bé sẽ hiểu bé muốn gì và thích ăn gì?

    - Em bé của mình mới sinh được 1 tháng nhưng gần đây bé rất ít bú mẹ. Xin các chuyên gia tư vấn giúp làm sao cho bé bú mẹ nhiều hơn? (Mẹ cháu rất nhiều sữa) (Dương Thành Chung, 30 tuổi, Q8, HCM)

    - Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM: Chào em. Trước tiên chúng ta cần xác định xem bé có bú mẹ ít thật sự hay chỉ do cảm nhận của em. Các dấu hiệu của bé bú đủ lượng sữa cần thiết gồm bé vẫn lên cân, bé ngủ yên sau khi bú, không quấy khóc, đi tiểu đủ, đi cầu hàng ngày từ 3-5 lần, phân mềm, màu vàng nhạt...

    Trong trường hợp bé có các biểu hiện trên thì em không có gì phải lo lắng.

    Nếu bé không lên cân, hay quấy khóc hoặcđi tiểu ít, có khả năng bé không bú đủ lượng sữa cần thiết. Em nên cho bé khám và tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc dinh dưỡng để kiểm tra sức khỏe của bé, kiểm tra lượng sữa của mẹ để giúp bé bú đủ lượng sữa cần thiết.

    - Hiện tại con trai tôi được 5 tuổi 3 tháng, cháu cao 111cm, nặng 19kg (cân nặng này duy trì từ khi cháu 2 tuổi tới giờ), cháu rất lười ăn và ăn ngậm, chỉ nuốt nước, nhả bã (thậm chí ăn cháo cũng vậy), chúng tôi đã tìm rất nhiều cách như: thay đổi món ăn, nhờ tới bác sỹ ở viện dinh dưỡng (mỗi lần đi khám về các bác sỹ cho thuốc uống thì cháu ăn được nhưng hết thuốc lại thôi), thay đổi môi trường sống nhưng không cải thiện được nhiều, đôi khi chúng tôi cảm thấy bất lực trước vấn đề ăn uống của con mình. (Về tinh thần và hoạt động thể chất thì cháu vẫn bình thường) Bác sỹ có thể tư vấn giúp chúng tôi làm cách nào để giải quyết được vấn đề này không? (Tôi ở Hà Nội)
    Xin cảm ơn bác sỹ,
    (Phạm Ngọc Bắc, 30 tuổi, Hà Nội)

    [​IMG]

    - Tiến sĩ - bác sĩ Frank Kneepkens: Tôi cho rằng cháu bé bị nhẹ cân. Theo mô tả của bạn, thì bé chỉ uống được nước, sữa và đại loại các thực phẩm chế biến dưới dạng đồ uống chứ không ăn được các thực phẩm khô. Do vậy, bạn nên đưa con đến khám và điều trị ở phòng khám uy tín. Ngoài ra, cần kiểm tra xem cháu có bị vấn đề gì về thực quản. Tôi nghi ngờ khả năng cao, cháu bị đau ở họng khiến việc nuốt thức ăn gặp khó.

    - Vì sao FrieslandCampina tự hào tuyên bố Dutch Lady Complete là giải pháp dinh dưỡng hoàn thiện dành cho trẻ em Việt Nam? (Pham, 30 tuổi, TP HCM)

    - Ông Vũ Hoàn - Đại diện Công ty FrieslandCampina Việt Nam: Dutch Lady Complete hoàn thiện nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của trẻ, được thiết kế dựa trên kết quả nghiên cứu SEANUTS (khảo sát dinh dưỡng các nước khu vực Đông Nam Á). Theo khảo sát này, khoảng 50% trẻ em Việt Nam (6 tháng đến 12 tuổi) bị thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày như vitamin A, B1, C, D và chất sắt.

    Dutch Lady Complete cung cấp đủ lượng vitamin và khoáng chất cần thiết cho nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của trẻ theo khuyến nghị về chế độ dinh dưỡng tham khảo của Mỹ (US DRI). Sản phẩm này cung cấp năng lượng cân đối và phù hợp cho trẻ sử dụng an toàn và lâu dài.

    Ngoài ra khi sử dụng Dutch Lady Complete các bà mẹ sẽ không phải trả một mức giá quá cao cho một giải pháp dinh dưỡng hiệu quả.

    - Con tôi hiện nay đã được 11 tháng tuổi, cân nặng 7,5kg, chiều cao khoảng 73cm. Khoảng 4 tháng gần đây cháu hầu như không tăng cân mà chỉ tăng chiều cao. Chế độ ăn của cháu như sau: cháu ăn 3 bữa cháo - mỗi bữa 1 bán thủy tinh khoảng 150 ml (gồm rau củ, thịt, tôm, cá, trứng, cua, đạm khoảng gần 1 lạng), 3 ly sữa khoảng 460ml, ngoài ra cháu còn uống thêm nước cam và ăn trái cây (bơ, chuối). Cháu có bú thêm mẹ vào buổi tối và đêm. Mẹ cháu xin hỏi chế độ dinh dưỡng như vậy có đúng không mà sao cháu không tăng cân. Cháu ngủ không sau giấc, ngủ hay trằn trọc vào buổi đêm, tình trạng này kéo dài đã nhiều tháng rồi. Ban ngày cháu vẫn vui chơi bình thường và có ngủ 3 giấc (khoảng 1/2 - 1 tiếng/giấc). Mẹ cháu có đổi chỗ ngủ và để chỗ ngủ của cháu thoáng mát vào buổi đêm nhưng tình trạng này vẫn không thay đổi. Có người tư vấn cho cháu uống thêm canxi, nhưng uống canxi thì cháu bị táo bón. Mẹ cháu đang rất lo lắng không biết làm thế nào để cải thiện tình hình. Rất mong Bác sỹ và các chuyên gia tư vấn giúp. (Me be khoai, 32 tuổi, Hà Noi)

    - Tiến sĩ - bác sĩ Frank Kneepkens: Tôi cho rằng con bạn không cần bổ sung nhiều canxi nữa. Bản thân sữa đã cung cấp đủ chất này. Theo mô tả của bạn thì hiện tại, bạn không nên quá lo lắng khi con bạn chưa tăng cân theo đúng chỉ số bạn mong muốn. Bởi có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này ví dụ cấu trúc cơ thể thay đổi, do vậy, cần tiếp tục theo dõi ít nhất 1-2 tháng nữa. Nếu sau đó con vẫn khó ngủ thì bạn nên đưa con đến khám bác sĩ nhi khoa để có chuẩn đoán chính xác.

