Phải chủ động đưa thông tin chính thống lên mạng

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Jan 16, 2015.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 276)

    (XHTT) Trên mạng xã hội ai nói gì thì nói nhưng nếu có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân tin. Đây là nhiệm vụ mới, cần phải làm tốt hơn”, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Văn phòng Chính phủ.


    "Ta không cấm, không ngăn được, vì thế quan trọng nhất là đưa thông tin đúng, chính xác, kịp thời từ đó tạo niềm tin, còn ai nói gì thì nói nhưng đây là thông tin chính thống của Chính phủ”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo như vậy tại hội nghị tổng kết công tác năm 2014 của Văn phòng Chính phủ, sáng 15/1.

    Phát biểu tại hội nghị, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, đối với những thông tin không đúng làm phân tâm xã hội, cùng với việc các bộ ngành triển khai công việc theo chức năng, nhiệm vụ của mình, về phía Văn phòng Chính phủ phải chủ động tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ để kịp thời nắm bắt tình hình, chủ động cung cấp thông tin chính thống. Thông tin nào không đúng thì nói lại để xã hội hiểu đúng.

    Bối cảnh thế giới và trong nước năm 2015 nhiều thách thức, Thủ tướng yêu cầu phải đoàn kết, tập trung sức lực của toàn Đảng, toàn dân thực hiện được nhiệm vụ được giao.

    [​IMG]

    Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đưa thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ lên mạng.

    Theo Thủ tướng, để dân hiểu được những việc Chính phủ đang làm thì phải hiện đại hóa Chính phủ điện tử. Trong đó, thông tin về quản lý điều hành của Chính phủ phải đưa lên mạng, đến được với công chúng. Làm tốt được việc này vừa nhanh, tiết kiệm kinh phí, lại kịp thời ngăn chặn những thông tin không đúng đắn, tạo được niềm tin và sự đồng thuận của người dân.

    Thủ tướng cho rằng mỗi bộ trưởng, chuyên viên đều phải có trách nhiệm làm công tác thông tin truyền thông, kịp thời cung cấp những quyết định của Chính phủ, Thủ tướng trong quản lý điều hành để toàn dân biết, toàn dân hiểu, đồng thuận, đồng lòng triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, của Quốc hội. Đó là quyền được cung cấp thông tin của người dân.

    Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý, hiện nay hơn 30 triệu người Việt đang sử dụng các mạng xã hội, đó là nhu cầu thiết yếu không thể ngăn cấm. Điều quan trọng phải thông tin cho chính xác, định hướng cho tốt dư luận trên mạng xã hội.

    “Công tác thông tin bây giờ đòi hỏi nhanh lẹ, kịp thời để đáp ứng quyền được thông tin của người dân và tạo đồng thuận xã hội”, Thủ tướng nói.

    Theo Thủ tướng, hiện nay lĩnh vực thông tin không chỉ có các loại hình báo chí truyền thống như báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình…, mà còn có mạng xã hội.

    Đặc biệt, thông tin luôn diễn ra hai chiều, do đó những vấn đề nóng hổi, bức xúc từ cuộc sống phải có đề xuất ngay để xử lý. “Thông tin không đúng làm phân tâm xã hội, ai phải làm việc này ngoài Chính phủ”, Thủ tướng nhắc nhở.

    “Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên Facebook xem thông tin. Vậy làm sao để thông tin đó đúng đắn, chúng ta không ngăn, không cấm được đâu các đồng chí”, Thủ tướng nói.

    “Phải đưa thông tin chính xác, kịp thời để định hướng. Trên mạng ai nói gì thì nói, nhưng nếu có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân mới có lòng tin. Đây là nhiệm vụ mới, cần phải làm tốt trong năm nay”, ông giao nhiệm vụ cho Văn phòng Chính phủ.

    Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc nhở, Văn phòng Chính phủ phải bảo đảm điều kiện vật chất, kỹ thuật để triển khai thường xuyên các cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ với các bộ ngành và địa phương. Những vấn đề quan trọng như đối phó siêu bão thì họp trực tuyến sẽ truyền đạt thông tin, chỉ đạo nhanh hơn.

    Với những vấn đề quan trọng của từng địa phương, dù nhiều ý kiến nói không đưa những việc của địa phương lên Thủ tướng, nhưng Thủ tướng cho rằng, có những việc đích thân ông yêu cầu phải báo cáo lên để nhanh chóng giải quyết.

    Năm 2014, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã cung cấp gần 49.000 tin, bài và hơn 10.000 ảnh; cập nhật đăng tải gần 2.000 văn bản quy phạm pháp luật; hơn 3.600 văn bản chỉ đạo, điều hành; 104 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; 34 chương trình “Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời”; 162 chương trình sự kiện tuần; 51 chương trình “Người dân và Chính phủ”; 236 bản tin Vietnam Online; tổ chức 15 tọa đàm trực tuyến; tiếp nhận, xử lý hơn 4.300 phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp gửi các cơ quan có thẩm quyền giải đáp.

    Nha Trang ( Tổng hợp)

    [​IMG]
    Nguồn Xã hội thông tin
     
  2. Facebook comment - Phải chủ động đưa thông tin chính thống lên mạng

Share This Page