Nữ 'thám tử' người Việt lần vết sự lây nhiễm của virus cúm A

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Apr 16, 2019.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 68)

    Từ cái chết của một đồng nghiệp sau khi nhiễm virus lây qua đường hô hấp, nhà khoa học nữ quyết tìm nguyên nhân để ngăn chúng thành đại dịch.


    PGS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng Khoa Virus, Trung tâm Cúm Quốc gia, Khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế (42 tuổi) kể về con đường đi đến nghiên cứu virus hô hấp bắt đầu từ một kỷ niệm buồn.

    Đó là năm 2003, một đồng nghiệp của chị từ Tổ chức Y tế thế giới đã qua đời chỉ sau một tuần nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp, lấy mẫu từ bệnh nhân nhiễm hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), một tác nhân gây bệnh đường hô hấp ngoài virus cúm lúc bấy giờ.

    Trước khi qua đời, đã có 8 mẫu bệnh được vị bác sĩ này lấy từ bệnh nhân ở Bệnh viện Việt Pháp, rồi mang đến tặng cho các nhà khoa học Việt Nam được xem như món quà nhân dịp 8/3. Nhưng đó cũng là lần cuối cùng họ gặp nhau bởi một ngày sau, ông xuất hiện các triệu chứng của SARS và qua đời một tuần sau đó.

    PGS Hằng cho biết, khi nghe tin, chị và đồng nghiệp trong Phòng Thí nghiệm hô hấp bất ngờ và lo lắng bởi không ai nghĩ rằng virus hô hấp lại nguy hiểm đến như vậy.

    Khi ấy, mọi người đều nghĩ virus hô hấp chỉ gây ra những ảnh hưởng nhẹ nhàng đối với sức khỏe trong một khoảng thời gian ngắn như virus cúm mùa. Do đó, ngay cả khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chị và đồng nghiệp cũng chỉ dùng khẩu trang và găng tay như bình thường.

    Thế nhưng cái chết của người đồng nghiệp dẫn đến một cuộc "cách mạng" nhận thức về mức độ nguy hiểm của virus lây truyền qua đường hô hấp. PGS Hằng khi đó tiên phong trong việc tuyên truyền, thay đổi nhận thức của mọi người về mối nguy hại mà chúng có thể gây ra đối với sức khỏe cộng đồng và bắt đầu các nghiên cứu để lần vết sự tiến hóa và ngăn chặn virus hô hấp trở thành đại dịch.

    [​IMG]

    PGS Nguyễn Lê Khánh Hằng (phải) hướng dẫn sinh viên tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Phan Minh.

    PGS Nguyễn Lê Khánh Hằng đã thực hiện đề tài "Virus cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, mối tương tác giữa người và động vật trong giai đoạn 2003-2010". Nhóm nghiên cứu đã áp dụng phương pháp phân tích sự tiến hóa, gia hệ, phân tử của virus phân lập được trên người và gia cầm tại Việt Nam. Sau 7 năm tìm tòi, chị và nhóm nghiên cứu đã tìm ra 34 đột biến dẫn đến sự thích ứng của virus cúm A/H5N1 khi lây nhiễm từ gia cầm sang người.

    Nổi bật trong đó là đột biến khiến virus phát triển mạnh trên người tìm thấy ở 20/37 mẫu nghiên cứu, trong khi đột biến này chỉ xuất hiện ở 1/195 mẫu nghiên cứu trên virus ở gia cầm, gợi ý cho sự chọn lọc thường xuyên trong quần thể virus A/H5N1 sau khi gây nhiễm cho con người.

    Dựa trên kết quả này, nhóm nghiên cứu hình thành danh sách các đột biến được xác định trong tương tác giữa người và động vật của virus cúm A/H5N1. Kết quả này có giá trị đối với việc giám sát sự tiến hóa của virus trong tương lai tại Việt Nam và trên thế giới.

    Nghiên cứu củng cố kết luận virus A/H5N1 lây nhiễm trực tiếp từ gia cầm sang người, chưa có khả năng lây nhiễm từ người sang người; tìm ra mối tương quan về thời gian và không gian giữa sự xuất hiện của virus cúm A/H5N1 ở gia cầm và sự lây truyền của nó sang người. Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín về các bệnh nhiễm trùng The Journal of Infectious Diseases (JID) vào tháng 9/2017.

    Nói về quá trình lần tìm dấu vết của sự tiến hóa virus cúm, PGS Hằng nhớ rõ từng chi tiết, con số đã in sâu trong tâm trí. Chị kể vanh vách: cuối năm 2003, cúm A/H5N1 có ca nhiễm đầu tiên trên người ở Việt Nam được phát hiện. Trong vòng 7 năm sau đó, nó đã khiến 59 người tử vong, buộc tiêu hủy 65 triệu con gia cầm trên phạm vi cả nước.

    Công việc xác định các bệnh truyền nhiễm đã gắn bó với chị tròn 20 năm kể từ khi tốt nghiệp chuyên ngành Vi sinh vật, khoa Sinh học, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Thành tựu mà nhà khoa học nữ này sở hữu là hơn 70 bài báo đăng trên tạp chí khoa học, trong đó 36 bài được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín như Nature, Emerging Infectious Diseases, The Journal of Infection, Theranostics, Biensor and Bioelectronics...

    Chị đang theo đuổi tiếp nghiên cứu thông qua các dự án Giám sát các virus cúm và virus hô hấp phối hợp cùng Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu Hoa Kỳ (GHS); dự án Nâng cao năng lực giám sát cùng Đại học Nagasaki Nhật Bản và Giám sát miễn dịch cúm trong cộng đồng cùng Đại học Oxford Anh.

    PGS Hằng muốn thực hiện tâm huyết của các thế hệ đi trước và mong nghiên cứu khoa học cơ bản được quan tâm nhiều hơn nữa để có những nghiên cứu mới, đóng góp cho ngành y tế và xã hội.


    Let's block ads! (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Nữ 'thám tử' người Việt lần vết sự lây nhiễm của virus cúm A

Share This Page