Cuộc chiến kỳ diệu của nữ y tá với tử thần SARS

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Mar 30, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 453)

    "Tôi thấy mình như bị dí điện vào người, lúc sốt bừng, lúc lại rét cắt da. Đau tới mức tôi nói với Uyên 'Chắc thằng Mỹ Diệm nó tra tấn cũng là thế này'", y tá Mến nhớ lại cảm giác kinh hoàng trên giường bệnh 10 năm trước.


    10 đi năm qua, dịch SARS không còn trong trí nhớ nhiều người. Nhưng với y tá Nguyễn Thị Mến - bệnh nhân nặng nhất cả ở Việt Nam và trên thế giới chiến thắng được tử thần này - thì cơn đau ám ảnh vẫn như vừa hôm qua.

    Trong căn nhà tập thể gần công viên Bách Thảo (Hà Nội), chị đang ăn bữa tối muộn. Chị bảo gần như ngày nào giờ cơm cũng thế. "Ngoài chăm sóc bệnh nhân nhi ở bệnh viện, tôi còn đi đến các gia đình. Ai gọi, vào giờ nào tôi cũng đi. Tôi phải làm thay luôn phần của những đồng nghiệp đã mất", y tá Mến cho biết.

    Trong trí nhớ của "người anh hùng" này (chị từng được suy tôn như thế sau khi chiến thắng dịch bệnh), dịch SARS bắt đầu một cách đột ngột khi mà gần như tất cả mọi người đều nghĩ đó chỉ là một loại cúm lây lan thông thường.

    Ngày đầu tháng 3/2003, tức là vài ngày sau khi tiếp xúc với bệnh nhân Hong Kong, quốc tịch Mỹ tên Chong Cheng, chị Mến thấy người ớn lạnh, sốt, cơ bắp đau nhức. Gọi điện đến bệnh viện xin nghỉ thì được biết vài đồng nghiệp khác cũng có triệu chứng tương tự. Dù được kiểm tra, uống thuốc, xông hơi... nhưng bệnh chị càng lúc càng nặng hơn.

    Chiều mùng 5/3, toàn thân chị đau kinh khủng, đã vào viện chụp cả sau lưng nhưng không phát hiện được gì. Linh cảm người làm nghề y mách bảo chị có điều chẳng lành, sợ lây cho chồng, cho con nhỏ nên quyết định nhập viện. Tại đây, chị thấy phòng bên đã có y tá Sinh và Lượng đang nằm. Y tá Uyên là trưởng kíp trực, dù cũng rất mệt và đau đớn nhưng vẫn phải chờ bác sĩ đưa bệnh nhân Hong Kong ra sân bay về mới được thay ca.

    [​IMG]
    Y tá Nguyễn Thị Mến - người sống sót kỳ diệu sau dịch SARS năm 2003. Ảnh: Phan Dương.

    "Đêm đó không ai ngủ được, liên tục bấm chuông xin thuốc, xin chăn. Chúng tôi cảm thấy mình như bị tra tấn", chị kể.

    Hai ngày sau, chị được chuyển sang khu cách ly. Cửa sổ được mở tung để hạn chế lây bệnh. Người nhà mang quạt vào thổi vù vù xua virus. "Tôi nằm nhìn thấy cảnh đối diện cổng Đại học Xây dựng tấp nập lắm. Người ta mua bán hoa cho ngày 8/3 vui vẻ. Lúc đó lại chạnh lòng nghĩ tới mình. Không ai có thể biết được cách nhau chỉ gang tấc thế mà một bên đau đớn như địa ngục, một bên là thiên đàng hạnh phúc", chị nói hai bàn tay chị đan vào nhau chặt hơn, đôi mắt nhắm chặt, hít thở.

    Rồi chị tiếp: "Nhưng đêm sau mùng 8/3 còn kinh khủng hơn. Uyên ho rũ rượi, đi chụp phổi đã trắng xóa. Tôi thì cảm giác mình không thở được, như có người bóp cổ, dìm xuống đáy sông. Lúc đó tôi lại hành kinh, nó không cầm được. Toàn thân đau nhức, người lê lết".

