8 bài học khởi nghiệp từ ông chủ Amazon

Discussion in 'Kỹ năng nghề nghiệp' started by Robot Siêu Nhân, Aug 24, 2018.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 105)

    Jeff Bezos là một trong những tỷ phú tự thân nổi tiếng nhất thế giới. Ông bắt đầu với một cửa hiệu bán sách trực tuyến sau đó biến nó thành trang bán lẻ trực tuyến lớn nhất mọi thời đại.

    Câu chuyện thành công của Jeff Bezos bắt đầu từ năm 1994, khi ông khởi nghiệp với Amazon trong nhà để xe của gia đình. Đó là buổi bình minh của thời đại kỹ thuật số, và Bezos là một người có tầm nhìn. Ngay từ khi mới khởi nghiệp, ông đã định vị cửa hàng trực tuyến của mình sẽ bán nhiều thứ hơn chứ không chỉ là những cuốn sách. Ông thiết lập nên một đế chế bán lẻ trực tuyến, cung cấp tất cả mọi mặt hàng, với mức giá thấp và sản phẩm đến tay khách hàng chỉ trong vòng vài ngày.

    Amazon.com đã thay đổi mãi mãi môi trường bán lé trực tuyến và về cơ bản là thay đổi hoàn toàn cách hàng triệu người mua sắm. Đi cùng với thành công đó, Bezos đã trở thành người giàu nhất thế giới với tổng tài sản ước tính đạt 108 tỷ USD. Vậy bí mật đằng sau những thành công lớn của Bezos là gì?

    1. Triết lý "ngày đầu tiên"

    Bezos đưa ra khái niệm "ngày đầu tiên" ngay từ khi mới thành lập công ty. Điều này có nghĩa là Amazon sẽ luôn giữ vững tinh thần khởi nghiệp, tránh tâm lý hài lòng mà những thành công lớn mang lại. Nguyên tắc "ngày đầu tiên" là tôn chỉ tối thượng khi làm việc tại Amazon.

    Bezos đã từng thảo luận về khái niệm "ngày đầu tiên" trong bức thư gửi đến các cổ đông vào năm 1997. Ông bắt đầu bằng việc liệt kê hàng loạt dấu mốc mà công ty đã vượt qua trong năm đó, như phục vụ 1,5 triệu khách hàng (ngày nay, con số này là 300 triệu người dùng), mang lại doanh thu 147,8 triệu USD (năm 2017, doanh thu của Amazon là 178 tỷ USD). Sau đó ông nói đến việc công ty phải tiếp tục tìm kiếm các cơ hội để phát triển trong thị trường cạnh tranh.

    Triết lý ngày đầu tiên kết hợp với tầm nhìn và hàng loạt các bước đi táo bạo đã trở thành ngọn đèn cho mọi bước phát triển của Amazon tới hôm nay.

    2. Đặt khách hàng ở vị trí trung tâm

    Ngay từ những ngày đầu hoạt động, Bezos tập trung vào việc đổi mới dựa theo nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Ông tin rằng, một công ty nên tập trung vào khách hàng thay vì quan tâm đến các đối thủ. Không nên lãng phí thời gian để nâng cao vị thế trên thị trường, thay vào đó cần phải tập trung để đi trước thị trường, tìm mọi cách để khách hàng trở nên hào hứng và mua sắm nhiều hơn.

    Trong một bức thư khác gửi các cổ đông vào năm 2017, Bezos chia sẻ: "Một điều mà tôi thích ở các khách hàng là họ luôn luôn bất mãn, kỳ vọng của họ không bao giờ dừng lại, mà luôn luôn đi lên".

    Người bán phải hiểu về thị trường ngay từ phút ban đầu và biết khách hàng của mình tìm kiếm gì sau đó mang đến đúng thứ họ muốn. Bezos nhận định triết lý này là cách duy nhất để tồn tại và phát triển trong một thị trường luôn thay đổi và nó cũng là nguyên tắc quan trọng để Amazon ra quyết định đầu tư cho các công ty khởi nghiệp sau này.

    3. 80 tuổi, bạn sẽ nói gì về bản thân?

    Trong thế giới kinh doanh cạnh tranh và đầy khốc liệt, thỉnh thoảng bạn sẽ không biết nên bắm bắt cơ hội nào và nên bỏ lại phía sau điều gì. Vậy làm thế nào để xác định con đường mình phải đi?

    Đây là tình huống mà Bezos phải đối mặt khi ông nảy ra ý tưởng ra mắt một cửa hàng trực tuyến vào thời điểm đang có một công việc với thu nhập khá. Khi đó, ông chủ Amazon đã tự hỏi bản thân liệu khi về già ông có hối tiếc nếu để vụt mất cơ hội này? Câu trả lời không thể chối bỏ là "Có".

    Bezos chia sẻ: "Trong phần lớn trường hợp, nỗi hối tiếc lớn nhất là những điều chúng ta đã bỏ lại phía sau. Những con đường mà chúng ta không dám đặt chân tới là sự ám ảnh mãi mãi".