    - Con gái em 21 tháng hiện tại cháu được 10kg. 1 ngày cháu ăn 3 bữa cháo (mỗi bữa một bát tô nhỏ), thực phẩm cháu hay ăn là: thịt lợn, thịt bò, cua, cá hồi, trứng kèm các loại rau củ; 150 ml sữa/2 lần/ngày, 1 hộp sữa chua, 1 quả cam và 1 số loại hoa quả khác. Cháu không thích ăn lắm, nhưng ăn cũng đều mà sao tăng cân rất chậm. Cháu nhanh nhẹn, thông minh, hoạt bát. Đi đại tiền từ 1-3 ngày/lần. Xin bác sĩ tư vấn dinh dưỡng hợp lý để giúp em cải thiện tình trạng cân nặng của cháu. Xin chân thành cảm ơn bác sĩ và nhóm tư vấn. (Nguyen Thi Mai Anh, 45 tuổi, TP HCM)

    - Tiến sĩ - bác sĩ Frank Kneepkens: Tôi cho rằng băn khoăn của bạn giống với khá nhiều ông bố bà mẹ khác mà tôi được biết và khi tìm đến tôi nhờ được tư vấn. Thông thường, tôi sẽ hỏi ngay chiều cao của em bé là bao nhiêu, và quá khứ cháu có phát triển tốt như các bạn cùng trang lứa. Nếu chiều cao phát triển tốt thì hoàn toàn bình thường và bạn không nên quá lo lắng. Còn nếu em bé phát triển chậm, cả chiều cao và cân nặng đều không đạt như mong muốn và tình trạng này kéo dài, bạn nên kiểm tra lại khẩu phần ăn của trẻ. Bạn lắng nghe cơ thể con và đưa ra chế độ dinh dưỡng hợp lý, có thể tăng thêm chất dinh dưỡng trong thức ăn như nấu cháo đặc hơn hoặc các sản phẩm chuyên biệt cho bé, như sữa toàn kem, nhiều chất béo

    - Em có một bé trai tròn 8 tháng tuổi. Cân nặng lúc sinh ra là 3,3kg. Từ lúc sinh ra đến lúc 6,5 tháng bé tăng cân tương đối tốt. Cân nặng lúc 6,5 tháng là 8,8kg. Chiều dài khoảng 70-71cm. Từ lúc sinh ra đến 5,5 tháng bé bú mẹ hoàn toàn. Từ 5,5 tháng đến nay bé ăn dặm ngày 2 lần. Trong 10 ngày đầu ăn dặm cho bé ăn bột mua sẵn, sau đó mẹ bé cho ăn cháo nấu nhuyễn với rau củ, thịt cá rây qua lưới…
    Tuy nhiên sau đó bé bị sốt siêu vi (sốt cao) 1 đợt khoảng 5 ngày (những ngày đầu tháng thứ 7). Và bị rối loạn tiêu hóa khoảng 2 lần (đi ngoài phân lỏng tanh, đi 3-5 lần /ngày ; đợt sau có kèm theo nôn ói). Cả 2 lần theo để ý của ba mẹ bé đều bị sau khi ăn cháo nấu với tôm.
    Từ sau khi được 7 tháng đến nay hầu không thấy bé tăng cân. Hiện tại bé vẫn ăn dặm ngày 2 lần cháo do mẹ tự chế biến (không cho ăn cháo tôm nữa) kèm với bú mẹ, không thêm sữa ngoài. Tuy nhiên bé rất lười ăn : mỗi lần ăn bé thường tìm cách để từ chối như tìm cách nôn ọe, hay khóc, lè ra ….Mỗi bữa bé ăn được khoảng nữa chén
    (NVQuoc , 32 tuổi, Hà Nội)

    - Tiến sĩ - bác sĩ Frank Kneepkens: Đứa trẻ này phát triển những tháng đầu tốt nên có dự trữ tốt về dinh dưỡng, tình trạng hiện nay ở 1 số gia đình là sau khi bệnh thì gia đình muốn trẻ ăn nhiều hơn và ép trẻ ăn, điều này sẽ khiến trẻ phản kháng và không chịu ăn. Vì trẻ có dự trử tốt về dinh dưỡng nên không cần lo lắng và cho trẻ ăn theo ý trẻ và theo dõi sự tăng trưởng,

    - Bé gái nhà em được 15 tháng, 11,5 kg, cao 78cm, là con so, bé được sinh ra bằng phương pháp mẹ mang thai bằng thụ tinh ống nghiệm.. Bé bú me đến 4 tháng. Ngay từ nhỏ, bé không thèm bú mẹ, hay thèm ăn bất cứ thứ gì, kể cả một thìa nước cũng phải ép mới cho vào miệng được. Thấy bé không có cảm giác nào ăn ngon miệng từ nhỏ, nên em đã làm đủ mọi cách, kể cả cho bé thật đói rồi mới cho bé ăn, vậy mà bé vẫn không chấp nhận ăn ngay từ muỗng đầu, nên đành phải tiếp tục ép. Chế độ dinh dưỡng của bé hằng ngày: sáng 7h ăn 150 ml cháo, 9 h: uống 180ml sữa, 11.30 ăn 150 cháo, 12 giờ uống 1 quả cam, 13.30 uống 180 sữa, 16.30 ăn 150 cháo, 18 giờ ăn sữa chua hoặc váng sữa, 20h bé uống 180 sữa rồi ngủ đến sáng. Xin bác sĩ tư vấn giúp, em phải làm gì để bé ăn uống vui vẻ mà không phải ép bé ngay từ muỗng đầu tiên. Cảm ơn bác sĩ! (Lê Thị Ly Ly, 37 tuổi, Đà Nẵng)

    - Tiến sĩ - bác sĩ Frank Kneepkens: Nếu con của bạn không quấy khóc hoặc khổ sở khi ăn thì con bạn không bị vấn đề gì đáng kể. Tiếp tục cho cháu ăn, cháu sẽ dần quen và vui với việc ăn uống.

