Cẩn thận Các Fanpage, Website mang tên Lãnh đạo đều là mạo danh

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Mar 17, 2015.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 274)

    Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định những Website/Fanpage trên mạng mang tên lãnh đạo nhà nước đều là giả mạo, không chính thống.


    Lãnh đạo Đảng, Nhà nước không có tài khoản trên mạng xã hội, những trang đó đều là mạo danh, nội dung đăng tải không phải chính thống”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trao đổi với VnExpress.



    - Gần đây, nhiều tài khoản xưng danh các chính khách, lãnh đạo Đảng, Nhà nước xuất hiện trên mạng xã hội, thực hư về các tài khoản này thế nào thưa ông?



    - Hầu hết mạng xã hội hiện nay chưa có cơ chế cho phép xác thực danh tính của người sử dụng. Người ta tự do lựa chọn tên tài khoản, vì vậy, việc mạo danh có thể thực hiện một cách dễ dàng. Thực tế, không ít trang blog và Facebook cá nhân mang tên một số lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tôi khẳng định lãnh đạo Đảng, Nhà nước không có tài khoản trên mạng xã hội, những trang đó đều là mạo danh, nội dung đăng tải không phải thông tin chính thống.



    - Làm thế nào để người dân phân biệt được đâu là tài khoản mạng xã hội giả, đâu là trang chính thức của chính khách?



    - Tính chất đặc thù của mạng xã hội là xã hội ảo, không nên đặt vấn đề thật giả mà nên đặt vấn đề từ góc độ đúng hoặc trái pháp luật.

    Để phân biệt đâu là trang giả mạo, cách đơn giản nhất là người sử dụng chỉ nên coi nguồn tin do người phát ngôn được chỉ định của cơ quan, tổ chức, hoặc thông tin được đưa lên trang điện tử chính thức của cơ quan, tổ chức đó, là thông tin chính thống. Còn lại, mạng xã hội là một trong những cách mà xã hội lan truyền, chia sẻ. Thông tin đó chỉ có tính tham khảo và người lan truyền thông tin sai sự thật sẽ bị xử lý theo pháp luật.



    - Một số chính khách đã sử dụng mạng xã hội như kênh giao tiếp với người dân. Thứ trưởng nghĩ sao về việc này?



    - Việc đưa thông tin chính thống lên các mạng xã hội sẽ giúp thông tin được phổ biến nhanh hơn tới người nhận. Các cơ quan nhà nước nên sử dụng và tận dụng thế mạnh này của các mạng xã hội.



    Các đồng chí lãnh đạo có thể sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân gắn liền với trang thông tin điện tử của đơn vị chủ quản để đăng tải thông tin chính thống và trao đổi, lắng nghe ý kiến của người dân; đồng thời xem xét, tận dụng ưu thế của mạng xã hội trong và ngoài nước bằng việc đưa các liên kết tới trang chính thống, nhưng chỉ xem đó như là một công cụ truyền thông, tránh phụ thuộc vào một mạng xã hội cụ thể nào.



    Còn từ góc độ cá nhân của các đồng chí lãnh đạo thì mạng xã hội cũng là một cách để giao tiếp với bạn bè, chia sẻ cảm xúc của mình mà thôi.



    - Việc công khai tài khoản Facebook của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được nhiều người ủng hộ, cùng với đó hàng chục trang mạo danh khác xuất hiện. Bộ có biện pháp kỹ thuật nào để bảo vệ các trang mạng xã hội của chính khách?



    - Việc Bộ trưởng Y tế công khai trang mạng xã hội có ý nghĩa cầu thị, nhưng tất cả các phát ngôn chính thức đều phải tuân thủ Quy chế phát ngôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg. Với tư cách là đại diện của cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, chúng tôi tôn trọng mọi ý kiến cá nhân.



    - Ông sử dụng mạng xã hội như thế nào và có bị mạo danh không?



    - Tôi rất mê mạng xã hội, tôi thường xuyên sử dụng mạng xã hội và cũng có tài khoản Facebook riêng. Đó là kênh giao tiếp với bạn bè của tôi. Việc sử dụng mạng xã hội giúp tôi giữ được mối quan hệ với bạn bè và người thân. Tôi không biết có ai mạo danh tôi hay chưa. Nếu có người mạo danh, làm ảnh hưởng đến cá nhân hoặc tư cách Thứ trưởng, thì người đó phải tự chịu trách nhiệm.



    - Bộ Thông tin có khuyến cáo gì với người dùng mạng xã hội?



    - Mạng xã hội là một phương tiện để kết nối bạn bè và chia sẻ thông tin. Mỗi người phải tự chắt lọc thông tin cho mình vì đó không phải là kênh thông tin chính thống.



    Một trong những mục tiêu của mạng xã hội là nâng cao vai trò của mỗi công dân trong việc tạo lập quan hệ và tự tổ chức xoay quanh những mối quan tâm chung trong cộng đồng. Mỗi người phải tìm đến những nguồn thông tin chính thống hoặc tìm hiểu mức độ chính xác của thông tin mình tiếp nhận. Những người dùng mạng xã hội đều phải lưu ý vấn đề bí mật đời tư và xâm phạm bí mật đời tư của người khác; phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra.



    Việc mạo danh cá nhân, tổ chức, nhất là mạo danh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để phục vụ các ý đồ xấu là hết sức nguy hiểm. Vì vậy, người sử dụng mạng xã hội cũng phải đề cao cảnh giác như với những kẻ mạo danh trong xã hội thực.




    Thời gian qua, hàng loạt trang Facebook, website xuất hiện lấy tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, Bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Khoa học Nguyễn Quân..., thu hút hàng chục nghìn người theo dõi.
    Các Facebook mạo danh thường cập nhật hoạt động của các vị lãnh đạo, tạo niềm tin cho cộng đồng mạng, khiến nhiều người nghĩ rằng đó thật sự là trang cá nhân của họ. Tuy nhiên, cũng có Facebook đưa nhiều thông tin làm ảnh hưởng đến uy tín của các vị lãnh đạo.

    VNExpress

    [​IMG]
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - Cẩn thận Các Fanpage, Website mang tên Lãnh đạo đều là mạo danh

Share This Page