    4. Xây dựng đội ngũ nhân sự tốt nhất cho công ty

    Thành công của một công ty khởi nghiệp chủ yếu đến từ những nhân sự ban đầu. Bezos đầu tư nhiều công sức cho việc xây dựng đội ngũ nhân sự. Triết lý của ông là tập trung thu hút được những người giỏi nhất vào nhóm, tặng cho họ cổ phần của công ty, để họ có động lực đưa công ty phát triển thành công.

    Amazon thậm chí còn trả cho các nhân viên yếu kém hoặc có thái độ không tốt 5.000 USD để họ nghỉ việc. Điều này cho phép công ty loại bỏ các nhân sự không có việc, hoặc có thái độ không hài lòng, và tiết kiệm được nhiều tiền hơn về lâu về dài.

    [​IMG]

    Luôn sáng tạo và dám mơ lớn là hai trong nhiều yếu tố dẫn đến thành công của Jeff Bezos.

    5. Tỏa sáng và không ngừng phát triển ở lĩnh vực trọng tâm

    Bezos từng cho biết, mục tiêu của Amazon là trở thành: "Công ty phục vụ khách hàng hàng đầu thế giới". Vì vậy, gần như mọi hoat động nội tại của công ty đều đi theo kim chỉ nam này.

    Mỗi bước đi trong quá trình xây dựng Amazon, Bezos đều bổ sung thêm các tính năng có lợi cho khách hàng. Đó là lý do tại sao Amazon luôn làm việc để tối ưu hóa hệ thống logistic và vận chuyển. Amazon rót một lượng lớn vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tâng. Nỗ lực này mang về thành quả xứng đáng khi Amazon hiện là trang bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới.

    Trong việc phát triển, ông chủ Amazon luôn sẵn sàng thực hiện những bước nhảy vọt có thể giúp công ty đạt được mục tiêu tương lai dù quyết định đó thể tiêu tốn nhiều tiền trong một thời gian ngắn.

    6. Tiết kiệm nhưng hoạt động hiệu quả

    Tiết kiệm là một trong những điều luật nền tảng của Amazon. Việc giữ giá sản phẩm thấp, hoạt động hiệu quả và cạnh tranh đã mang về cho Amazon hàng tỷ USD. Bezos tập trung rất nhiều vào nâng cao hiệu quả vận hành nhưng vẫn đảm bảo tiết kiệm ở mọi cấp độ, từ lãnh đạo đến nhân viên.

    Điều này không có nghĩa là Bezos không chịu chi tiền, ông tập trung nguồn lực của công ty vào các hạng mục liên quan tới khách hàng. Với cách nhìn nhận này, Amazon có thể cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết bao gồm cả chi phí cho nhân viên để hạ giá thành sản phẩm, tiết kiệm cho khách hàng.

    Công ty liên tục tái đầu tư doanh thu để xây dựng doanh nghiệp và chiếm lĩnh thị phần. Nói tóm lại, Bezos tập trung nhiều hơn cho việc xây dựng đội ngũ khách hàng thay vì nâng cao lợi nhuận.

    7. Chấp nhận sai lầm để thành công

    Một trong những chiến lược quan trọng mang đến thành công của Bezos là cách ông tiếp cận với thất bại. Tỷ phú cho thử nghiệm hàng loạt ý tưởng mới, mặc dù biết trước rằng một số dự án sẽ thất bại. Ông cho rằng, nếu không thử nghiệm, sẽ không bao giờ biết được ý tưởng nào hiệu quả hay không hiệu quả.

    Khi Bezos khởi lập Amazon, ông nghĩ bản thân chỉ có khoảng 30% khả năng thành công. Tuy nhiên ông chấp nhận rủi ro và cho rằng đôi khi làm vậy để rút ra bài học cho bản thân. Bezos từng đùa rằng ông phải trả hàng tỷ USD để mua về thất bại. Nhưng nhìn lại chặng đường dài, tất cả các thử nghiệm đều được đền đáp bởi cuối cùng, một vài thành công lớn sẽ xóa bỏ dấu ấn của hàng chục lần thất bại trước đó.

    8. Luôn luôn nhìn về phía trước

    Bezos luôn tập trung vào các chiến lược dài hạn khi nói về Amazon. Ông muốn truyền cảm hứng để người khác cũng có thể nghĩ xa hơn so với thực tại. Năm 2000, Bezos thành lập Blue Origin, một công ty hàng không vũ trụ. Hiện công ty này vẫn đang phát triển các công nghệ để tạo ra các chuyên bay vào không gian với giá cả phải chăng cho mọi người.

    Hướng tới tương lai và ước mơ lớn thúc đẩy quan điểm và cách suy nghĩ độc đáo của Bezos. Khả năng phát triển và thay đổi thị trường của Amazon là một minh chứng rõ ràng cho điều đó.

    Vi Vũ (Theo Entrepreneur)

    Let's block ads! (Why?)
    Nguồn: VNExpress
     
  2. Facebook comment - 8 bài học khởi nghiệp từ ông chủ Amazon

Share This Page