    - Tôi có con trai 10 tuổi, cháu không thích ăn cá mà chỉ thích ăn cơm với ruốc. Vậy cháu có mất cân bằng dinh dưỡng? (Quảng An, 30 tuổi, Hà Nội)

    [​IMG]

    - Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Chế độ ăn của cháu như vậy là chưa cân bằng. Nếu cháu không ăn rau, củ, quả, các loại thực phẩm cung cấp chất đạm khác ngoài cá có khả năng cháu sẽ bị thiếu nhiều vi chất dinh dưỡng. Anh/chị cần hướng dẫn và cho cháu ăn đa dạng thực phẩm (15-20 loại thực phẩm mỗi ngày) để đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho trẻ tăng trưởng tốt.

    - Con tôi hiện nay được 10,5 tháng tuổi, cân nặng 8,6kg chiều cao 73cm. Lúc 6-8 tháng tuổi cháu ăn 3 bữa bột và 3 cữ sữa mỗi ngày mỗi lần khoảng 150ml. Nhưng từ lúc 9,5 tháng trở đi vợ chồng tôi cho cháu chuyển sang ăn cháo loãng thì cháu nhất quyết không chịu ăn. Vợ chồng tôi có cho cháu ăn bột trở lại cháu cũng không chịu ăn lại. Hiện nay cháu chỉ uống sữa. Tháng trước vợ chồng tôi có đưa cháu đi khám dinh dưỡng bác sĩ có cho cháu uống bổ sung canxi và kẽm. Nhưng khi cho cháu uống bổ sung kẽm thì cháu ăn hay bị ói nên vợ chồng tôi ngưng cho cháu uống kẽm. Xin bác sĩ tư vấn! (hùng, 35 tuổi, 72/5 bạch đằng p24 bình thạnh)

    - Tiến sĩ - bác sĩ Frank Kneepkens: Con của bạn không cần bổ sung canxi vì cháu đã uống sữa và canxi có nhiều trong sữa. Nếu cháu bị nôn ói khi uống kẽm thì cũng không cần uống thêm kẽm. Nên cho cháu ăn các thức ăn dặm khác như khoai tây nghiền, bông cải... để thử cháu có chịu ăn những thức ăn khác hay không.

    - Thưa bác sĩ trẻ em mấy tuổi thì nên ăn cơm? Liệu ăn cháo trong một thời gian quá dài trẻ sẽ mất khả năng nhai cơm và sẽ ăn cháo tới tận 6 tuổi như đứa cháu của tôi bây giờ không?

    Con tôi hay ngậm khi ăn? Vậy tôi phải làm sao? (Cao Ngọc Nữ)

    - Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Chào em. Nên cho trẻ tập ăn cơm khi trẻ đã mọc đủ các răng hàm, thông thường là trẻ 2 tuổi. Nếu cháu chị đã 6 tuổi mà vẫn chỉ ăn cháo mà không ăn cơm thì không chỉ ảnh hưởng đến các chức năng tiêu hóa, khiến cháu bị thiếu dinh dưỡng, mà còn hạn chế sự phát triển phần xương hàm mặt, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

    Nếu cháu hay ngậm khi ăn, chị nên thay đổi món ăn, không nên cho cháu xem TV, phim hoạt hình, ca nhạc... khi ăn.

    - Thế nào là chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng hàng ngày để bé phát triển khỏe mạnh, năng động hơn? Một bữa ăn có đầy đủ rau, đạm, trái cây và uống sữa thì có đảm bảo là đủ chất dinh dưỡng cho bé chưa? (Thắm, 32 tuổi, Hà Nội)

    - Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Một chế độ ăn được coi là cân bằng dinh dưỡng trước tiên cần cung cấp đủ năng lượng, các chất dinh dưỡng sinh năng lượng, các vitamin, khoảng chất và chất sơ phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe và giới tính của trẻ.

    Trong các chất dinh dưỡng sinh năng lượng bao gồm chất bột đường, chất đạm, chất béo cần có tỷ lệ cân đối trong cơ cấu năng lượng hàng ngày của trẻ. Thông thường đối với trẻ nhỏ, chất đạm cần cung cấp 20%, chất béo 25-30%, chất bột đường 50-55%. Để đảm bảo cho sự tăng trưởng của trẻ, cần đảm bảo cung cấp đủ lượng vitamin và khoáng chất, trong đó chú trọng các loại vitamin A, nhóm B, C, D, các khoáng chất không thể thiếu gồm sắt, i ốt, kẽm, canxi.

    Một bữa ăn có đủ rau, đạm, trái cây ăn cùng cơm hoặc các chất bột đường như nuôi, phở, bún... có đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ hay không còn cần quan tâm đến hàm lượng các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm và cách chế biến món ăn có bảo toàn được lượng chất dinh dưỡng có trong thực phẩm hay không.

    Sữa là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng. Bạn hãy chú ý chọn sữa phù hợp với lứa tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ để giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và năng động hơn.

