Biến đổi khí hậu tăng sức tàn phá của bão Harvey

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Aug 28, 2017.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 207)

    [​IMG]

    Phố ở Dickinson, Texas ngày 27/8 thành sông do bão Harvey gây mưa lớn. Ảnh: Reuters.

    Bão Harvey đang gây lụt lịch sử và được dự báo sẽ tồn tại trong khu vực đến tối 30/8, phá vỡ kỷ lục lượng mưa ở Texas khi trút tổng cộng 127 cm nước xuống thành phố Houston ở hạt Harris, bang Texas và các khu vực lân cận, Atlantic ngày 27/8 đưa tin.

    Theo các nhà khoa học, bão Harvey hay các cơn bão nhiệt đới ngày càng mạnh thêm do biến đổi khí hậu. Khí thải gây hiệu ứng nhà kính như CO2 và metan từ hoạt động của con người làm nóng bầu không khí. Sự bay hơi vì vậy diễn ra nhanh hơn và làm tăng độ ẩm của khí quyển. Sức mạnh của các cơn bão do đó được tăng cường.

    Tuy nhiên, cường độ của những cơn bão như Harvey còn hình thành từ một hệ quả khác của biến đổi khí hậu. Khi không khí nóng lên, một phần nhiệt được đại dương hấp thụ khiến các lớp nước trên mặt biển nóng lên.

    Hướng đến Houston cuối tuần qua, bão Harvey gặp một trong những vùng biển nóng nhất hành tinh với nhiệt độ vùng nước mặt ấm hơn nhiệt độ trung bình 1,5-4 độ C. Được bổ sung năng lượng vùng nước ấm bất thường trên Vịnh Mexico, bão Harvey mạnh lên thành siêu bão cấp 4 chỉ trong khoảng 48 giờ và đã trút 34 tỷ m3 nước mưa xuống bang Texas.

    "Đây là nguồn nhiên liệu chính của cơn bão", Kevin Trenberth, nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Mỹ nói. "Đại dương ấm hơn khiến những cơn bão có khuynh hướng mạnh hơn, lớn hơn, tồn tại lâu hơn và gây nhiều mưa hơn".

    Hành vi bất thường nhất và đáng sợ nhất của bão Harvey là khả năng mạnh lên cấp 4 chỉ vài giờ trước khi đổ bộ vào đất liền. Trong 30 năm qua, không cơn bão nào ở phía tây Florida mạnh lên trong 12 giờ trước khi đổ bộ vào đất liền.

    Thông thường, các cơn bão lấy năng lượng từ các vùng nước ấm trên đại dương. Gió mạnh cuốn nước từ các vùng nước ấm nhất sâu bên dới bề mặt. Nhưng gió cũng đưa nước lạnh lên khí quyển. Nước lạnh sẽ làm cạn năng lượng và gây suy yếu bão.

    [​IMG]

    Người dân và vật nuôi ở Dickinson được đưa lên thuyền cứu hộ ngày 27/8. Ảnh: Reuters.

    Bão Harvey là một ngoại lệ, theo Trenberth. Khi khuấy tung mặt nước ở độ sâu 100-200 m dưới bề mặt, bão Harvey vẫn gặp nước ấm để tiếp tục lớn lên và mạnh thêm. "Cơn bão không ở trong địa thế tốt để mạnh lên do rất gần đất liền", Trenberth nói. "Thật ngạc nhiên nó lại vẫn mạnh lên được".

    Có hay không biến đổi khí hậu, một cơn bão như bão Harvey vẫn có thể xảy ra tại một trong những khu vực thuận lợi nhất thế giới cho siêu bão phát triển vào đỉnh điểm mùa bão. Các chuyên gia đã từ lâu lo ngại Houston có thể bị một siêu bão tấn công.

    Nhưng lượng nhiệt tăng lên của Trái Đất có thể khiến bão gây thiệt hại lớn hơn và phá vỡ hệ thống thoát nước của thành phố. "Con người đóng góp khoảng 30% tổng lượng mưa bão Harvey trút xuống", Trenberth nói. "Biến đổi khí hậu do hoạt động của con người làm trầm trọng thêm thiệt hại do bão Harvey gây ra".

    Khi được so sánh với những cơn bão gây thiệt hại lớn tại Houston trong những năm qua, Harvey vẫn đứng vào hàng chưa từng thấy. Các nhà khoa học dự báo đây sẽ là loại hình thời tiết khác thường sẽ xảy ra nhiều hơn khi Trái Đất đang ấm lên.

    Dù mới chỉ diễn ra bằng nửa thời gian của cơn bão nhiệt đới Allison gây lũ lịch sử ở đông nam Texas năm 2001, lượng nước mưa bão Harvey trút xuống hạt Harris đã vượt Allison. Và cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Mỹ trong 12 năm qua kể từ trận bão Katrina năm 2005, đã làm ít nhất 5 người chết tại khu vực bang Texas, được dự báo sẽ tiếp tục gây mưa.

    Vũ Phong

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Biến đổi khí hậu tăng sức tàn phá của bão Harvey

Share This Page