    Trong cơn đau đớn tột cùng, y tá Mến lờ mờ biết được đoàn cứu trợ từ các nước đã đến. Chị thấy được ông Carlo Urbani, ngày đầu đến vẫn cười đi thăm bệnh nhân. Sang ngày hôm sau, ông hoảng hốt, liên tục gọi điện, liên tục chỉ đạo. Số người nhập viện ngày càng nhiều. Nhiều người phải thở máy. Rồi chị thiếp đi.

    [​IMG]
    Y tá Nguyễn Thị Mến ngày ra viện ngày 2/4/2003. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Gần nửa tháng sau, người y tá tỉnh dậy trong sự vui mừng tột độ của đồng nghiệp. Ai nấy cũng chạy ra ôm hôn, chúc mừng chị. Qua cách cửa, chị vẫn thấy những bệnh nhân ở khu đối diện nhảy lên sung sướng, reo hò. Nhưng lúc này, chị tự nhủ khó hiểu: "Mình không may mắn, mình bị nặng thế này mà".

    Sau khi tỉnh dậy, nỗi đau còn khủng khiếp hơn. Chị kể, vẫn biết đây là tay, chân mình nhưng không sao cử động. Lồng ngực khó thở, đầu đau. Cả đêm chị vật lộn, ước cái chết đến để giải thoát. Lúc đó, các đồng nghiệp ở bên chăm sóc, động viên chị. Một y tá người Pháp đã ôm đầu chị, nói đi nói lại: "Mến ơi Mến! Mày phải nghĩ đến con mày. Mày phải sống".

    Chị cũng tự nhủ "Mình phải sống" nhưng đến lúc nghe bản tin thời sự, chị lại ngất đi lần nữa: "Tôi muốn đi thăm Uyên, Lượng, Phương. Tôi hỏi han về họ, ai cũng lắc đầu, nói khỏe rồi. Nằm ở giường cả ngày, muốn xem ti vi, mọi người cũng không cho bật lên. Rồi một đêm, tôi được xem ti vi. Đập vào tai tôi khi đó là bản tin đặc biệt về dịch hô hấp cấp. Họ thống kê đến nay có 4 bệnh nhân chết đều là những đồng nghiệp của tôi. Tôi sợ sệt kinh khủng rồi lại thiếp đi", chị nhớ lại.

    Sau lần này, cộng thêm cái chết của một đồng nghiệp khác khiến y tá Mến bị stress nặng. Đến ngày 2/4, bệnh viện cân nhắc cho chị về nhà điều trị. Người y tá sống sót một cách kỳ diệu kể rằng, một tháng sau khi ra viện chị vẫn không thở được. Đêm không thể ngủ, người đau, chân phải không cử động. Hằng ngày đều có các bác sĩ thần kinh, châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu đến khám cho chị.

    "Ngày nào cũng có rất nhiều phóng viên báo, đài nước ngoài đến. Sức tôi mệt không thể nói được, nhà tôi đã tính tới nước cho tôi ra khách sạn để tránh. Sau đó, tôi đươc đưa lên Tam Đảo nghỉ 10 ngày, tinh thần cũng phấn chấn lên", chị cho biết.

    Nhưng đôi chân vẫn chưa thể cử động được. Chị kiên trì luyện tập, ai mách ở đâu là đi bấm huyệt ở đó. Lúc bệnh viện mở cửa trở lại, chị được động viên đi làm cho khuây khỏa. Nhưng phải một thời gian rất lâu sau đó chị mới có thể thở được bình thường, đôi chân đỡ hơn, rồi mới có thể đi làm trở lại.

    "10 năm rồi, bệnh SARS chỉ còn trong trí nhớ mọi người nhưng với tôi, hằng ngày đều đang phải đấu tranh với nó. Tôi làm việc không mệt mỏi vì tôi biết được sống quý giá thế nào. Hiện giờ, đầu tôi vẫn mất một mảng tóc do nằm lâu, vẫn còn sẹo ở cổ do mở nội khí quản, mũi tôi một bên to, bên nhỏ do đặt ống thở. Tôi vẫn phải kiên trì luyện tập đôi chân, mỗi ngày chạy 4 vòng quanh Lăng Bác. Năm ngoái vừa leo Fanxipang. Năm nay, tôi định đang lên kế hoạch sẽ leo tiếp vì vẫn đang còn phải chiến đấu với di chứng của SARS", y tá Nguyễn Thị Mến nói.

    Phan Dương

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Cuộc chiến kỳ diệu của nữ y tá với tử thần SARS

Share This Page