    [​IMG]

    - Con tôi hiện nay 28 tháng tuổi, cao 84cm, nặng 12kg. Trước 9 tháng tuổi cháu phát triển tốt nhưng đến 9 tháng tuổi, cháu bị tiêu chảy cấp phải điều trị 10 ngày. Sau thời gian đó cháu rất biếng ăn đẫn đến suy dinh dưỡng. Thời gian gần đây (khoảng 2 tháng) mỗi ngày cháu có ăn được 3 bữa cháo, mỗi bữa khoảng một bát, kèm theo mỗi ngày cháu uống được 300-400ml sữa (có ngày không được như vậy và cháu có cảm giác không muốn ăn). Tuy nhiên thể trạng của cháu vẫn rất yếu, hay khóc. Tuy đã đi khám dinh dưỡng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 nhưng vẫn chưa có tiến triển. Mong bác sĩ tư vấn giúp làm cách nào để cháu ăn tốt và nâng cao thể trạng. Cảm ơn! (Trung, 34 tuổi, TP HCM)

    - Tiến sĩ - bác sĩ Frank Kneepkens: Bạn nên kiểm tra xem bé có bị tiêu chảy hoặc táo bón hay không. Nếu trẻ bị tiêu chảy cần kiểm tra tình trạng nhiễm ký sinh trùng đường ruột. Còn nếu bị táo bón, cần điều trị đúng cho căn bệnh này. Ngoài ra cần cho bé ăn đa dạng thức ăn như các loại rau củ nghiền, bánh mì mềm, cá chiên hoặc hấp...

    - Con tôi (bé gái) được 23 tháng, rất hiếu động nặng khoảng 10 kg, bé hiện rất kén ăn, tôi dùng đủ cách để dụ nhưng cũng không được. Xin bác sĩ tư vấn cho tôi các chất dinh dưỡng cần thiết cho bé và các loại thuốc về dinh dưỡng. Xin cảm ơn. (Lê Nguyễn Anh Nhân, Hồng Ngự, Đồng Tháp)

    [​IMG]

    - Ông Vũ Hoàn: Bé 23 tháng mà 10 kg thì có dấu hiệu suy dinh dưỡng. Với tình trạng kén ăn hiện tại thì bé rất dễ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu hụt vi chất nặng hơn.

    Chế độ dinh dưỡng hiện tại của bé phải đảm bảo 3 bữa ăn chính (đảm bảo đủ 4 nhóm chất: đạm, đường, béo và Vitamin, khoáng chất) cộng 2 bữa phụ (sữa chua, bánh Flan, trái cây...) và chế độ sữa là 600ml mỗi ngày.

    Bé 23 tháng chắc hẳn đã sử dụng nhiều loại sữa nhưng tình trạng biếng ăn vẫn không cải thiện. Dutch Lady Complete mới là 1 giải pháp giúp hoàn thiện chế độ dinh dưỡng hàng ngày của bé:

    1. Cung cấp nguồn năng lượng cao và cân đối, hỗ trợ cho sự phát triển cân nặng và chiều cao của bé.

    2. Cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng vốn đang thiếu hụt ở bé kén ăn.

    3. Rất dễ tiêu hóa và hấp thu (hệ dưỡng chất xơ Inulin, FOS, các axit béo chuỗi trung bình) cũng như được bổ sung giàu các dưỡng chất phát triển trí nào và thể chất cho bé (giàu DHA, Omega 3, Omega 6).

    4. Hương vị thơm ngon, 98% các bà mẹ đã chọn tiếp tục sử dụng sản phẩm Dutch Lady Complete sau khi dùng thử.

    - Bé nhà em uống sữa rất ít, mỗi ngày chỉ uống được ba lần, mỗi lần được khoảng 60ml. Xin hỏi bác sĩ có cách nào giúp bé thích thú uống sữa hơn không? Bé nhà em được 7 tháng tuổi và được 8kg. Như thế bé nhà em có bị suy dinh dưỡng không? Công thức bữa ăn cho bé như thế nào thì hợp lý. (lê thu phương, 31 tuổi, ninh bình)

    - Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Cháu 7 tháng, mỗi ngày chỉ uống 180ml sữa, nếu bé còn không được bú sữa mẹ thì đúng là chưa đủ nhu cầu hàng ngày. Em hãy cố gắng duy trì việc nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất đến 12 tháng để giúp trẻ phát triển toàn diện. Trong trường hợp phải chọn sữa công thức, em nên chọn loại sữa công thức dành cho trẻ dưới 1 tuổi.

    Bé đã 7 tháng tuổi, em hãy bắt đầu cho trẻ tập ăn dặm. Theo nguyên tắc từ lỏng tới đặc, từ ít tới nhiều. Hãy bắt đầu bằng bột mỗi ngày 1 lần. Chén bột của trẻ cần có đủ các nhóm thực phẩm chính là chất đạm (thịt, trứng, cá...), chất béo (dầu ăn hoặc mỡ động vật), rau hoặc củ.

    Con của em 7 tháng, cân nặng 8kg là trong giới hạn cân nặng bình thường.

    - Con tôi 12 tháng tuổi, rất biếng ăn. Vậy làm cách nào để cho cháu có thể ăn ngon mà không phải dùng hình thức "cưỡng ép" nào? Các bé biếng ăn sẽ thiếu chất gì và có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe? (Mai Ngọc Nga)

    - Ông Vũ Hoàn: thường các bé biếng ăn thì rất ít hoặc không ăn rau quả, thậm chí thịt cá trứng sữa nên trẻ biếng ăn thường bị suy dinh dưỡng và thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Các bé biếng ăn tăng trưởng chậm hơn về chiều cao, cân nặng so với bé cùng lứa tuổi. Để cho bé ăn ngon, không phải dùng hình thức cưỡng ép thì bố mẹ cần lưu ý những điểm sau:

