Người Trung Quốc mê xem bói, đoán tướng số qua mạng

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Mar 29, 2019.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 64)

    Trong thời đại công nghệ số, ảnh đại diện trên WeChat cũng có thể được sử dụng để phán đoán vận mệnh một con người.


    Mới đây, tập đoàn bất động sản nổi tiếng Trung Quốc Soho kiện một đơn vị truyền thông. Nguyên do bởi đơn vị này đã đăng tải một bài báo có nội dung ám chỉ phong thủy của tòa cao ốc Wangjing tại thủ đô Bắc Kinh của tập đoàn này "có vấn đề", khiến một loạt các công ty lớn đóng trụ sở tại đây bị phá sản. Sức ảnh hưởng của bài báo lan truyền mạnh tới nỗi chủ tịch tập đoàn Soho đã phải lên tiếng công khai, kêu gọi các cơ quan chức năng và giới truyền thông chung tay chống lại các nội dung mê tín dị đoan đang lan tràn trên mạng.

    Trung Quốc từ lâu đã được xem là quốc gia nổi tiếng nhất thế giới về bói toán và thuật tướng số. Câu chuyện của tập đoàn Soho chỉ hé lộ phần nào bề nổi của tảng băng chìm, liên quan tới lĩnh vực kinh doanh bói toán đã trở nên phổ biến trong kỷ nguyên Internet.

    Trên các nền tảng mạng xã hội như Weibo hay Taobao, có rất nhiều người bị ám ảnh bởi việc bói toán trực tuyến. Theo Sina, Internet ở Trung Quốc không có tác dụng loại bỏ các tục lệ mê tín thời phong kiến mà ngược lại còn đẩy nhanh sự lan rộng. Thậm chí, công nghệ AI còn khoác lên chúng những lớp áo đậm chất cao siêu và huyền bí, với vẻ ngoài đáng tin cậy.

    Thầy bói online, đoán vận mệnh bằng AI

    [​IMG]

    Mức giá tư vấn "trên trời" của một nền tảng xem bói trực tuyến.

    "Câu lạc bộ các vị thần" là một nền tảng khá nổi tiếng ở Trung Quốc. Ngoài việc cung cấp các thông tin về phong thủy, tướng số, Kinh dịch, hoạt động chính của nó là tư vấn bói toán trực tuyến. Người dùng tranh nhau đăng ký vào các phòng xem bói trên nền tảng này, với mức giá tư vấn từ 1.200 tới 10.000 nhân dân tệ (khoảng 180 - 1.500 USD) cho mỗi 90 phút nói chuyện, tùy thuộc vào "thầy" bình dân hay cao cấp. Dù mức phí rất cao, lịch hẹn xem bói của các "thầy" tại đây luôn kín. Thu nhập hàng năm của "câu lạc bộ" vượt quá 20 triệu nhân dân tệ, tương đương 3 triệu USD.

    Có rất nhiều nền tảng bói toán trực tuyến tương tự. Chỉ cần tìm kiếm từ khóa "bói toán" trên Taobao, người dùng có thể dễ dàng tìm thấy một đơn vị cung cấp dịch vụ. Những thầy bói online này rất giàu có. Theo thống kê chưa đầy đủ, có ít nhất 20 công ty Internet đã tài trợ cho hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này từ năm 2015.

    Trên WeChat cũng có rất nhiều "nhà tiên tri", "chiêm tinh học" được quảng cáo có thể nhìn sao đoán vận mệnh, với mức giá bắt đầu từ 875 nhân dân tệ (khoảng 130 USD) một giờ. Một số người cho biết họ đã du học tại Anh và có nhiều bằng cấp như "Cố vấn tâm lý học quốc tế" hay "Chứng nhận về phòng chữa các chứng bệnh cảm xúc". Theo Giang Binh, một thầy bói online có chứng chỉ về tâm lý học, với một số khách hàng, ngoài việc sử dụng kiến thức về số học hay Kinh dịch còn phải vận dụng cả kỹ năng tư vấn tâm lý.

    Bên cạnh các dịch vụ xem bói với người thật, nhiều ứng dụng nhỏ trên WeChat sử dụng cả công nghệ AI để quét khuôn mặt người, từ đó phán đoán vận mệnh của họ với "tỷ lệ chính xác cao tới 95%", theo quảng cáo. Tuy nhiên, khi thử nghiệm tải lên các bức ảnh khác nhau của cùng một người, kết quả nhận được lại không trùng khớp.

    Thậm chí, khi thử đưa hình ảnh ngôi sao Hàn Quốc Seung Ri, người gần đây đang vướng vào các bê bối tình dục, kết quả hệ thống đưa ra khá hài hước: "Nếu các quý cô đang tìm kiếm một người chồng dịu dàng và ân cần, người đàn ông có khuôn mặt như thế này chính là sự lựa chọn đúng đắn".

