Trữ nước quanh năm, sếu đầu đỏ về Tràm Chim giảm 100 lần

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Jul 27, 2018.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 95)

    Hệ sinh thái của khu ramsar Tràm Chim ở Đồng Tháp đang đứng trước nhiều nguy cơ khi trữ nước ngập gần như quanh năm để phòng cháy rừng khiến hệ sinh thái bị đảo lộn, không theo quy luật một mùa khô và một mùa nước. Lượng sếu đầu đỏ, vốn là biểu tượng của Tràm Chim cũng giảm ở mức báo động.

    "Nếu như năm 1980 ghi nhận ở Tràm Chim có hơn 1.000 cá thể sếu đầu đỏ thì đến năm 2018 chỉ còn 11", ông Nguyễn Đức Tú, Điều phối viên chương trình nước và đất ngập nước của Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) nói.

    Theo ông Tú, nguyên nhân sếu không về là mất sinh cảnh trong toàn bộ vùng phân bố của các quần thể. Vùng sinh cảnh thay đổi khiến nguồn thức ăn của sếu không phát triển... "Sự mất mát này không thể khôi phục được", ông Tú nói.

    [​IMG]

    Sếu đầu đỏ không quay về Vườn quốc gia Tràm Chim vì thiếu thức ăn.

    TS Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ) cho rằng khi nước tù đọng, các loài ngoại lai như ốc bươu vàng, cá lau kính, lục bình phát triển tràn lan tại vườn quốc gia Tràm Chim, trong khi những đồng cỏ năng đặc thù nhất lại suy thoái, loài quý hiếm như sếu đầu đỏ giảm nghiêm trọng.

    [​IMG]

    Một con sếu đầu đỏ quý hiếm được gắn vòng đeo chân từ 20 năm trước, quay về và chết tại Vườn quốc gia Tràm Chim hồi tháng 4. Ảnh: Nguyễn Nga.

    Quan tâm đến vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái vùng Me Kong cho rằng đang có sự chồng chéo giữa các văn bản về luật bảo vệ rừng và luật bảo tồn đa dạng sinh học. Một vùng bảo tồn sinh thái đất ngập nước lại bị đưa vào hệ thống rừng đặc dụng thành ra được quản lý bởi luật bảo vệ rừng.

    "Việc một vùng đất ngập nước rất đặc thù ở chung nhà với rừng đặc dụng vô cùng kẹt cho công tác bảo tồn. Những người quản lý ở đây tìm mọi cách bảo vệ rừng tràm khỏi cháy bởi đó là kỷ luật", ông Thiện nói và lo ngại việc "sợ lửa" dẫn đến hệ lụy lớn là Tràm Chim đang "chết ngộp".

    Theo ông Thiện, hoàn toàn sai lầm khi nghĩ xảy ra cháy là chết hết, bởi trên thế giới đã công nhận lửa cũng là một phần của hệ sinh thái. Cháy sẽ làm mỏng lớp thực bì và thúc đẩy sự tái sinh tươi mới hơn.

    Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Khoa học Công nghệ (nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim) cho rằng để cháy thiêu rụi hết thì không tốt, còn cháy vừa phải lại rất tốt. Nghĩa là cần đốt rừng chủ động, đốt da beo. Khi đó những sinh vật ở khu vực đang đốt có thể di chuyển sang vùng lân cận và chỉ vài ngày sau, cỏ mới sinh sôi, chim, chuột, rắn rùa về rất nhiều.

    [​IMG]

    Các chuyên gia khảo sát hệ sinh thái Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Cửu Long.

    Ông Hùng đề xuất tỉnh Đồng Tháp có cơ chế đặc thù cho vườn quốc gia Tràm Chim để chủ động đốt cỏ cũng như quy định lại mức ngập nước, nhằm tạo điều kiện cho hệ sinh thái khôi phục.

    Là khu ramsar đầu tiên ở miền Tây, có vai trò quan trọng trong bản đồ đa dạng sinh học thế giới, Vườn quốc gia Tràm Chim rộng 7.313 ha, nằm lọt thỏm giữa vùng đất trũng ngập nước Đồng Tháp Mười. Đây là nơi cư trú của hơn 231 loài chim, đặc biệt là sếu đầu đỏ quý hiếm và hơn 100 loài cá cùng nhiều loài động vật khác.

    Cửu Long

    Let's block ads! (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Trữ nước quanh năm, sếu đầu đỏ về Tràm Chim giảm 100 lần

Share This Page