    1. Chế độ ăn phải đa dạng và bổ dưỡng, đảm bảo đủ năng lượng (cân đối đạm đường béo) và vi chất dinh dưỡng (rau củ quả)

    2. Bố mẹ là tấm gương cho con noi theo nên chế độ ăn của bố mẹ cũng phải đa dạng, bổ dưỡng (không có kén ăn)

    3. Không nên tạo áp lực trên mỗi bữa ăn của trẻ như dọa nạt, ép ăn...

    4. Bố mẹ phải tạo được không khí vui vẻ trong mỗi bữa ăn.

    5. Không để bữa ăn kéo dài quá 30 phút kể cả khi bé ăn không hết khẩu phần

    6. Bố mẹ nên biết khi nào bé đói, no, đủ no

    7. Phải hiểu được những thức ăn bé thích và không thích ăn

    8. Hãy cho bé cơ hội ăn thử và khuyến khích bé tự chọn món ăn

    - Lời đầu tiên xin gửi tới các anh chị lời chúc sức khỏe và thành đạt. Tôi có cháu gái được 31 tháng tuổi, cháu cao 97cm, nặng 17,6kg. Chế độ dinh dưỡng của cháu như sau: cháu thức dậy 7h sau đó ăn một bữa cháo, 9h cháu uống một hộp sữa tươi, 9h30 hộp sữa chua, 11h 30 một bữa cháo. 12h cháu ngủ trưa đến 14h chiều cháu dậy ăn một bữa hoa quả thay đổi hàng ngày. 16h hộp váng sữa, 17h30 cháu ăn bữa cháo, 21h một cốc sữa công thức 500ml. Đến 21h30 cháu đi ngủ. Cháu đã mọc 22 răng. (Pham, 32 tuổi, Hai Phong)

    Điều tôi lo lắng là hiện nay cháu chưa ăn được cơm mặc dù gia đình tôi đã thử nhiều biện pháp. Mẹ cháu cũng là bác sĩ nhưng vì đang đi học xa nhà nên không có thời gian bên cạnh cháu nhiều. Chế độ dinh dưỡng như vậy có phù hợp với cháu không? Làm cách nào để cháu có thể ăn được cơm? Cháu rất linh hoạt và hiếu động.

    Tiến sĩ - bác sĩ Frank Kneepkens:

    Chế độ ăn của cháu khá tốt, thậm chí có thể nói là hơi nhiều. Nên giảm số lần uống sữa và ăn cháo còn khoảng 3 bữa chính và 2 bữa phụ, tổng số sữa hợp lý vào khoảng 350ml mỗi ngày. Chế độ ăn này sẽ giúp trẻ dễ ăn thêm các thức ăn khác, trong đó có cơm.

    - Con tôi 34 tháng tuổi nặng 14kg, cao 89cm như vậy có thấp quá không? Liệu tôi có cần bổ sung cho bé canxi ngoài chế độ ăn để tăng chiều cao được không? (Nguyễn Thị Phú, hà Nội)

    [​IMG]

    - Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Chào em! Với chiều cao như trên, con em hơi thấp so với chuẩn, còn cân nặng trong giới hạn bình thường.

    Em nên cố gắng lựa chọn những thực phẩm giàu canxi, vitamin D, chất đạm động vật như sữa, các loại thủy hải sản để hỗ trợ cháu tăng trưởng tốt hơn.

    Nên thường xuyên cho bé tham gia các hoạt động ngoài trời để bé có thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, giúp việc hấp thu và chuyển hóa các chất dinh dưỡng được tốt hơn. Việc có bổ sung thêm canxi hay không phải do các bác sĩ chuyên khoa quyết định.

    - Con gái tôi năm nay 4,5 tuổi, cháu nặng 17kg và cao 1,07m. Cháu ăn cơm và thịt khá tốt nhưng lại không ăn chút trái cây nào mặc dù gia đình đã cố gắng thử nhiều cách và thử nhiều loại quả khác nhau. Vậy việc này có gây nên thiếu chất và ảnh hưởng đến cân nặng của cháu không? Gia đình tôi nên bổ sung các chất thiếu bằng cách nào? (Dương Hải Yến, 32 tuổi, Thụy Khuê, Hà Nội)

    - Tiến sĩ - bác sĩ Frank Kneepkens:: Tất nhiên, trẻ sẽ được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ hơn nếu cháu được ăn đa dạng các loại thức ăn, đặc biệt là hoa quả. Tuy nhiên, với trường hợp của con bạn, cháu không thích ăn trái cây thì bạn cũng không nên quá lo lắng. Bạn có thể dùng một số loại thuốc bổ để bổ sung thêm dinh dưỡng.

    Tôi cho rằng việc trẻ tự nguyện và thích thú với việc ăn uống là cần thiết chứ không nên bắt ép. Nếu trẻ không thích mà cứ ép sẽ gây tâm lý sợ hãi. Bạn cứ nhẹ nhàng dỗ dành con và tạo cho trẻ tâm lý thoải mái, đến một thời điểm nào đó trẻ sẽ tự thích ăn trái cây.

    - Xin chào bác sĩ
    Con gái tôi năm tính đến ngày hôm nay được 27 tháng tuổi, nhưng hiện tại cháu chỉ nặng có 10,5kg. Cháu rất biếng ăn, khi ăn chỉ ăn được cháo và ăn cơm trắng không.
    Khi đi cháu đi đại tiện thì gần như ăn cái gì vào là ra cái đó. Gần như thức ăn chưa được tiêu hóa. Da cháu rất xanh và môi cháu nhợt nhạt.
    Rất mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ
    Tôi xin trân thành cảm ơn./.
    (Vũ Thế Hiệp, 31 tuổi, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang)

    - Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Theo những triệu chứng bạn mô tả, tôi cho rằng cháu có khả năng bị suy dinh dưỡng, thậm chí cháu đang có biểu hiện thiếu máu. Nguyên có thể do cháu bị chứng biếng ăn kéo dài, khả năng cháu không thích ứng với một số loại thực phẩm. Bạn nên cho cháu đi khám các bác sĩ chuyên khoa nhi và dinh dưỡng, để có thể xác định chẩn đoán và có chỉ định điều trị thích hợp.

    Trong chế độ ăn hàng ngày của cháu, bạn cũng cần ưu tiên chọn các loại sữa công thức có bổ sung các vi chất. Bữa ăn chính của cháu cần được bổ sung thêm chất béo (khoảng 2 muỗng canh dầu ăn), chất đạm (4 muỗng canh thịt hoặc cá hoặc tôm hay một lòng đỏ trứng...), 2 muỗng canh rau cho mỗi chén cháo hoặc cơm.