    Một ngôi chùa ở Tĩnh An, Thượng Hải, cũng theo kịp trào lưu, bằng cách tung ra ứng dụng cầu nguyện nhỏ, tích hợp quét mã QR trên WeChat. Một người phụ nữ đã cần mẫn gom góp 3.000 mảnh "phước lành" để đổi lấy một bức ảnh đại diện cho con gái, với mong muốn nó sẽ mang lại nhiều may mắn.

    Cơ sở khoa học nào để dùng AI bói toán?

    [​IMG]

    Các thầy bói online chào hàng dịch vụ trên website thương mại điện tử.

    Phong thủy, bói toán, xem tướng số... đã có lịch sử lâu đời ở Trung Quốc. Một khảo sát của Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho thấy cứ bốn người ở Trung Quốc lại có một người "rất tin" hoặc "hơi tin tưởng" vào chúng. Ngay cả trong lĩnh vực công nghệ cũng không ngoại lệ. Minh chứng rõ ràng nhất là các nhà sản xuất điện thoại luôn chọn lúc ra mắt sản phẩm mới là ngày hoàng đạo.

    Còn với sự hiện diện của AI trong lĩnh vực đầy tính tâm linh này, có hai lý do được cho là lời giải thích hợp lý. Một mặt, phương pháp này có thể giảm chi phí lao động (của thầy bói thật) và dễ dàng hỗ trợ việc tư vấn 24/7, không bao giờ bị gián đoạn. Lý do khác là AI, một công nghệ đậm chất kỹ thuật cao, có thể làm mờ đi yếu tố "mê tín dị đoan" và tăng độ tin cậy với người sử dụng. Dù còn sơ khai, các ứng dụng dựa trên AI đã dần phát triển thành những "nhà tiên tri vô danh", khoác lên mình lớp áo bí ẩn và rất dễ trở thành công cụ cho những trò lừa đảo.

    [​IMG]

    Ứng dụng cầu nguyện của một ngôi chùa ở Trung Quốc.

    Trên thực tế, AI và công nghệ nhận diện khuôn mặt đã có những ứng dụng thực tiễn đáng ghi nhận bên cạnh việc gây nhiều tranh cãi. Đầu năm 2017, Đại học Stanford, Mỹ đã đưa ra một báo cáo gây tranh cãi cho thấy trí thông minh nhân tạo có thể được sử dụng để xác định một người đàn ông là "thẳng" hay đồng tính với tỷ lệ chính xác 81%. Nếu tăng số lượng hình ảnh đầu vào, độ chính xác thậm chí có thể đạt tới 91%.

    Tại một số cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản, phần mềm dựa trên AI có thể phát hiện những người khả nghi để theo dõi, cũng như xác định hành vi trộm cắp hàng hóa. Sở cảnh sát New Orleans, Mỹ, cũng giới thiệu một công nghệ dự đoán tội phạm dựa trên các mối quan hệ và hồ sơ dữ liệu, phân tích thông tin trên mạng xã hội.

    Một công ty có tên Affectiva đã tung ra sản phẩm cho phép các công ty phân tích phản ứng của khuôn mặt người dùng khi xem quảng cáo và sử dụng sản phẩm. Kho lưu trữ dữ liệu cảm xúc của hệ thống này đã thu thập được hơn 7,5 triệu khuôn mặt từ 87 quốc gia.

    Tuy nhiên, ngay cả khi sự phát triển của AI đã vượt qua trí tưởng tượng của nhiều người, nó vẫn còn không ít hạn chế. Ví dụ, các thông tin đầu vào không phù hợp có thể dẫn tới kết quả sai lệch, tạo nên các hệ quả đáng sợ đi kèm. Do đó, việc phân tích mức độ giàu có hay sự nghiệp liệu có thăng tiến hay không của một người thông qua AI không mang tính chất khoa học, bất chấp việc một số trường hợp có thể trùng khớp.

    Tại sao công nghệ không thể loại bỏ mê tín dị đoan?

    [​IMG]

    Sao hàn Seung Ri được ứng dụng xem bói bằng AI phán là người dịu dàng và ân cần, thích hợp để lấy làm chồng.

    Theo các nhà nghiên cứu, không thể phủ nhận bói toán và phong thủy có sự hợp lý nhất định ở cấp độ tâm lý. Giống những bài kiểm tra tâm lý sàng lọc, mọi người sẽ nhận được các kết quả đánh giá và mô tả tính cách một cách mơ hồ và chung chung. Đây cũng được xem là lý do tại sao rất nhiều "nhà tiên tri" hay "thầy bói" cố gắng lấy được bằng tâm lý học.

    Sự phổ biến của Internet không loại bỏ những yếu tố mê tín này, thậm chí đã cung cấp cho chúng một nền tảng lớn hơn để phát triển. Chừng nào con người còn trong tình trạng lo lắng và không chắc chắn thì dù công nghệ và Internet phát triển đến mức nào, vẫn khó tránh khỏi việc mọi người tìm kiếm sự thoải mái và an tâm về tâm lý bằng cách theo đuổi mê tín dị đoan.

    Bảo Nam (theo Sina)


    Let's block ads! (Why?)
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - Người Trung Quốc mê xem bói, đoán tướng số qua mạng

Share This Page