Thiết bị bay đưa thuốc đến vùng sâu nhận vốn 35 triệu USD

Discussion in 'Kỹ năng nghề nghiệp' started by Robot Siêu Nhân, Feb 25, 2018.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 176)

    Công ty Zipline có trụ sở tại thung lũng Silicon (Mỹ) đã thực hiện dự án khởi nghiệp của mình với hệ thống vận chuyển thuốc men, dụng cụ y tế bằng thiết bị bay không người lái (drone). Hệ thống giúp người bệnh ở nông thôn hay khu vực địa hình hiểm trở, giao thông chưa phát triển được cứu chữa kịp thời.

    [​IMG]

    Hộp chứa thuốc men y tế hay máu để truyền được đóng gói trong hộp và đặt vào thiết bị bay không người lái. Ảnh: Business Insider.

    Y tá tại các trung tâm, bệnh viện vùng sâu vùng xa sẽ nhắn tin đến Zipline để yêu cầu các vật dụng y tế họ cần. Nhân viên Zipline ở trung tâm vận chuyển có nhiệm vụ đóng gói và đặt túi hàng cố định trên drone. Thiết bị này được đưa vào bệ phóng và bay với tốc độ 110km mỗi giờ, hành trình điều khiển từ xa. Khi gần đến nơi, y tá nhận tin nhắn phản hồi về địa điểm gần nhất để lấy hàng.

    Không cần đáp xuống đất, thiết bị bay sẽ thả dù túi hàng xuống nơi đã lập trình và ngay tập tức quay trở về trung tâm. Việc này giúp drone tiết kiệm nhiên liệu, an toàn hơn và đảm bảo bất cứ ai ở trung tâm y tế cũng có thể lấy hàng mà không cần qua tập huấn.

    Dù được làm bằng giấy sáp và hộp vận chuyển làm bằng bìa các tông cứng tạo sự thuận tiện, tiết kiệm chi phí và dễ dàng sửa chữa. Nhân viên tại các trung tâm vận chuyển như kỹ sư, điều dưỡng, người vận hành chuyến bay đều là dân địa phương do công ty đào tạo. Thời gian vận chuyển dưới 30 phút với khoảng cách 75km, khối lượng hàng tối đa là 1,5kg.

    Ông Keller Rinaudo - người đồng sáng lập kiêm CEO của Zipline cho biết hàng triệu người trên toàn thế giới, ở những nước đang phát triển lẫn nước phát triển tử vong mỗi năm bởi không được cứu chữa kịp thời. Vì thế Zipline ra đời để góp phần giải quyết vấn đề đó với hệ thống drone.

    [​IMG]

    Thiết bị bay sẽ thả dù hộp hàng ở gần các cơ sở y tế. Ảnh: The Guardian.

    Những người sáng lập đã dành thời gian 4 năm để nghiên cứu chế tạo thiết bị bay không người lái này. "Chúng tôi đầu tư thời gian và công sức để chế tạo thiết bị bay thích hợp cho mục đích sử dụng, bởi nếu dùng các flycam chuyên chụp ảnh thì không thể mang khối lượng hàng đi quãng đường xa, nhưng với các thiết bị bay quân đội thì chi phí lại quá lớn", ông Keller lý giải.

    Công ty cũng nhiều lần thử nghiệm việc vận chuyển trong các điều kiện thời tiết xấu như mưa lớn, gió mạnh. Năm 2016, dự án thu hút hơn 35 triệu USD vốn đầu tư từ những tên tuổi lớn như Google, đại học Standford... để ra mắt sản phẩm.

    Vào quý I/2018, công ty phối hợp cùng chính phủ Tanzania đưa hệ thống phát triển ở quy mô quốc gia, vận chuyển máu, thuốc phơi nhiễm HIV, vắc xin khẩn cấp, thuốc chống sốt rét, các vật tư trang thiết bị y tế quan trọng như kim khâu, ống truyền… đến với bệnh nhân nguy kịch ở nông thôn. Dự kiến thiết bị bay sẽ thực hiện 2.000 chuyến mỗi ngày đến hơn 1.000 cơ sở y tế trong cả nước.

    Trước đó, tháng 10/2016, công ty triển khai hệ thống tại Rwanda, đất nước châu Phi nơi đường xá ở nhiều địa phương vẫn chưa phát triển. Ước tính 12 triệu người dân sẽ có cơ hội tiếp nhận dụng cụ y tế thiết yếu nhờ vào hệ thống. Tính đến nay, thiết bị bay đã thực hiện trên 1.400 chuyến, vận chuyển qua 100.000 km với hơn 2.600 đơn vị máu đến 21 cơ sở y tế tại quốc gia này.

    [​IMG]

    Ông Keller Rinaudo, đồng sáng lập, CEO của Zipline. Ảnh: TED.

    CEO Keller Rinaudo vốn là chuyên gia về robot, còn người đồng sáng lập Will Hetzler là tư vấn viên hàng không, cả hai quen biết nhau từ khi cùng theo học tại Harvard. Đầu năm 2014, Keller đến thăm cơ sở chăm sóc sức khỏe ở Tanzania và tình cờ gặp một sinh viên đang nghiên cứu hệ thống cảnh báo qua điện thoại dành cho y tá. Hệ thống giúp gửi yêu cầu khi thiếu hụt thuốc men. Tuy nhiên những yêu cầu này không thể được đáp ứng kịp thời do điều kiện vận chuyển quá khó khăn.

    "Vấn đề đặt ra là cần chuyển thuốc đến đúng người, đúng địa điểm trong thời gian nhanh nhất. Tôi và các đồng sự đều nhất trí rằng chúng tôi có thể làm được điều đó", Keller nhớ lại động lực giúp mình theo đuổi dự án.

    Cũng theo ông, lợi nhuận của công ty không lấy từ việc bán thiết bị mà được trả qua từng chuyến vận chuyển. Dự án hướng tới mở rộng ra quy mô toàn cầu, đặc biệt là các nước có nhu cầu về cải thiện, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

    Y Vân (Theo Business Insider)

    Let's block ads! (Why?)
    Nguồn: VNExpress
     
  2. Facebook comment - Thiết bị bay đưa thuốc đến vùng sâu nhận vốn 35 triệu USD

Share This Page