    Bạn nên cho cháu tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời để giúp bé hấp thu và chuyển hóa các chất dinh dưỡng, đặc biệt canxi và vitamin D tốt hơn.

    - Chào bác sĩ! Hai bé song sinh nhà tôi được 15 tháng tuổi, nặng 11kg và cao 76cm. Với cân nặng và chiều cao như vậy có bị thiếu cân hay thiếu chiều cao không? Các bé đang ăn dặm 3 bữa cháo và uống sữa. Bác sĩ cho biết nên bổ sung gì vào bữa ăn để các bé tăng hơn về chiều cao. Ban đêm bé ngủ không ngon giấc mà hay thức dậy khóc và lăn lộn. Có nên bổ sung can xi hay vitamin gì cho bé không? Xin bác sĩ tư vấn! (Nguyễn Văn Tuấn, 40 tuổi, Gò Vấp, Tp. HCM)

    - Tiến sĩ - bác sĩ Frank Kneepkens: Tôi cho rằng xét yếu tố chiều cao theo bạn mô tả thì chỉ số của bé vẫn nằm trong giới hạn cho phép nhưng ở mức thấp. Tuy nhiên, bạn không nên lo lắng quá mức mà vội vàng bổ sung thực phẩm hay dược phẩm nào cho trẻ vì nếu không kiểm tra kỹ có khi lại dẫn đến các tác dụng ngược.

    Về triệu chứng khóc đêm, khi cháu khóc cha mẹ nên dỗ dành nhưng thời gian dỗ dành này cũng cần giảm dần để tránh việc tạo thói quen xấu. Ở một số trẻ, khóc đêm không phải là bệnh lý mà là trẻ đang muốn được cha mẹ quan tâm chăm sóc nhiều hơn. Ví dụ đêm đầu có thể dỗ cháu trong 4 phút, đêm thứ hai giảm xuống 4 phút và tiếp tục giảm dần. Nếu việc khóc đêm không giảm, nên đưa trẻ đến khám bác sĩ.

    - Con gái tôi 3 tuổi, cao 110 cm, nặng 23 kg, cháu đã bị béo phì chưa? Liệu cháu có thể uống sữa bột Dutch Lady Complete để bổ sung vitamin A, B1, C, D và sắt trong chế độ ăn hàng ngày không? (Phạm Hoài Anh, 30 tuổi, TP HCM)

    [​IMG]

    - Ông Vũ Hoàn: Với chỉ số như vậy là bé đã có dấu hiệu dư cân. Chế độ dinh dưỡng hàng ngày của bé nên tăng rau và chất xơ, giảm đường và chất béo. Ngoài ra, phải khuyến khích bé tăng cường vận động để tiêu hao năng lượng dư thừa.

    Sữa vẫn là thực phẩm quan trọng cho lứa tuổi này, sữa cung cấp nhiều canxi, khoáng chất và Vitamin D giúp bé phát triển chiều cao. Khi bé cao lên, tình trạng dư cân của bé sẽ giảm và mất đi.

    Từ nghiên cứu SEANUTS (khảo sát dinh dưỡng trên trẻ em 6 tháng đến 12 tuổi tại các nước khu vực Đông Nam Á 2012), 50% trẻ em Việt Nam thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng Vitamin A, B1, C, D và sắt. Như vậy kể cả các bé dư cân béo phì cũng có nguy cơ thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng, Dutch Lady Complete được thiết kế dựa trên nghiên cứu này, là nguồn cung cấp năng lượng cân đối, dồi dào các Vitamin và khoáng chất thiết yếu giúp bé phát triển toàn diện.

    - Con tôi 8 tháng tuổi, hay bị bón, 2 đến 3 ngày không đi là tôi phải bơm đít mới chịu đi cầu. Mỗi lần đi cháu rặn rất nhiều có khi bị chảy máu ở hậu môn, lúc đầu đi phân rắn sau đó tới phân sền sệt. Xin hỏi bác sĩ cách để bé tự đi cầu và không bị táo bón nữa, xin cám ơn! (Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, 27 tuổi)

    [​IMG]

    - Tiến sĩ - bác sĩ Frank Kneepkens: Theo kinh nghiệm cùa tôi, nếu trẻ có chế độ dinh dưỡng tốt mà bị táo bón thì không nên thay đổi chế độ dinh dưỡng. Nên điều trị bằng thuốc. Kinh nghiệm của các bác sĩ Hà Lan nên sử dụng 5ml lactulose mỗi ngày và giảm dần trong một tháng. Tuy nhiên bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và có phương pháp chữa trị hợp lý nhất.

    - Em chào bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp.
    Em muốn hỏi bác sĩ tư vấn cho em về trẻ biếng ăn, bé moon nhà em được 18 tháng bé cân nặng 10 ký, mỗi lần bé mọc răng là sốt và không chịu uống sữa, ăn cháo, mà mỗi lần ăn cháo là bé không chịu ăn gì hết. Bé mọc được 8 cái răng, bác sĩ tư vấn cho em có cách nào làm bé ăn ngon miệng không?
    (Tam Nguyen)

    - Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Chào em. Bé Moon 18 tháng, cân nặng mới 10kg tuy chưa suy dinh dưỡng, nhưng em cần quan tâm chăm sóc chế độ dinh dưỡng cho bé để không rơi vào nguy cơ suy dinh dưỡng.

    Trẻ 18 tháng nằm trong nhóm nguy cơ bị biếng ăn cao. Trong thời gian mọc răng, trẻ thường kén ăn, vì vậy cha mẹ cần chịu khó chế biến các món ăn phù hợp, không nên tìm mọi cách ép trẻ ăn để tránh gây áp lực tâm lý có thể dẫn tới biếng ăn thật sự cho trẻ.

    Trong thời gian này, bạn nên ưu tiên tạm thời sữa có bổ sung các vi chất dinh dưỡng và các món ăn mềm để bé dễ chấp nhận món ăn, bổ sung thêm chất béo để đảm bảo cung cấp năng lượng.

    Bạn hãy tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong từng bữa ăn của trẻ.

