Những ý tưởng diệt bão táo bạo của con người

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Sep 9, 2017.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 174)

    [​IMG]

    Ảnh vệ tinh chụp siêu bão Irma hôm 6/9. Ảnh: NASA.

    Bão là hiện tượng tự nhiên có thể gây ra thiệt hại rất nặng nề cho con người. Để ngăn chặn sức tàn phá kinh hoàng của bão, nhiều nhà khoa học đã đề xuất những ý tưởng kỳ lạ để "diệt bão", nhưng đến nay chưa có bất cứ phương án nào chứng tỏ được tính thực tiễn, theo New Scientist.

    Lao máy bay siêu thanh vào bão

    Giáo sư Arkadii Leonov cùng các đồng nghiệp tại Đại học Akron, Ohio, tháng 12/2008 nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho phương pháp chặn bão bằng máy bay siêu thanh.

    Cách chặn bão của Leonov là lái máy bay siêu thanh vào những luồng khí xoáy quanh mắt bão. Máy bay sẽ tạo ra tiếng nổ siêu thanh, phá vỡ dòng chuyển động hướng lên của khối khí nóng tạo ra bão.

    Nhóm nghiên cứu của Leonov cho biết vì tiếng nổ siêu thanh sẽ tỏa ra ngoài máy bay nên có thể không cần nhiều máy bay để chặn bão. "Hai chiếc tiêm kích F-14 bay với tốc độ 1.852 km/h là đủ để ngăn cản, làm yếu hoặc tiêu diệt một cơn bão nhiệt đới điển hình", nhóm nghiên cứu viết trong đơn đăng ký.


    Hiện tượng tiếng nổ siêu thanh do máy bay tạo ra. Video: YouTube.


    Leonov bắt đầu nghiên cứu cách chặn bão sau khi chứng kiến những hậu quả thảm khốc do siêu bão Katrina để lại năm 2005.

    "Tôi không thể đảm bảo cách này sẽ hiệu quả", ông cho biết. Leonov đã không thể đưa ra số liệu chứng minh cho phương pháp mới theo yêu cầu của không quân Mỹ. Ông giải thích là do điều kiện tiến hành những tính toán cụ thể tại Đại học Akron không tốt.

    Tuy nhiên, ông cho rằng cách này rất khả thi vì dù sức mạnh của bão vô cùng khủng khiếp, vẫn có một vùng đặc biệt nhạy cảm trong bão dễ bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng làm lạnh.

    [​IMG]

    Ý tưởng chặn bão bằng máy bay siêu thanh của giáo sư Arkadii Leonov. Ảnh: Popular Science.

    Leonov từng nhiều lần trao đổi ý tưởng với Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Trung tâm Bão Florida và Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), nhưng đều không được quan tâm.

    Hugh Willoughby, giáo sư tại Đại học Quốc tế Florida, cựu giám đốc bộ phận nghiên cứu bão của NOAA, cho rằng đây không phải là một ý tưởng hay.

    "Lái hai chiếc tiêm kích F-14 với vận tốc 1.852 km/h lao vào gió xoáy ở rìa mắt bão là cách hay để phá nát máy bay và lấy mạng phi công", Willoughby nhận xét. "Ngoài ra, có vẻ sóng âm mạnh sẽ đi qua các nhiễu động khí tượng mà không ảnh hưởng nhiều đến chúng, giống như việc đứng la hét trong gió vậy".

    Dùng phễu khổng lồ hút nước ấm xuống đáy biển

    Năm 2009, Nathan Myhrvold, đồng sáng lập công ty Intellectual Ventures, miêu tả phương pháp chặn bão của mình trên ABC News. Đó là đặt dưới biển một phễu nhựa lớn với xi-lanh để kéo nước ấm, yếu tố hình thành nên bão, xuống đáy biển nhờ chuyển động sóng. Nếu đặt vài nghìn phễu ở biển thì sức mạnh của cơn bão sẽ suy giảm.

    Theo một phát ngôn viên của Intellectual Ventures, họ đã chứng minh tính khả thi của phương pháp này qua việc chạy mô hình trên máy tính và nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

    Tuy nhiên, dự án đòi hỏi nhiều thử nghiệm quy mô lớn, phù hợp với một trường đại học hoặc nhóm nghiên cứu của chính phủ hơn. Đến nay, chưa có tổ chức nào như vậy đứng ra nghiên cứu phương án này.

    Dự án Stormfury

    Stormfury là một dự án chính phủ nhằm rải bạc i-ốt vào bão, kích thích mây xung quanh và tạo "thành mắt bão". Theo Willoughby, các nhà nghiên cứu đã áp dụng phương pháp này với bão Esther (1961), Beulah (1963), Debbie (1969), và Ginger (1971).

