Những thiết bị gia dụng dễ bị bỏ quên

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Dec 21, 2017.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 137)

    Máy làm giá đỗ, làm sữa chua, máy pha cà phê, làm sữa đậu nành, máy ép nước trái cây, máy luộc trứng... hay rất nhiều thiết bị khác với những cái tên tuy lạ tai nhưng trên thực tế lại khá phổ biến trong nhiều gia đình. Chúng có chung các đặc điểm là thiết kế nhỏ gọn, giá rẻ, rất ít chức năng và được tạo ra nhằm đáp ứng một phân khúc thị trường rất nhỏ. Những người mua đa phần là các bà nội trợ với xuất phát điểm bởi sự tò mò thông qua những lời quảng cáo trên truyền hình, mạng xã hội hay qua truyền miệng.

    [​IMG]

    "Tôi thấy quảng cáo trên TV rất hay, giá lại rẻ nên đặt mua một lần", chị Hà (Hà Nội) chia sẻ lý do mua chiếc máy làm giá đỗ của mình. Trước đó, chị cũng từng mua một thiết bị tự ủ sữa chua. Chị cho biết có nhiều thiết bị như thế này mang lại cho căn bếp của chị cảm giác rất hiện đại.

    Một người khác ở Hà Đông, Hà Nội cũng cho biết qua lời quảng cáo của một đồng nghiệp nên chị đã lên mạng đặt mua một chiếc máy làm sữa đậu nành có giá hơn 1 triệu đồng về để làm nước uống cho con.

    Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều loại máy có thể đáp ứng các nhu cầu nhỏ như thế này của người dùng. Nếu bạn thích ăn sữa chua, có máy làm sữa chua. Thích ăn giá đỗ, có máy ủ giá đỗ. Tương tự vậy với máy làm sữa đậu nành, ép trái cây, ủ rau mầm... Ngoài ra, còn có vô số máy nướng bánh, máy pha cà phê, nồi chiên không mỡ, thiết bị vệ sinh cầm tay... tất cả các nhu cầu nhỏ nhặt khác trong gia đình, đặc biệt là trong lĩnh vực nấu nướng đều có thể đáp ứng bởi các thiết bị đơn giản, nhỏ gọn và đa dạng này.

    Giá của các chúng nhìn chung không quá đắt, đôi khi chỉ vài trăm nghìn đồng, loại đắt cũng chỉ 1-2 triệu đồng. Nếu mua trực tuyến, mức giá còn có thể giảm nhiều hơn trong các đợt khuyến mãi. Tại các siêu thị đồ gia dụng, những sản phẩm như thế ngày càng phổ biến và luôn được quảng cáo rất "nhiệt tình". Về nguồn gốc, một số sản phẩm do các công ty trong nước sản xuất nhưng phần lớn có xuất xứ từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Nếu bỏ ra chi phí lớn hơn, người dùng có thể mua được các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản, Hàn Quốc.

    [​IMG]

    Tuy nhiên, khá nhiều trong số các thiết bị này lại có tỷ lệ sử dụng không cao, dễ bị "bỏ xó" bởi không đáp ứng được kỳ vọng mong đợi từ người sử dụng. Thậm chí, rất nhiều trong số này chỉ được sử dụng một lần nhanh chóng bước vào quá trình "ngủ đông" trong góc bếp.

    "Tôi từng mua một máy xay thịt, hoạt động tốt nhưng rất khó làm sạch. Đôi khi rửa kỹ mà vẫn không hết được mảnh vụn bên trong. Còn có máy hấp trứng, sau khi thử dùng một lần thì bỏ xó luôn vì mỗi lần chỉ đủ cho một người ăn trong khi nhà có ba người. Nấu bằng cách truyền thống còn nhanh hơn", một người dùng chia sẻ.

    Không ít các loại máy nhỏ như thiết bị ép nước trái cây, máy làm sữa chua... cũng dễ bị bỏ bê vì nhiều người sớm nhận ra cách xử lý các loại thực phẩm này theo cách truyền thống mang lại sự tiện lợi và hương vị ngon hơn máy móc làm rất nhiều.

    "Mẹ tôi thích uống nước bưởi nên đã mua một cái máy ép về dùng. Cuối cùng sau vài lần sử dụng, nó nhanh chóng được cho vào tủ cất. Bởi mỗi lần dùng vẫn phải mất công bóc bưởi, lột vỏ, bỏ vào rồi ép xong lại loay hoay mang đi vệ sinh, rất mất thời gian và công sức", một thanh niên chia sẻ trên mạng xã hội.

    [​IMG]

    Một số người khác thì gặp khó khăn trong việc bảo hành, sửa chữa các thiết bị này. Những mô-tơ điện hay cánh quạt, hệ thống dao cắt một khi hỏng rất khó để sửa lại hay tìm mua được đồ thay thế. Chi phí thay mới đôi khi cao ngang bằng với việc mua máy mới.

    Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, người dùng cần suy nghĩ ít nhất hai lần trước khi quyết định mua các loại đồ gia dụng này. Không nên mù quáng theo đuổi trào lưu hay xu hướng, hoặc bị những lời quảng cáo mê hoặc. Ngoài việc tính toán diện tích trong nhà sẽ bị chúng chiếm dụng, người dùng còn phải cân nhắc tới tần suất sử dụng và mức độ hợp lý trước khi quyết định sắm về. Thêm vào đó, cần tìm hiểu kỹ về cách sử dụng và các tính năng, thậm chí có thể nghĩ tới cả việc nên làm gì (trao đổi, bán hoặc cho, tái chế) trong trường hợp ít sử dụng.

    Mai Anh

    Let's block ads! (Why?)
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - Những thiết bị gia dụng dễ bị bỏ quên

Share This Page