    - Con tôi rất sợ ăn, bất luận là món gì. Xin tư vấn giúp tôi làm thế nào để bé hào hứng mỗi khi đến bữa? (Minh Anh, 30 tuổi, Hà Nội)

    - Tiến sĩ - bác sĩ Frank Kneepkens: Đây là một tình huống khó, sợ ăn có thể do vấn đề tâm lý, do rối loạn vận động vùng họng và miệng hay các bất thường đường tiêu hóa. Vì vậy cháu cần được khám và tư vấn bởi các chuyên gia.

    - Chào bác sĩ! Bé nhà tôi đuợc 33 tháng tuổi, cháu rất biếng ăn và hay ngậm, hay bị ói mỗi khi ho. Hầu như cháu không thèm ăn gì cả, cháu đang điều trị bệnh hen suyễn hàng ngày. Không biết có phải do bệnh này khiến cháu biếng ăn? Hiện cháu nặng 14,5kg so với tuổi của cháu có bị suy dinh duỡng không? (Trịnh Thị Thu Hà, 28 tuổi, Biên Hoà, Đồng Nai)

    - Tiến sĩ - bác sĩ Frank Kneepkens: Về cân nặng cháu không bị suy dinh dưỡng. Cháu bị nôn ói có thể do bệnh lý hen suyễn hoặc do thuốc sử dụng hay do những bệnh lý khác. Vì vậy bạn cần đưa cháu đi khám để được chữa trị chính xác.

    - Thưa Bác Sĩ,
    Tôi có 1 câu hỏi mong được các bác sĩ tư vấn giúp .Gia đình chúng tôi đi làm suốt ngày không có thời gian nấu ăn hằng ngày cho bé . Nêu chúng tôi nấu 1 lần cho bé ăn trong 3 - 4 ngày ( Thịt, cá, rau xanh các loại, củ, các loại đậu ....) . Khi nấu xong chúng tôi chia nhỏ và bỏ vào ngăn đá . Khi bé ăn thì chúng tôi hâm nóng lại và cho ăn và chúng tôi thay đổi thức ăn liên tục . Tôi ko biết như vậy có đảm bảo dinh dưỡng hay không và an toàn ko ? Nói thêm là hàng ngay chúng tôi có cho bé ăn thêm sữa chua và uống nước trái cây . Hiện bé được 18 tháng . Cảm ơn Bác sĩ
    (Gia Anh, 31 tuổi, Suong Nguyet Anh - Q1)

    - Ông Vũ Hoàn: Do không biết được cân nặng/chiều cao hiện tại của bé nên chúng tôi không đánh giá được tình trạng phát triển của bé.

    Với cách chế biến thức ăn như trên thì không đảm bảo được chất lượng khẩu phần ăn có đầy đủ năng lượng và các vi chất dinh dưỡng. Vì các dưỡng chất bị mất đi qua 2 lần nấu cùng với lượng dưỡng chất cũng giảm dần theo thời gian lưu trữ trong tủ lạnh. Một nguy cơ nữa vì bạn đi làm cả ngày, thức ăn để tủ lạnh nếu bị cúp điện (bạn không biết) sẽ làm hỏng thức ăn. Ngoài ra, thức ăn đông lạnh và nấu lại sẽ không ngon như thức ăn vừa nấu.

    - Xin chào các chuyên gia tư vấn, con trai tôi 4 tuổi rưỡi, nặng 17kg, rất lười ăn, cả ngày không ăn cũng không kêu đói. Cháu chỉ uống sữa và hay bị nôn, cháu cũng bị Amidan to. Hiện tại cháu có ăn thêm được nửa bát cơm trộn với nước thịt, không ăn rau, không ăn thịt. Mọi sinh hoạt của cháu vẫn bình thường, vui chơi chạy nhảy rất khỏe, chỉ có điều rất lười ăn. Xin các bác sỹ tư vấn, chân thành cảm ơn! (Mẹ bé Gia Minh, 38 tuổi, Budapest Hungary)

    [​IMG]

    - Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Chào em. Chị rất vui khi nhận được câu hỏi từ phương xa của em. Tôi rất mong muốn tư vấn cho em để cháu có thể tăng trưởng tốt hơn, nếu cháu vẫn lười ăn thì với cân năng hiện nay, có khả năng cháu sẽ rơi vào nguy cơ bị suy dinh dưỡng.

    Cháu đã ăn được cơm, nhưng lượng cơm còn ít và không ăn thịt, rau sẽ không thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng cân nặng chiều cao và trí tuệ của trẻ.

    Em nên dành thời gian chế biến món ăn có đủ các nhóm chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Với cách chế biến dạng chiên ngập dầu, xào, có nước sốt, trẻ sẽ thích ăn hơn và đậm độ năng lượng sẽ cao hơn.

    Để cháu có thể "chăm ăn" hơn, em nên thường xuyên thay đổi món ăn ví dụ thay vì ăn cơm, em có thể chọn cho cháu bánh mì, mì spaghetti... là đảm bảo có đủ nhóm chất bột đường, thay vì ăn thịt có thể chọn cá, tôm, pa tê... là đảm bảo có đủ nhóm chất đạm trong bữa ăn hàng ngày. Em hãy cho bé tự tiếp xúc với thức ăn, tự xúc ăn với các bữa ăn chính cùng gia đình trong không khí vui vẻ. Điều này sẽ giúp cháu hình thành thói quen ăn uống tốt.

    Em hãy tiếp tục duy trì việc cho trẻ uống sữa hàng ngày và vui chơi ngoài trời như hiện nay để đảm bảo bé được cung cấp đủ canxi, vitamin D.

    Riêng việc cháu có amidam to, em cần thu xếp cho cháu đi khám để được các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, nhi khoa tư vấn, điều trị nếu cần thiết.

