Nhiếp ảnh gia 'mỳ ăn liền'

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Mar 20, 2019.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 56)

    Việc nhiếp ảnh gia chụp chủ thể được dàn dựng sẵn thay vì tìm kiếm khoảnh khắc tự nhiên đã gây ra nhiều tranh luận trái chiều.


    Tại giải thưởng Hamdan (HIPA), bức ảnh đoạt giải nhất của nhiếp ảnh gia Malaysia Edwin Ong Wee Kee tạo ra nhiều ý kiến trái chiều bởi nó . Theo Picsofasia, điều này đặt ra vấn đề về những nhiếp ảnh gia "công nghiệp" chụp các khung cảnh được sắp đặt, sau đó gửi lên các cuộc thi với hy vọng sẽ đoạt giải và nổi tiếng thay vì ưu tiên sáng tạo.

    Bài viết dưới đây là quan điểm của Etienne - một thầy giáo, người sáng lập trang Picsofasia chuyên dậy nhiếp ảnh và tổ chức các tour chụp ảnh tới các vùng xa như Việt Nam, Myanmar, Bangladesh, Iran, Sri Lanka và Ấn Độ.

    "Bức ảnh rất đẹp được chụp tại Việt Nam đã lan tỏa rộng rãi, nhưng hậu trường của nó lại khiến không ít người ngạc nhiên. Trong một tour chụp ảnh, nhóm hơn 10 nhiếp ảnh gia du lịch tập trung xung quanh chủ thể duy nhất - người phụ nữ và đứa con - chụp ở gần như cùng một góc. Người phụ nữ dường như cũng quen với việc tạo dáng.

    [​IMG]

    Bức ảnh đoạt giải thưởng 120.000 USD của tác giả Edwin Ong Wee Kee (bên trái) và hậu cảnh (bên phải) gây ý kiến trái chiều vì dàn dựng.

    Nếu tìm hiểu về du lịch và nhiếp ảnh, bạn có thể khẳng định đây không phải là cách đúng để chụp con người. Câu chuyện càng thu hút hơn khi một trong đó đã nộp lên HIPA và đoạt giải. Trên website cuộc thi, bức ảnh được mô tả: 'Cảm xúc của một bà mẹ Việt Nam, dù mắc chứng rối loạn ngôn ngữ nhưng điều đó không dập tắt được niềm hi vọng trong cô. Cô vẫn khơi gợi được cảm giác mạnh mẽ cho đứa con mình'.

    Tuy nhiên, có lẽ nó nên được đổi thành: 'Cảm giác của một bà mẹ Việt Nam khi bị quấy rầy bởi đám người thô lỗ, nhưng không buồn hỏi về câu chuyện cuộc đời cô. Gương mặt bà mẹ gợi lên cảm giác khó chịu thật sự'.

    Sẽ không bàn nhiều đến chất lượng bức ảnh cũng như kỹ năng xử lý ảnh của nhiếp ảnh gia vì nó quá tốt. Vấn đề nằm ở đằng sau đó. Sau khi tác phẩm đoạt giải, nhiều khả năng những người khác cũng muốn du lịch đến vùng núi phía Bắc của Việt Nam, tìm đến một phụ nữ trông nghèo nàn, đang ôm đứa bé, chụp, làm mờ hậu cảnh rồi dùng tác phẩm đó đi dự thi.

    Các cuộc thi chụp ảnh thường thấy hiện nay, chủ yếu cho mục đích thương mại thay vì nhiếp ảnh đơn thuần. Nó đa phần không được chấm bởi đội ngũ giám khảo thực sự hiểu biết về du lịch và nhiếp ảnh. Kết quả là giải thưởng cao thường được trao cho khoảnh khắc nhàm chán, thường là bản sao ý tưởng của tác phẩm được chụp trước đó. Một nhiếp ảnh gia du lịch chuyên nghiệp sẽ biết điều đó, nhưng những cuộc thi này thì không.

    Có một điều dễ nhận ra là không ít tay chụp thích nổi tiếng nhưng lại không muốn làm việc chăm chỉ. Dàn dựng để có ảnh, nộp và chiến thắng một cuộc thi, là cách nhanh nhất để làm điều này.

    [​IMG]

    Một khoảnh khắc dàn dựng để chụp ảnh gây tranh cãi. Ảnh: A.M.Ahad.

    Vượt qua được con đường tắt, chiến thắng trong cuộc thi uy tín, bạn sẽ nhanh chóng nổi tiếng. Nổi tiếng đương nhiên sẽ giàu có. Những cơn mưa tiền rớt xuống đầu bạn, tạp chí National Geographic sẽ gửi bạn đi chụp ảnh cho họ khắp thế giới...

    Nhưng có thể bạn thử tự vấn bản thân rằng tại sao bạn lại chọn nhiếp ảnh? Bạn có thực sự yêu thích nó không hay bạn chỉ muốn nổi tiếng? Và nếu bạn trở thành một nhiếp ảnh gia nổi tiếng thì sao? Bán ảnh và giàu có hay đóng góp cho giới những tác phẩm chất lượng, ảnh hưởng đến người xung quanh, thậm chí cả thế giới?

    Những người chọn đường tắt thực sự đang lạc lối vì họ chống lại sự sáng tạo. Sáng tạo không đến từ việc cố gắng trở nên nổi tiếng. Bởi, việc chụp lại kiểu ảnh đã phổ biến từ trước đó, là sao chép, là đạo nhái.

    Sáng tạo đến từ việc thực hành thủ công, làm việc chăm chỉ, thất bại, thất bại lần nữa, cảm giác tồi tệ có thể lặp lại nhiều lần, trong nhiều năm. Đó là công việc khó khăn, có thể mất cả đời để tạo được thành tựu.

    Với những gì đã xảy ra tại Việt Nam, đó là 'McDonald hóa nhiếp ảnh du lịch'. Các tour chụp ảnh phục vụ cho người muốn nổi tiếng mà không cần phải làm việc quá nhiều vẫn tồn tại và phát triển. Nhưng hầu hết cuộc thi nhiếp ảnh ngày nay có vẻ như lại ủng hộ xu hướng đó.

    Rất buồn, rất rất buồn!".

    Bảo Lâm


    Let's block ads! (Why?)
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - Nhiếp ảnh gia 'mỳ ăn liền'

Share This Page