Việt Nam cần ưu tiên bảo mật thông tin với các ứng dụng AI

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, May 4, 2019.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 68)

    Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ được ứng dụng nhiều trong cuộc sống song các lỗ hổng bảo mật luôn đe dọa hệ thống thông tin bị can thiệp.


    Tại hội thảo "Xu hướng, thành tựu trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo và vi mạch tại Việt Nam" do FPT và Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học Công nghệ) tổ chức chiều 3/5, hơn 20 chuyên gia, nhà khoa học Nhật Bản đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến ứng dụng AI trong thực tế.

    Chia sẻ định hướng phát triển của FPT, ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT cho biết, các công nghệ mới đang được tập đoàn đầu tư nghiên cứu theo xu hướng của cuộc cách mạng số như AI, kết nối vạn vật (Internet of things), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, xe tự hành... Những nghiên cứu này là điểm then chốt để FPT trở thành đối tác tham gia chuyển đổi số và thậm chí là cùng các tập đoàn lớn trên phạm vi toàn cầu nghiên cứu, phát triển giải pháp, ứng dụng trên nền tảng công nghệ IoT.

    "AI được xem là một trong những mảng công nghệ mũi nhọn trong định hướng chiến lược tiên phong chuyển đổi số tại Việt Nam và trên toàn cầu của FPT", ông Việt nói và mong nhận được sẻ chia hiểu biết của các chuyên gia quốc tế, nhà khoa học người Việt ở nước ngoài sẵn sàng cùng chung tay giải bài toán này.

    [​IMG]

    Ông Lê Hồng Việt chia sẻ định hướng tiên phong trong chuyển đổi số.

    Thực tế ngành ngân hàng và tài chính hiện đang là lĩnh vực ứng dụng AI nhiều nhất. Bên cạnh đó, mảng viễn thông hay công nghệ cao cũng cho thấy sự đầu tư bùng nổ về AI. Đặc biệt, về khả năng tiếp nhận và nhu cầu, một khảo sát của PwC cho thấy Việt Nam đứng thứ 2 trong top 10 quốc gia về tỷ lệ người tiêu dùng sở hữu cũng như có ý định mua thiết bị trong gia đình có tích hợp công nghệ AI.

    Theo TS Đào Thanh Bình, Nhóm hệ thống tính toán cao cấp, Bộ phận quản lý công nghệ toàn cầu, Rakuten Inc.(Nhật Bản), AI đang được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực chính phủ điện tử, nhà thông minh, hệ thống giao thông thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ tài chính, đối thoại tự động (chatbot), kinh doanh thông minh (business intelligence). Các chính phủ, công ty và học viện đã và đang quan tâm đầu tư rất nhiều cho AI với số tiền đầu tư tăng lên nhanh chóng hàng năm.

    "Việt Nam hoàn toàn có đủ nguồn lực kinh tế, con người và cơ hội để thúc đẩy quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và phát triển ứng dụng dựa trên AI để bắt kịp các nước khác", ông Bình nói.

    [​IMG]

    TS Đào Thanh Bình tại hội thảo.

    Khẳng định xu thế phát triển của cuộc cách mạng 4.0, những công nghệ mới về AI là việc trước mắt Việt Nam cần nắm bắt, tuy nhiên TS Nguyễn Ngọc Mai Khanh, Trung tâm Thiết Kế - Giáo Dục Vi Mạch, Đại học Tokyo Nhật Bản muốn nhấn mạnh yếu tố bảo mật và đào tạo nhân lực dài hạn. Để đảm bảo an toàn bảo mật thông tin, một trong những yếu tố Việt Nam cần ưu tiên là tự chủ về thiết kế chế tạo vi mạch.

    Theo TS Khanh, an ninh mạng là một thách thức đối với xã hội loài người khi tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với dự báo sẽ có khoảng 10 tỷ thiết bị thông minh được sử dụng. Nguy cơ tin tặc có thể sử dụng các lỗ hổng bảo mật cũng như công cụ từ phần cứng và phần mềm để can thiệp vào hệ thống thông tin, sau đó gắn một số chíp hoặc phần mềm gián điệp để thu thập thông tin. Giải quyết vấn đề này sẽ tốn nhiều chi phí cho cơ sở hạ tầng có thể lên tới 120 -200 tỷ USD.

    Minh chứng cho điều này ông Khanh nêu bài học từ Nhật Bản, tội phạm an ninh mạng tăng kỷ lục nửa đầu năm 2017. Đất nước này đã tăng chi phí cho bảo mật thông tin trong nước tăng lên 19%, ước tính khoảng 2,9 tỷ đô la vào năm 2019. Việc can thiệp bằng chip và vi mạch để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin cũng là một giải pháp khả thi.

    Chính vì thế TS Khanh cho rằng, Việt Nam cần quan tâm phát triển lĩnh vực vi mạch, hợp tác nghiên cứu bảo mật phần cứng dựa trên cảm biến từ khi tập trung phát triển thành phố thông minh và các ứng dụng AI.


    Let's block ads! (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Việt Nam cần ưu tiên bảo mật thông tin với các ứng dụng AI

Share This Page