    - Bác sĩ cho hỏi, con tôi được 17 tháng, cháu vẫn bú mẹ vào ban đêm. Thời điểm này bỏ bú cháu được chưa, vì bé nhà cháu hay bị ho?Xin cám ơn bác sĩ! (NGUYỄN THỊ AN THẢO, 30 tuổi, 38/8A KP1 - PHƯỜNG TAM HOA- BIEN HÒA -ĐỒNG NAI)

    - Tiến sĩ - bác sĩ Frank Kneepkens: Theo tôi cháu nên được cho ngưng bú mẹ vào ban đêm vì thời điểm này bé cần ngủ tròn giấc vào ban đêm và lượng sữa bé bú buổi đêm không còn quá quan trọng về mặt dinh dưỡng.

    - Tắm nắng cho trẻ khoảng thời gian nào là tốt nhất và trong bao lâu thưa bác sĩ? (Tran Minh, 33 tuổi, HCM)

    - Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Em thân mến! Tắm nắng cho trẻ tốt nhất là vào sáng sớm, thời gian trung bình 15-30 phút đối với trẻ dưới 1 tuổi. Khi trẻ đã trên 1 tuổi, em nên cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời vào sáng sớm và chiều muộn khi còn ánh nắng mặt trời trong thời gian tối thiểu 1 giờ để hỗ trợ hấp thu canxi và chuyển hóa vitamin D.

    - Xin bác sĩ Diệp cùng tiến sĩ Frank Kneepkens tư vấn giúp trường hợp con của tôi. Bé trai hiện nay được 5,5 tháng, cân nặng 8,2kg cao 66cm. Khoảng từ tháng thứ 3 sau khi chích ngừa về bé tự nhiên bỏ ăn, không bú bình nữa (trước nay bé bú bình là chủ yếu và bú rất tốt). Khi ăn phải đút từng muỗng nhưng mỗi khi cho bé ăn bé la khóc, ưỡn người không chịu ăn. Chỉ khi ngủ mẹ mới lừa cho bé bú được, ngoài ra khi thức là bé hoàn toàn không chịu ăn. (Lương Lan, 35 tuổi, 182 Nghĩa Phát P.6 Q.TB)

    Bác sĩ có cách nào cho bé ăn uống trở lại bình thường như trước không và giúp bé ăn ngon miệng, không khóc, la hét khi ăn không? Tôi cũng cho bé đi khám ở trung tâm dinh dưỡng, bác sĩ bảo bé không có bệnh gì và có cho các thuốc bổ sung vitamin, canxi, sắt, kẽm... Nhưng bé uống từ đó đến nay cũng không cải thiện tình trạng. Xin bác sĩ tư vấn!

    - Tiến sĩ - bác sĩ Frank Kneepkens: Cháu bé không bú bình nữa không phải là vấn đề mà vấn đề là trẻ không chịu ăn khi thức. Gia đình có thể thử cho cháu ăn các thức ăn khác như rau củ nghiền, trứng, cá, trái cây... Nếu cháu chịu ăn thì tiếp tục cho ăn và đa dạng hóa thêm thực phẩm. Trong trường hợp cháu của bạn không chịu ăn các thức ăn khác, nên đưa cháu đến bện viện để được chăm sóc.

    Tại Hà Lan trong một số trường hợp khó, trẻ hoàn toàn không chịu ăn bất cứ thức ăn gì sẽ được cho ăn bằng ống. Sau vài tháng khi trẻ ổn định dinh dưỡng sẽ được cai ăn bằng ống và chuyển sang thực phẩm thông thường bằng miệng.

    - Xin chào các bác sỹ! Con em được 5 tháng tuổi,nặng 7.2kg, cháu ăn dặm bằng bột ngọt từ khi 4 tháng đến nay. Mỗi ngày cháu ăn 3 bữa( sáng, trưa, chiều). Ban ngày em đi làm cháu chỉ ăn sữa mẹ (vắt ra và để tủ lạnh) khoảng 100ml, không ăn sữa ngoài và lười ăn bột. Xin hỏi các bác sỹ chế độ ăn như vậy có thiếu dd không và mong được tư vấn trẻ ở tuổi này nên ăn với chế độ ntn để đủ dd? (Lê Thị Hương, 26 tuổi, Việt Trì, Phú Thọ)

    - Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp: Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế Việt Nam, trẻ tròn 6 tháng tuổi mới bắt đầu cho ăn dặm. Nguyên tắc khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm sẽ từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc, luôn đủ 4 nhóm thực phẩm chính là chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Ưu tiên chọn chất đạm và chất béo có nguồn gốc động vật.

    Sữa mẹ là thực phẩm hoàn thiện nhất cho sự tăng trưởng toàn diện của trẻ em. Cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không cho trẻ cai sữa mẹ trước 12 tháng tuổi, nên kéo dài thời gian bú mẹ đến lúc trẻ 24 tháng tuổi.

    Con em được cho ăn dặm từ 4 tháng tuổi là quá sớm, hiện cháu mới 5 tháng tuổi mà đã được cho ăn 3 bữa bột một ngày là quá nhiều. Em cần nhanh chóng điều chỉnh lại cách con ăn dặm cho phù hợp. Khi bắt đầu ăn dặm, cháu nên ăn mỗi ngày một bữa bột. Lượng thực phẩm cho một chén bột cần có 2 muỗng canh gạt ngang thịt heo, thịt gà hoặc lòng đỏ trứng; 2 muỗng canh gạt ngang rau hoặc củ; một muỗng canh dầu ăn... Em cho bé bú mẹ theo nhu cầu

    Trong thời gian mẹ đi làm, hãy vắt sữa mẹ để vào bình với lượng đủ cho mỗi lần bú, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Trước khi cho trẻ bú, hãy làm ấm sữa bằng cách ngâm bình sữa mẹ trong tô nước nóng.

    - Tiến sĩ Frank Kneepkens: Trẻ em thường biết lượng thực phẩm cần thiết cho bản thân. Điều cơ bản trẻ cần được cho ăn đa dang và có đủ các thực phẩm có lợi. Trẻ tăng trưởng tốt và sức khỏe tốt là dấu hiệu dinh dưỡng đủ.

    Gia Đình

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - 'Cha mẹ không nên ép trẻ ăn'

Share This Page