    Ban đầu, kết quả có vẻ khả quan vì những cơn bão phần nào chậm lại. Nhưng khi tiến hành quan sát thêm, các nhà khoa học nhận thấy những thay đổi của bão chỉ trùng hợp với những gì họ mong đợi và hóa ra bão tự hình thành "thành mắt bão" mà không cần con người can thiệp.

    Các nghiên cứu vào những năm 1980 cũng cho thấy, không có đủ nước siêu lạnh bên trong bão để bạc i-ốt phát huy hiệu quả lớn.

    Tấn công bão bằng bom hạt nhân

    [​IMG]

    Các nhà khoa học từng đưa ra ý tưởng chặn bão bằng bom hạt nhân. Ảnh: How Stuff Works.

    Người ta từng đưa ra ý tưởng "thổi bay bão bằng bom hạt nhân", Willoughby cho biết. Nhưng theo ông, cách này cũng bất khả thi. Một cơn bão phát triển hoàn chỉnh có thể giải phóng nhiệt năng gấp 5 đến 20 lần 1013 W và chuyển đổi dưới 10% sức nóng thành năng lượng gió.

    Năng lượng này lớn hơn rất nhiều lần so với bom hạt nhân. Theo Niên giám Thế giới 1993, toàn nhân loại sử dụng năng lượng ở mức 1013 W trong năm 1990, chỉ bằng 20% năng lượng của một siêu bão.

    Những ý tưởng táo bạo khác

    Chương trình "Làm sao để chặn bão" của đài CBC năm 2007 giới thiệu 7 phương pháp mà các nhà khoa học đề xuất, trong đó có ba phương pháp chặn bão bằng cách làm lạnh mặt biển gồm nổ nitơ, làm màng phủ hóa học và bơm nước biển sâu. Một số phương pháp khác liên quan đến mây, trong đó có gieo mây và khói carbon.

    Thậm chí nhà phát minh Ross Hoffman còn nhận được 500.000 USD tài trợ từ NASA để nghiên cứu ý tưởng chiếu vi sóng vào bão từ ngoài không gian để khiến chúng đổi hướng.

    Đặc biệt nhất là nhà phát minh Robert Dickerson với giải pháp dùng máy bay bắn tia laser vào bão khi chúng mới hình thành và trên trời có nhiều sấm chớp. Tuy nhiên, các chuyên gia tại NOAA đã bác bỏ đề xuất này.


    Giải pháp chặn bão bằng tia laser của nhà phát minh Robert Dickerson. Video: YouTube.


    Peter Gleick, nhà khí tượng học, đồng sáng lập Viện Thái Bình Dương tại Oakland, Mỹ cho rằng các ý tưởng trên đầu không khả thi vì bão là hiện tượng địa vật lý lớn với quy mô và độ phức tạp lớn hơn nhiều so với những gì đa số mọi người nghĩ. Vấn đề khó nhất là không thể biết những gì bạn làm có ảnh hưởng chút nào đến bão hay không.

    Mối lo ngại lớn nhất là hành động can thiệp vào bão có thể khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Theo Gleick, giống như các dự án sử dụng công nghệ tác động tự nhiên quy mô lớn, ông không muốn can thiệp bừa bãi vào những hiện tượng địa vật lý phức tạp mà không biết mình đang làm gì.

    "Với hiểu biết hiện nay, chúng ta vẫn chưa thể dự đoán chính xác nhiễu động nhiệt đới nào sẽ mạnh lên thành bão, càng chưa thể dự đoán chính xác đường đi và cường độ bão trước một tuần", giáo sư Greg McFarquhar tại Đại học Illinois, cho biết.

    Như vậy nghĩa là không thể biết cơn bão nào sẽ biến thành siêu bão đủ sớm để hành động. Ông cũng nói thêm, có rất nhiều yếu tố liên quan nhau ảnh hưởng đến cường độ bão. Do đó, thay đổi yếu tố này có thể làm ảnh hưởng những yếu tố khác.

    Con người không nên tự đưa mình vào nguy hiểm, Dale W. Jamieson, phụ trách Chương trình Nghiên cứu Môi trường tại Đại học New York, phát biểu. Theo ông, biện pháp đúng đắn là chung sống với thiên nhiên thay vì cố gắng dùng khoa học để biến đổi bão.

    Thực tế, bão cũng đem lại một số tác động tích cực, McFarquhar cho biết. Nhiều khu vực sẽ trở nên khô hạn nếu không có độ ẩm do bão cung cấp. Bão cũng di chuyển hơi nóng ra khỏi quỹ đạo, hướng đến các cực.

    "Chúng ta đã đủ khôn ngoan để biết được hậu quả của những thay đổi quy mô lớn chưa?", Patrick Michaels, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học tại Viện Cato, đặt câu hỏi. "Chắc chắn sẽ có nhiều bất lợi khi đùa giỡn với những thứ mà chúng ta không hiểu!"

    Thu Thảo

    Let's block ads! (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Những ý tưởng diệt bão táo bạo của con người

Share This Page