Động cơ thôi thúc cá voi liều cứu thợ lặn khỏi cá mập hổ

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Jan 10, 2018.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 158)

    [​IMG]

    Con cá voi lưng gù tìm cách đẩy Hauser lên mặt nước. Video: Caters.


    Nghiên cứu dựa trên hơn 100 quan sát của các nhà sinh vật học hải dương cho thấy cá voi lưng gù thường xuyên can thiệp vào cuộc săn của động vật ăn thịt để bảo vệ các loài động vật khác. Chúng có thể hành động như vậy do bản năng bảo vệ con non của chính mình, theo Live Science.

    Một con cá voi lưng gù nặng khoảng 22.700 kg bơi về phía nhà sinh vật học hải dương kiêm thợ lặn Nan Hauser ở ngoài khơi quần đảo Cook ở nam Thái Bình Dương hồi tháng 10 năm ngoái. Con cá voi nâng Hauser lên khỏi mặt nước bằng chiếc đầu cực đại. Trong 10 phút căng thẳng sau đó, Hauser bình tĩnh bơi quanh con cá voi trong khi nó thỉnh thoảng dụi đầu vào người bà, dùng bụng huých và vụt tạt qua bằng những chiếc vây ngực to khỏe.

    "Tôi đã trải qua 28 năm dưới nước với những con cá voi, và chưa bao giờ thấy một con cá voi nào liên tục tiếp xúc và khăng khăng đẩy tôi lên đầu, bụng hoặc lưng như vậy, hay rõ nhất nó cố gắng để tôi nép vào dưới chiếc vây ngực khổng lồ", Hauser, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật biển có vú ở quần đảo Cook, cho biết.

    [​IMG]

    Con cá voi lưng gù cứu mạng Hauser. Ảnh: Caters.

    "Nếu nó đụng vào tôi quá mạnh hoặc chân chèo hay đuôi của nó đập trúng tôi, nó sẽ làm gãy xương của tôi và vỡ các quan nội tạng. Nếu nó kẹp chặt tôi bằng vây ngực, tôi sẽ chết đuối. Tôi chắc chắn đó rất có thể sẽ là một cuộc đụng độ nguy hiểm chết người", Hauser chia sẻ.

    Chỉ sau khi bơi lên mặt nước và trở lại tàu nghiên cứu, Hauser mới phát hiện một vị khách bất ngờ khác bơi gần đó: con cá mập hổ dài 4,6 mét rình rập ở bên kia mình con cá voi. Hauser và đồng nghiệp quay lại toàn bộ sự việc và chia sẻ trên Facebook hôm 8/1. Nhờ cảnh quay, Hauser biết chắc con cá voi lưng gù không cố gắng tấn công mà đang che chắn cho bà khỏi cá mập tấn công.

    Đây không phải là lần đầu tiên cá voi lưng gù can thiệp vào những cuộc phục kích săn mồi dưới biển. Năm 2009, nhà sinh vật học hải dương Robert Pitman chụp bức ảnh một con cá voi lưng gù ôm hải cẩu Weddell trước ngực trong khi bơi trong nước, bảo vệ hải cẩu trước đàn cá voi sát thủ đói mồi.

    Pitman phân tích 115 cuộc đụng độ giữa cá voi lưng gù và cá voi sát thủ từ năm 1951 đến 2012 và xác định hành động cứu hải cẩu mà ông chứng kiến không mang tính nhất thời. Theo Pitman, cá voi lưng gù thường xuyên tụ tập với nhau và đôi khi di chuyển qua quãng đường lớn để cản trở những cuộc tấn công của cá voi sát thủ, bất kể con mồi chúng đang săn thuộc loài nào.

    Hành vi bảo vệ của cá voi lưng gù nhiều khả năng đến từ bản năng bảo vệ đàn con của chúng trước động vật ăn thịt, Pitman kết luận. Do những con cá voi lưng gù đồ sộ gần như không thể bị cá voi sát thủ đe dọa, động cơ cứu con non xứng đáng để chúng mạo hiểm can thiệp vào cuộc săn hoặc thậm chí phát động một cuộc chiến.

    "Một hành vi đơn giản như cản trở cá voi sát thủ tấn công có thể ngăn con non khỏi bị giết chết, đôi khi có thể giúp các loài khác. Tôi nghĩ chúng ta cần cân nhắc hành vi vị tha của cá voi lưng gù có thể không có chủ định trước và xuất phát từ lợi ích bản thân", Pitman nhận xét.

    Các nhà nghiên cứu bắt gặp cá voi lưng gù hành động tương tự vào tháng 5/2017, khi đàn cá voi cứu những con cá voi xám non khỏi nhóm cá voi sát thủ rình mồi ở vịnh Monterey, bang California, Mỹ. Hauser cho rằng có thể con cá voi trong video cũng đang cố gắng bảo vệ cô khỏi sát thủ săn mồi lẩn giữa đàn. Sau lần thoát chết, bà phát hiện một con cá voi lưng gù che chắn cho bà trong khi một con khác quật nước gần nơi cá mập cổ đang bơi để ngăn nó đến gần.

    Đây là trường hợp đầu tiên được ghi nhận về cá voi lưng gù bảo vệ người trước cá mập, theo Hauser. Dù động cơ của con cá voi lưng gù xuất phát từ bản năng hay do tình cờ, Hauser vẫn biết ơn con vật.

    Phương Hoa

    Let's block ads! (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Động cơ thôi thúc cá voi liều cứu thợ lặn khỏi cá mập hổ

Share This Page