Dịch SARS - bài học cảnh giác cho Việt Nam

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Apr 11, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 333)

    Từ sau dịch SARS 10 năm trước khiến 5 người tử vong, Việt Nam bắt đầu phát triển hệ thống các phòng thí nghiệm, rồi phương tiện điều trị, hỗ trợ ngày một đầy đủ hơn, hệ thống giám sát có mặt đến tận làng xã...


    "Dịch SARS là một trong những dịch bệnh nguy hiểm mới nổi đầu tiên được ghi nhận trong thế kỷ 21. Sự tiến triển nhanh của bệnh cùng với đặc tính dễ lây lan đã tạo nên sự hoang mang lo lắng tột độ của những người phải tiếp xúc, sống gần khu vực có bệnh nhân", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhớ lại trong buổi lễ kỷ niệm 10 năm dịch SARS tổ chức tại Hà Nội sáng 11/4.

    Chỉ trong một thời gian ngắn, SARS đã lây lan ra 32 quốc gia, hơn 8.000 người mắc và 916 người tử vong. Sau 45 ngày chống chọi với dịch bệnh, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch, nhưng cái giá phải trả rất đắt. Trong số 63 bệnh nhân SARS thì có đến quá nửa là bác sĩ, y tá, nhân viên tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân.

    "Trong đó, 5 nhân viên y tế và cả bác sĩ Carlo Urbani đã không qua khỏi. Điều này sẽ luôn nhắc nhở chúng ta đề cao cảnh giác với những bệnh lạ mới phát sinh để có những biện pháp phòng chống dập dịch kịp thời", thứ trưởng Long nhấn mạnh.

    [​IMG]
    Đại dịch SARS vào năm 2003 để lại cho Việt Nam nhiều kinh nghiệm phòng chống các dịch bệnh về sau này. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

    Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, điểm quan trọng trong công tác phòng chống dịch SARS năm 2003 là sự phối hợp tốt của cả cộng đồng, giúp nhanh chóng tìm ra nguyên nhân. Trên thế giới có những vụ dịch vài ba thế kỷ cũng chưa biết căn nguyên là gì, trong khi từ lúc công bố bệnh lạ đến lúc tìm ra virus SARS chỉ hơn một tháng.

    "Sự hợp tác quốc tế cũng đóng vai trò rất lớn. Khi Việt Nam công bố dịch SARS là gần như ngay lập tức được hỗ trợ rất nhiều về các phương tiện phòng dịch, trang thiết bị y tế... Sau này với dịch cúm gia cầm H5N1 cũng thế. Điều quan trọng là chúng ta không giấu dịch, mà công bố để thành lập ban chống dịch, triển khai một loạt biện pháp để khống chế. Bên cạnh đó cũng phải kể đến vai trò rất quan trọng của truyền thông", bác sĩ Hà nhấn mạnh.

    Cũng theo bác sĩ Hà, từ sau dịch SARS, Việt Nam bắt đầu phát triển hệ thống các phòng thí nghiệm, rồi các phương tiện điều trị, hỗ trợ ngày một đầy đủ hơn, trình độ hồi sức cũng được nâng lên... Hệ thống giám sát phòng dịch được xây dựng từ trung ương đến địa phương, chỉ cần thông báo có một ca bệnh nguy hiểm là ngay lập tức có người đến điều tra, giám sát những người tiếp xúc với ca bệnh.

    Là một bệnh nhân SARS được cứu sống, đến giờ ông Nguyễn Hữu Hùng không thể nào quên những ký ức về những ngày này cách đây 10 năm. Ông cùng với 4 người khác trong gia đình gồm chú, vợ, cô em họ và tài xế đều là những bệnh nhân của đại dịch kinh hoàng này. Tất cả đều vào Bệnh viện Việt Pháp điều trị. Đến ngày 26/3, ông được chuyển sang Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới. Khi đó, các bác sĩ đã có quyết định rất táo bạo, thay vì mở nội khí quản cho thở máy, ông được cho thở máy không xâm nhập, cho kháng sinh để khống chế bội nhiễm. Sau 4 ngày thì nồng độ ôxy trong máu ông đã tăng lên rõ rệt.

    "Làm sao quên được những lúc, hầu như mỗi ngày, được tắm gội đầu ngay tại trên giường bệnh với một đống dây dợ trên mình xông từ mũi, từ ống truyền dịch, từ ống thở oxy… Chưa kể đến trong những đêm khuya, vừa bị những cơn ho dữ dội tấn công thì đã thấy một bác sĩ ngay bên cạnh mình, nhiều lúc bác sĩ không kịp mang cả găng tay, giúp đỡ chữa trị", ông Hùng rưng rưng nhớ về kỷ niệm với các y bác sĩ - những ân nhân của ông - trong tháng ngày kinh hoàng ấy.

    Nam Phương

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Dịch SARS - bài học cảnh giác cho Việt Nam

Share This Page